Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018: Kbang thể hiện bản sắc văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để chuẩn bị cho Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, huyện Kbang (Gia Lai) đã chọn 2 đội cồng chiêng tiêu biểu tham dự với những tiết mục độc đáo mang đậm bản sắc địa phương. Đoàn nghệ nhân huyện Kbang cũng sẽ tham gia các hội thi, lễ hội đường phố, phục dựng lễ hội truyền thống... để giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương tới bạn bè bốn phương.
Ông Đinh Angưi-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Thanh thiếu nhi huyện Kbang-cho biết: Theo kế hoạch của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến 11-11-2018 với các hoạt động chính là lễ hội đường phố diễn ra trên các tuyến phố chính của TP. Pleiku; phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi Tây Nguyên, hát dân ca; triển lãm ảnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… “Dựa vào những nội dung diễn ra trong khuôn khổ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, chúng tôi đã lựa chọn được 2 đội cồng chiêng tiêu biểu trong hàng trăm đội cồng chiêng trên địa bàn huyện, đó là đội chiêng thanh thiếu nhi làng M'Hra (xã Kông Lơng Khơng) và Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung)”-ông Angưi chia sẻ.
  Các thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) luyện tập hăng say. Ảnh: N.M
Các thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) luyện tập hăng say. Ảnh: N.M
Trò chuyện cùng P.V, chị Đinh Thị Khop-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng-thông tin: Được thành lập từ năm 2012, đến nay, Câu lạc bộ có gần 60 thành viên, tuổi từ 20 đến 45. Trong số này có 20 người đánh cồng chiêng, trống, số còn lại múa xoang. Từ ngày thành lập đến nay, Câu lạc bộ đã tham gia biểu diễn tại nhiều lễ hội trong và ngoài huyện, các chị em đều có kinh nghiệm biểu diễn, đánh cồng chiêng thành thục. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng có nhiều chị em múa xoang hay, uyển chuyển, hấp dẫn. “Được huyện chọn là đội đại diện tham dự Festival là niềm vui, niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng luyện tập, chịu khó học hỏi thêm từ sự chỉ dẫn của các nghệ nhân”-chị Khop vui vẻ nói.
Nghệ nhân Đinh Jrang (làng Leng) cho biết: “Tôi dạy chị em đánh cồng chiêng từ khi Câu lạc bộ mới thành lập. Đến nay, chị em có thể đánh được gần 20 bài, hay không thua kém đội chiêng nam trong làng. Để chị em biểu diễn toát ra nét duyên dáng nhưng đầy nội lực thì phải hướng dẫn từ cách đi đứng, cầm, đánh chiêng… Cùng với đó, tôi sẽ cử mấy anh nam diễn trò, múa phụ họa. Ngoài ra, các chị em cũng biết kết hợp trang sức, trang phục dân tộc làm cho đội chiêng hấp dẫn, bắt mắt hơn”.
Những nghệ nhân làng M'Hra cũng mong muốn đem đến Festival những tiết mục mang đậm bản sắc truyền thống. Nghệ nhân Đinh Prang-Đội trưởng đội cồng chiêng thanh thiếu nhi làng MHra-bộc bạch: “Đây là một trong những đội mạnh của làng. Các thành viên rất trẻ, 9-15 tuổi, thẩm âm rất tốt, chúng tôi chỉ hướng dẫn vài lần là đánh được ngay. Các em múa xoang cũng rất dẻo, toát ra sự hồn nhiên, trong sáng, lôi cuốn người xem. Đội sẽ mang tới Festival 2 bài chiêng thường biểu diễn tại lễ mừng nhà rông mới. Chúng tôi đang tích cực luyện tập để các em biểu diễn ăn khớp, nhịp nhàng, tiếng chiêng có hồn và bay bổng hơn”. 
Trong thời gian 3 ngày tham gia Festival, huyện Kbang còn mời các già làng, nghệ nhân tham gia thi hát dân ca, tạc tượng, kể sử thi, đan lát, dệt vải... “Đoàn tham dự Festival lần này có gần 90 nghệ nhân. Hiện nay, các đội cồng chiêng rảnh lúc nào là luyện tập lúc đó, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng về trang phục… Qua Festival lần này, huyện muốn quảng bá hình ảnh, những nét văn hóa đặc trưng của địa phương; có cơ hội giao lưu, học hỏi; tạo nguồn cảm hứng, kinh nghiệm để các nghệ nhân truyền đạt lại cho các làng, xã khác trên địa bàn; gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Thanh thiếu nhi huyện Kbang cho biết thêm.
Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.