Nơi ấy một cuộc tình...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi ở Bình Định. Bình Định cách Gia Lai không xa, chỉ một dãy núi. Hai tỉnh được nối với nhau bằng quốc lộ 19, nằm bên cạnh nhau, tình tứ với nhau suốt một cuộc tình. Tuy nhiên, chưa có tỉnh nào gần nhau mà khác biệt nhau như Gia Lai và Bình Định. Có lẽ chính sự khác biệt tạo nên cái đa sắc, khiến họ hấp dẫn nhau. Người Bình Định thích đi về phía núi, người Gia Lai lại mê xuôi đèo về hướng biển.
 Hoa muồng vàng ở Nông trường Chè Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ảnh: Công Ngô
Hoa muồng vàng ở Nông trường Chè Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Ảnh: Công Ngô
Sống ở đồng bằng Duyên hải, gắn bó nhiều với biển nên thỉnh thoảng lại thèm một chuyến thả hồn trên thảo nguyên. Quốc lộ 19 cứ vậy, chuyên mối lái cho những chuyến đi xuyên rừng. 
Để thấy sự khác biệt đầu tiên khi vượt đèo An Khê khó tính, hãy đứng ngay bảng phân địa phận mà cảm nhận. Bước qua khúc cua cánh chỏ là đứng giữa 2 phía: Bình Định và Gia Lai, ta như vừa bước ra khỏi nơi hừng hực nóng để đến với cái mát rời rợi của khí hậu Tây Nguyên. Chính nơi đây, thiên nhiên đã treo một bức màn voan mỏng để ngăn cách 2 thái cực của nóng-lạnh, của mưa nguồn và lũ lụt. Vén bức màn, không khí mát mẻ của Tây Nguyên bắt đầu vờn lên da thịt, ta cảm nhận được sự rụt rè, e ấp của một cô gái mới lớn có đôi má đỏ hồng và bẽn lẽn khi đứng trước một chàng trai. Chắc chắn sẽ không tìm thấy cảm giác này nếu chạy hết các tỉnh Duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, bởi ít có sự khác biệt.
Đi từ An Khê đến Pleiku, con đường cứ thế phập phồng quyến rũ nhưng cũng đầy thử thách với cách “đánh võng” và ngoặt cua đến khét bố thắng. Khắp Tây Nguyên này, cung đường nào cũng kiêu kỳ, nó không muốn chấp nhận một người tình đơn điệu. Muốn đến Pleiku phải qua một con đèo nữa-đèo Mang Yang. Đèo ngắn nhưng khắc nghiệt, song lại nhanh chóng bù đắp bằng những sóng cỏ bạt ngàn, những thảm nhung xanh phủ lên một thảo nguyên mênh mông vàng của dã quỳ dễ làm chùng tay lái những gã say tình. 
Nơi đây, tâm hồn ta sẽ đầy niềm cảm hứng nếu buổi sáng thức dậy cưỡi xe máy, mặc áo phong phanh cho cái lạnh se vào da thịt. Băng qua những cánh rừng, những thảo nguyên đầy gió, nghe những câu chuyện tình lãng mạn và những khúc nhạc bềnh bồng trên thảo nguyên. Người Gia Lai biết thổi hồn mình vào thiên nhiên để nó trở thành một người bạn chí tình. Họ biết kể một câu chuyện (kể khan) khiến những dòng sông, những dãy đồi, những nương bắp, những loài hoa... trở nên huyền hoặc. Đó là câu chuyện về chàng trai Jrai tên Pa và nàng Ayun yêu nhau nhưng không vượt qua được tục lệ đã cùng trầm mình xuống dòng sông. Hai dòng sông này đã tìm gặp nhau, gọi là dòng Ayun Pa; hay chuyện về làng Ơi với huyền thoại Vua Lửa và thanh gươm thần gắn với lời nguyền: “Ai có thanh gươm sẽ có khả năng hô phong hoán vũ”. Ta còn bị mê hoặc bởi truyền thuyết về núi Hàm Rồng, về thiên tình sử của nàng Chư Hdrông xinh đẹp, nết na, con của một vị tù trưởng hùng mạnh với chàng Rơ Lan Ly nghèo khổ, thật thà, siêng năng và chơi đàn goong rất hay. Khi nàng Chư Hdrông vô tình bị Rơ Mah Hem-một tên giàu có đòi cưới nàng làm vợ-bắn chết, Rơ Lan Ly bế nàng trên tay đi mãi đi mãi về phía chân trời tím, nơi ấy sau này mọc lên ngọn núi cô độc gọi là Chư Hdrông (cách gọi khác của núi Hàm Rồng)... Rất nhiều những câu chuyện làm cho mảnh đất Gia Lai trở nên hấp dẫn và mê hoặc lòng người.
