Vị măng ngọt đắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa ràn rạt thế này, lại nhớ mùi măng luộc và những ngày cơ hàn cả gia đình quấn túm bên nhau.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Cha tôi là anh cả trong một gia đình đông con. Anh chị em phần đa không có việc làm ổn định nên cuộc sống rất khó khăn. Với trách nhiệm của người anh cả đặt nặng lên vai, cha tôi lần lượt đưa gia đình các cô chú tôi vào Tây Nguyên lập nghiệp. Có thời điểm trong nhà tôi có đến hơn hai mươi nhân khẩu. Đồng lương hưu của cha không thể cáng đáng nổi mọi chi phí sinh hoạt. Ông loay hoay nghĩ cách duy trì cuộc sống cho cả đại gia đình.
Tôi nhớ nhất khoảng thời gian khó khăn ấy, vào mùa mưa, các cô chú tôi dựng lán trên một sườn đồi để tập trung việc trồng cấy. Chỗ trũng thì gieo lúa, chỗ cao hơn trỉa bắp, trồng đậu, bí đỏ, khoai lang. Những thứ rau trái tự làm ra vừa là nguồn thu nhập chính, lại vừa là nguồn thực phẩm hàng ngày. Tôi khi ấy đang đi học, kỳ nghỉ hè cũng trùng với độ mưa nhiều nhất trong năm nên thỉnh thoảng được theo vào rẫy tham gia lao động.
Xung quanh cái lán nhỏ giữa sườn đồi đất đỏ là những bụi le mọc lúp xúp. Chỉ cần sau vài ba trận mưa đầu mùa là những búp măng le đội đất nhú lên tua tủa như người ta cắm chông. Ở đất rừng núi có vô số loại măng, nhưng có lẽ, măng le vẫn ngon hơn cả, bởi thân măng nhỏ, chắc, giòn, ngọt. Những búp măng non vừa tách ra từ đất, đem bóc hết lớp lá bao bên ngoài, có thể chế biến thành vô số món ngon đưa cơm. Đơn giản nhất là đem luộc lên, nếu thích thưởng thức vị đắng nhân nhẩn của măng thì luộc sơ qua một, hai nước, còn không thì luộc kỹ hơn. Những miếng măng luộc được bổ ra vừa ăn, quẹt với chút mắm ruốc đã được pha chế với ớt tỏi trở thành món ăn kích thích mọi giác quan. Cầu kỳ hơn thì đem bào mỏng măng, luộc lên vài nước rồi xào với chút mỡ. Hay chịu khó một chút thì có món măng muối chua. Măng tươi thái lát mỏng, ngâm nước muối qua một đêm, vớt ra để ráo rồi cho vào hũ sành muối như muối dưa, cho thêm vài lát ớt và ít nhánh tỏi. Vài ba hôm mở nắp thấy dậy lên mùi măng quyện vào với mùi cay của ớt, mùi nồng của tỏi, gắp một gắp ra ăn với cơm, vừa ăn vừa xuýt xoa trong tiết mưa dầm dề, thấy lòng ấm hẳn. Những kỳ cha lĩnh lương, có thêm miếng thịt mỡ, vài con cá tươi, đem kho thật mặn với măng chua ăn dần.
Có những dạo măng nhiều, ăn không hết, bà nội tôi chọn những búp măng to đem luộc rồi chẻ mỏng sấy khô lên để dành. Mưa Tây Nguyên dầm dề cả tháng trời không nhìn thấy chút nắng, các chú tôi chặt những cây le đan thành tấm phên gác lên gác bếp lấy chỗ sấy măng. Bà tôi cẩn thận gói những mớ măng khô vào túi ni lông để dành đến Tết. Những cái Tết được ăn món canh xương hay chân giò hầm măng của bà nội là những ngày mà tôi nhớ mãi.
Mùa này, thỉnh thoảng trên đường, tôi lại gặp những người phụ nữ Jrai xách những bì măng đi ra từ phía núi. Tôi thường dừng lại mua một ít bởi vẫn giữ thói quen chế biến những món ăn từ măng như thuở nào. Nhà ít người, ăn cũng chẳng nhiều như trước, nhưng tôi vẫn lụi cụi luộc, bào, ngâm, muối. Chạm vào những ngón măng trắng nõn, nhấm nháp vị ngọt đắng của những miếng măng tươi, tôi như thấy lại hình ảnh cha tôi trong bộ quân phục bạc màu, đôi tay ông thoăn thoắt bới từng lớp đất đỏ rồi đưa cho tôi từng chồi măng. Tôi còn nhớ cả cái cách nội tôi khéo léo đảo những lát măng trên tấm phên ám khói, để rồi lại cặm cụi nấu cho chúng tôi những món ngon, cho tôi day dứt nhớ thương mãi tận bây giờ.
Trong lòng tôi, sau vị nhân nhẩn của măng là những ngọt ngào không gì có thể nhạt phai.
Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.