Xuân về trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuân về trên cao nguyên, ấy là khi gió khô khốc cuốn bụi đất bay mù mịt. Cái nắng chói gắt, như thiêu như đốt với gió khô ram ráp làm cả đồi cây khô gầy. Đó cũng là khi mùa tưới nước bắt đầu, ấy cũng là lúc mùa hoa cà phê bung nở. Xuân về trên những dốc đồi, trước hết là ở những thanh âm. Chẳng phải tiếng sáo tiếng khèn gọi bạn tình, cũng không phải tiếng trống hội linh đình mà đó là âm thanh hỗn hợp của cuộc đời lao động.

Xuân về, đó là lúc người trồng cà phê rầm rộ ra quân… cứu rẫy. Đêm gió lạnh ở nơi bốn bề bao phủ những rẫy cà phê này đầy những thanh âm. Tiếng máy nổ bành bạch gần xa hòa thanh vọng lại. Đâu đó tiếng nước chảy róc rách từ những lòng mương lớn. Nước xối rào rào trên những ngọn cà phê. Nước rơi lộp bộp trên nền đất khô khốc. Tiếng người chuyện trò rì rầm bên những đống lửa bập bùng giữa vòm trời lấp lánh, giữa bốn bề gió lạnh ù ù tái tê. Thi thoảng tiếng nói chuyện ngưng, củi xâu kêu lép bép.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Nếu “đàn ông đi biển có đôi”, thì đàn ông đi tưới nước cũng có đôi, có ba vậy. Chiếc bóng của chai nửa lít… rượu đổ dài trên nền đất khô. Để chống chọi lại với gió rân rân tê buốt, người ta cần hơi men ấm nồng. Để chống chọi với cô đơn, người ta gọi nhau nhâm nhi miếng mồi bên cốc rượu vừa nói chuyện, vừa gác máy nổ, ống tưới cà phê. Cái lạnh giá của mùa khô cao nguyên tạm thời được hơi ấm của lửa, của rượu khỏa lấp. Cái nhọc mệt của những đêm trắng tưới nước tạm thời được đẩy lùi bởi những lời tâm sự, chuyện trò suốt đêm thâu.  

Đêm qua đi, âm thanh xáo động khiến sắc xuân bừng tỉnh. Sắc xuân, hương xuân lan tràn trên những triền đồi gió lộng. Sắc xuân là cái màu tinh khôi, trắng ngọc ngà của hoa cà phê. Hương xuân là cái dìu dịu, thanh thanh, thoang thoảng của loài hoa ấy. Mùa xuân cao nguyên,  mây trắng mỏng mảnh trải dàn trên nền trời trong xanh và cao vời vợi. Dưới thấp là màu cam đỏ của đất, thấp thoáng xanh đậm của lá và ngập tràn sắc trắng của một loài hoa. Người chưa biết hoa này, đứng trên cao, phóng tầm mắt xuống những triền đồi ắt hẳn phải choáng ngợp trước cảnh “tuyết” phủ trắng và trải dài bao la! Sa Pa ư? Là Tây Nguyên đấy! Tuyết ư? Không phải, là hoa cà phê! Không bất động tuyệt đối như tuyết trên cành khô ở miền Tây Bắc, những cành hoa cà phê rung rinh trước gió theo tiếng lạch tạch chạm nhau khe khẽ của lá cây. Nếu mai và đào cho ta thấy không khí ấm cúng trong căn nhà dịp Tết, thì hoa cà phê cho hồn ta phiêu du bất tận cùng nắng, cùng gió, với cây, với đồi. Đất trời xuân tươi khoáng đạt, lòng người lẽ nào cứ co cụm với những buồn rầu không đâu? Phải chăng cái lồng lộng của thiên nhiên cao nguyên đã làm nên sự phóng khoáng của người dân miền đất đỏ?

Hương cà phê ngọt dịu ngan ngát theo gió giăng khắp núi đồi. Nó không nồng nàn, mà cứ phảng phất. Nó như đùa giỡn với khứu giác, bởi khi ta ngửi thấy mùi hương hoa ấy, tiếp tục hít sâu hơn để thu trọn hương hoa thì nó lại bay mất chẳng khác nào chơi trò trốn tìm. Người dân gắn bó với cây, với hoa đến độ, người ta có thể so sánh hương hoa theo các năm. Sáng tinh mơ mở cửa, hương hoa xông vào nhà, năm nay hương hoa nồng hơn năm ngoái, thế là chắc mẩm một vụ mùa bội thu. Hoa nhiều thì hương đậm, chắc chắn quả sẽ trĩu cành! Nhưng phải tinh tế lắm mới phát hiện ra. Đo mùi hương cũng là nghệ thuật vậy!

Xuân về trên cao nguyên của những đứa trẻ nhà nông của chúng tôi vậy đó! Có thiên nhiên bao la, có cuộc đời lao động vất vả của mẹ cha. Và có những niềm vui trong veo của tuổi nhỏ khi được tung tăng trên những triền đồi bình yên ngập tràn hương sắc thân thương...

Nguyễn Đức Hiền

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.