Hoa dã quỳ bản thân nó nếu đứng một mình thì không có gì đẹp, bông đuôi chồn hay cỏ hồng cũng vậy, không có gì đặc sắc... Nhưng khi chúng đứng gần nhau thành nhóm, thành đám, thành bạt ngàn trải thảm trên những thảo nguyên xanh thì tạo nên một sức hút khó cưỡng. Đặc điểm này của thiên nhiên như cũng hóa thân vào tính cách con người. Chỉ một người không thể nhảy xoang, xoang là phải đông người, là không giới hạn, có thể nối vòng đến vô cùng. Tính gắn kết cộng đồng này sẽ gây khó cho bất cứ một nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội nào đó muốn lùng sục khắp thế gian này để tìm ra một điệu múa tương tự.
Sắc dã quỳ vàng mê đắm lòng người. Ảnh: Sophie Bridal
Sắc dã quỳ vàng mê đắm lòng người. Ảnh: Sophie Bridal
Cái se lạnh nơi đây cũng giúp con người xích lại gần nhau hơn để truyền nhau hơi ấm. Cái lạnh len lỏi trong sương mù của Gia Lai, trong những đêm đông cho ta một cảm giác lãng mạn, con người như tình tứ, đáng yêu hơn. Từng có một chàng trai ngửa mặt lên trời dốc cạn ly rượu Bàu Đá giữa chợ đêm mà rằng: “May mà có em đời còn dễ thương”. Gã chủ quán bán cháo vịt trên vỉa hè nghe cũng gật gật đầu làm tô cháo chênh chao. Lão chỉ giật mình khi nghe bà vợ to béo quát: “Lo bưng cháo đi, nghe chi mấy ông nhà thơ rồi mơ với mộng”.
Gia Lai-Bình Định có sự giao lưu gần gũi về kinh tế như lâm sản-hải sản nhưng về văn hóa thì khá khác biệt. Bình Định có độ sâu của miền trầm tích, Gia Lai có sự đa dạng của vùng đất lành. Con người của Gia Lai đa dạng, đa sắc màu, đa phương ngữ, đa văn hóa. Ở giữa Gia Lai có thể bắt gặp nhiều vùng văn hóa khác nhau tụ quần về làm nên bản sắc của một vùng đất. Có sự dịu dàng, đanh đá của miền Bắc, có tiếng trọ trẹ của Bắc Trung kỳ, có cái cộc lốc của Bình Định... Nhưng sự hòa quyện làm cho Bắc bớt chua, Bình Định bớt cộc, tạo thành một thứ tiếng dễ thương, gợi tình và rất Gia Lai. 
Dung hòa được ngôn ngữ là hóa giải được những xung đột văn hóa của các vùng miền. Có cô gái quê Bình Định lên Gia Lai lấy chồng là một chàng trai gốc Hà Tĩnh. Thỉnh thoảng mẹ chồng ở quê vô chơi, sống với nhau không nhiều nhưng luôn bất đồng, cãi vã. Sau một thời gian tiếp cận cái đa tập tục của cư dân xung quanh, cô gái và người mẹ chồng kia thấu hiểu. Họ nhận ra rằng, đây không phải là bất đồng về tính cách mà là sự xung đột về văn hóa. Còn sự cục bộ, bảo thủ là còn cãi vã. Đất Gia Lai chỉ dung nạp những hòa hợp. Để sống, hiểu được con người, văn hóa Gia Lai phải là người từng trải, sâu sắc. Nhờ đặc tính này mà họ hòa thuận trong niềm hạnh phúc. Nghe câu chuyện, tôi lãng đãng nghĩ rằng: Nếu cô gái kia ra ở quê chồng, nếu người mẹ chồng kia vào ở quê vợ... Ôi, có lẽ vỡ tan!
Nhớ lần đầu tiên lên Gia Lai, lúc biên thư về cho bạn, tôi viết sai từ Pleiku thành Plieku, cái sai ngớ ngẩn ấy lại trở thành kỷ niệm cho lần tự tình đầu tiên với Phố núi. Nhớ nhất trong đời là cảm giác lần đầu tiên tắm, xối gàu nước giếng giữa mùa hè. Cái mát lạnh của nó có chút gì của bazan, có chút hương của suối nguồn, từng giọt nước như bám riết vào từng chân lông chứ không trơn tuột như nước của mùa nắng nóng ở Bình Định. Sau này, mỗi khi Bình Định trời nóng như chảy mỡ, vừa tắm xong người đã nhễ nhại mồ hôi, tôi lại thèm một chuyến đi Gia Lai. Thèm được lên đỉnh Hàm Rồng dang rộng tay ra để ôm lấy cả thành phố Pleiku, cả Gia Lai, cho gió thổi vào lòng, cho tâm hồn tan chảy vào thiên nhiên. Tựa như mong ước của đứa trẻ con sà vào lòng mẹ, con ấm áp còn mẹ thì hạnh phúc.
Với tôi, Gia Lai đã là một cuộc tình...
Trường Đăng

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.