Gặp Chủ tịch Hội Thanh niên cứu quốc đầu tiên ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là đồng chí Phạm Thuần, một trong những đảng viên đầu tiên của “Chi bộ 9 người”, người có nhiều đóng góp cho việc thành lập Đảng bộ Tây Sơn-tiền thân của Đảng bộ Gia Lai.
Đồng chí Phạm Thuần từng giữ các trọng trách từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là Tỉnh ủy viên đầu tiên, Trưởng ty Công an đầu tiên của Gia Lai (năm 1946). Tuy nhiên, cũng không nhiều người biết rằng, trước đó, đồng chí từng được giao vận động thành lập Hội Thanh niên cứu quốc Gia Lai và được bầu là Chủ tịch Hội Thanh niên cứu quốc đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám.
  Đồng chí Phạm Thuần. Ảnh: Q.N
Đồng chí Phạm Thuần. Ảnh: Q.N
Trong những tài liệu của đồng chí Phạm Thuần được gia đình lưu giữ có ghi lại những thông tin: Sau khi giành được chính quyền ở Gia Lai tháng 8-1945, có rất nhiều vấn đề được đặt ra cho chính quyền cách mạng non trẻ. Gia Lai lúc ấy lại chưa có tổ chức Đảng. Vì thế, Xứ ủy Trung Trung bộ đã cử đặc phái viên lên Gia Lai. Ngay khi đến Gia Lai để xây dựng tổ chức Đảng ở Gia Lai và Kon Tum, đồng chí Phan Thêm-đặc phái viên Xứ ủy Trung Trung bộ-đã tìm cách tập hợp những lãnh đạo trong Đoàn Thanh niên Gia Lai-lực lượng nòng cốt vừa giành chính quyền từ tay sai của ngoại bang. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang, một trong những nhiệm vụ cấp bách trước mắt ở Gia Lai và Kon Tum được đặc phái viên đặt ra là: nhanh chóng xây dựng các đoàn thể cứu quốc; chính thức thành lập Mặt trận Việt Minh; thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân, dân tộc và tôn giáo thành một khối đại đoàn kết vững mạnh. Đồng thời ổn định đời sống nhân dân, nhất là công nhân các đồn điền, nông dân ở vùng nông thôn. Chính trong bối cảnh đó, đồng chí Phạm Thuần được đồng chí Phan Thêm dìu dắt và giao nhiệm vụ: vận động thành lập Hội Thanh niên cứu quốc của tỉnh.
Đồng chí Phạm Thuần đã kể lại với những trải nghiệm: “Trước hết, anh Phan Thêm đưa cho tôi bản Điều lệ Hội Thanh niên cứu quốc, giải thích rõ những chương, điều… trong Điều lệ. Anh cũng hướng dẫn cho tôi về công tác và phương pháp trong vận động thanh niên, quần chúng. Nhờ vậy, với những chuyến đi về cơ sở, làng xã, tôi ngày một trưởng thành… Nhờ đó, khi tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên người Kinh cũng như người Thượng, biết thêm về công tác điều tra, tuyên truyền, vận động, tổ chức lãnh đạo và tập dượt hành động cách mạng, qua đây tôi nhận thấy nhiều điều: Đó là lòng yêu nước của quần chúng, nhất là thanh niên luôn nồng nàn, tiên phong. Và điều quan trọng mà tôi rút ra cho bản thân là chính mình phải thật gương mẫu, vươn lên. Tác phong phải gần gũi với quần chúng, đĩnh đạc, nhưng dễ cảm tình và có sức thuyết phục khi diễn thuyết trước đám đông… Cho đến tận sau này, tôi luôn tâm huyết với hình thức tổ chức mít tinh trong công tác vận động quần chúng. Mít tinh dù lớn hay nhỏ ở các buôn, làng và đồn điền đều tập trung hướng vào các nội dung chính: tổ chức học tập, tuyên truyền về lãnh tụ, về mục tiêu của Đảng, nâng cao tinh thần yêu nước, tin vào chế độ mới  ngay tại buổi mít tinh…”.
Theo đồng chí Phạm Thuần, khi đã diễn thuyết, thuyết phục được quần chúng lắng nghe thì sau diễn thuyết rất cần thể hiện quyết tâm như hô vang khẩu hiệu, tuần hành để biểu đạt sự quyết tâm hành động trong quần chúng. “Qua các cuộc mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, bản thân tôi cũng được truyền cả bầu nhiệt huyết với ý chí sức mạnh của quần chúng, nhất là thanh niên vào trái tim mình”. Có lẽ vì thế mà ông được hội viên Hội Thanh niên cứu quốc bầu vào Ban Chấp hành và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội vào cuối năm 1945.
Những hồi ức của đồng chí Phạm Thuần đã giúp chúng ta hình dung phần nào hình ảnh của những thủ lĩnh thanh niên ngày ấy: tự tin, nhiệt huyết, băng rừng lội suối, đến với từng nhà, từng người; là hình tượng đầy khí phách khi đứng trên bục cao diễn thuyết trước quần chúng đầy thuyết phục. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến các thủ lĩnh thanh niên trong thời đại hiện nay. Dù vẫn còn đó nhiều trăn trở nhưng họ đã tiếp nối được truyền thống của thế hệ cha anh và biết lĩnh hội, tận dụng những ưu thế của thời đại 4.0 để phát huy sức trẻ.
Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.