Men say của rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng xuân đã bung tỏa trên những nếp nhà sàn ở xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện. Nhà nhà đã sẵn sàng đón khách tới vui xuân với những ghè rượu cần thơm nồng bởi hương vị đặc trưng từ chất men truyền thống. Với người Jrai ở đây, bí quyết tạo nên chất men tự nhiên là do “Yàng ban”.
Khi ủ rượu bằng loại men này, rượu cần sẽ có hương vị rất đặc trưng của núi rừng. Vị đắng của rễ cây rừng, vị chua thanh của lá, vị hăng nồng của ớt, vị ngọt của gạo… Tất cả hương vị hòa quyện lại, cho người uống cảm giác hưng phấn, lâng lâng đến khó tả.
 Hơi men ấm nồng quyện lẫn trong những câu chuyện của ngày đầu năm. Ảnh: T.D
Hơi men ấm nồng quyện lẫn trong những câu chuyện của ngày đầu năm. Ảnh: T.D
Vượt núi tìm nguyên liệu
Theo những người già ở Ia Yeng, để làm nên men rượu cần độc đáo, những phụ nữ có kinh nghiệm trong làng phải lên rừng tìm rễ của hơn 20 loại cây thuốc Nam. Bà Siu HBro (60 tuổi, làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng), một trong những người phụ nữ Jrai còn giữ được bí quyết làm men rượu từ những vật phẩm tự nhiên của núi rừng, hào hứng kể về những ngày được theo mẹ mang gùi vào rừng hái lá: “Ngày trước, nguyên liệu làm men rượu dễ tìm hơn bây giờ. Chỉ cần men theo bìa rừng là có đủ các loại lá, rễ cây mang về. Các bà, các mẹ trong làng cứ khoảng 2 hay 3 ngày lại rủ nhau đi lấy nguyên liệu một lần rồi về cùng nhau làm”. Đó là các loại lá, rễ cây như: Tbao, Jrao Jú, Jrao Uách, Jrao Pnok, Jam Rưng, Ré Kó, Hăng, Kram Ré, Kđõh Hyam…
Chỉ vào chiếc gùi đầy ắp các loại lá rừng tươi xanh, chị Ksor HLy (làng Kte Lớn B, xã Ia Yeng) phấn khởi khoe với chúng tôi: “Việc làm ra men rượu cần truyền thống của dân tộc Jrai mình công phu lắm, nhất là công đoạn đi tìm nguyên liệu. Xưa thì phụ nữ sẽ phải tự đi lấy, nhưng nay các loại cây rừng cũng hiếm và phải vào tận rừng sâu mới có nên thanh niên trong làng cũng tranh thủ giúp chúng tôi đi tìm các loại cây này”. Theo người dân ở đây thì họ phải đi bộ cả ngày đường lên tận rừng sâu ở huyện Ia Pa, Kông Chro hay Kbang… để tìm kiếm các loại vỏ cây, lá cây, rễ cây... 
Sau khi hoàn thành công đoạn “vượt núi tìm nguyên liệu”, họ cùng nhau bắt tay vào việc chế biến men rượu. Đặc biệt, những người làm men rượu phải là phụ nữ. 
Gìn giữ chất men truyền thống
Ở xã Ia Yeng, hầu như gia đình người Jrai nào cũng biết làm men rượu cần. Mỗi gia đình sẽ có một công thức riêng để tạo nên hương vị mà mình muốn. Rượu cần truyền thống nếu được làm đúng theo phương thức truyền đời thì ghè rượu càng để lâu trong nhà sẽ càng ngon, hương vị ấm nồng rất đặc trưng.
Đầu tiên, các loại cây thuốc Nam từ rừng mang về sẽ được rửa sạch, phơi khô. Sau đó, trộn đều các thứ và cho vào cối giã nhuyễn cùng với gạo. Riêng vỏ cây Kđõh Hyam sẽ được đập dập, ngâm vào nước sạch, đến khi nước ngả sang màu đỏ đậm thì đem đổ vào hỗn hợp đã được giã nhuyễn. Bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ Jrai sẽ nhào dẻo, nặn chúng thành hình tròn dẹt và úp vào những chiếc chén truyền thống. Mỗi chén sẽ đựng được một viên men có kích cỡ vừa đúng với nó. Ngay sau đó, chúng được đem đi ủ trong thời gian 3 ngày 3 đêm rồi lấy ra đem phơi trên gác bếp qua đêm. Khi mở ra, những viên men có mùi thơm ngào ngạt thì đã có thể dùng được. Và đây chính là men rượu cần truyền thống của cộng đồng người Jrai.
Ông Amiah (làng Kte Lớn A, xã Ia Yeng) tự hào khi nhắc tới chất men truyền thống của dân tộc mình: “Trong làng mình hiện có khoảng 6 hộ vẫn thường xuyên làm men rượu cần như gia đình Siu Poh, Kpă HNam, Rơlan HBach… Mỗi lần làng có lễ hội là yên tâm lắm. Mọi người được thưởng thức rượu cần ngon và đảm bảo. Men rượu được làm từ các loại cây thuốc Nam quý nên có tác dụng khử độc rất tốt. Bởi vậy, người uống sẽ không bị đau đầu. Chúng tôi sẽ cố gắng lưu giữ chất men của dân tộc mình cho nhiều thế hệ sau. Những loại cây quý của rừng dùng làm men rượu đã được người làng đưa về vườn trồng thử nghiệm nhằm giữ nguồn nguyên liệu”. 
Theo truyền thống của người Jrai, bí quyết làm men rượu sẽ được bí mật truyền từ người mẹ sang con gái và tất nhiên người con trai không được quyền biết. Chị Ksor HNgan (làng Kte Lớn B, xã Ia Yeng) nhớ lại: “Lúc mới lớn mình đã được mẹ chỉ dạy cách làm men. Mẹ dạy, rượu cần ngon hay không là do men rượu, men ngọt hay cay cũng tùy cách chế biến của từng người, của từng nhà; phải ủ men sao cho rượu thật ngon, mình để lâu mà rượu vẫn không bị hư”. Cũng theo chị HNgan, cùng một lượng nguyên liệu nhất định nhưng nếu cho men hợp lý thì rượu sẽ ngon, nếu quá ít thì rượu sẽ chua và nhạt, còn nhiều quá thì rượu sẽ chát. Sau khi cho nguyên liệu vào ghè thì đem cất chỗ thoáng mát, phải chờ qua một tháng sau rượu mới có độ nồng, thơm ngon. 
Mỗi độ xuân về, hơi men ấm nồng cứ thế quyện lẫn trong biết bao câu chuyện gần gũi, thân tình của những ngày đầu năm.
Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.