Du khách đổ về biên giới ngắm thác Mơ dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng trăm lượt du khách đổ về xã Ia Khai ngắm thác Mơ (còn gọi thác ba tầng, thuộc địa phận làng Ếch) trong ngày đầu tiên của năm mới Mậu Tuất 2018.
 

Đông đảo du khách về ngắm thác Mơ trong ngày đầu năm mới. Ảnh: N.T
Đông đảo du khách về ngắm thác Mơ trong ngày đầu năm mới. Ảnh: N.T

Thác Mơ được xem là ngọn thác đẹp nhất của xã Ia Khai với 3 tầng nước-ngọn thác được mệnh danh như một nàng công chúa ngủ trong rừng. Nước từ thượng nguồn tràn qua 3 tầng của thác Mơ rồi đổ ra sông Sê San. Tầng thác cao nhất là khoảng 10 mét. Nước chảy tràn qua tầng thác này đổ xuống như một mái tóc người thiếu nữ tạo một không khí mát mẻ xua bớt nắng nóng của vùng biên giới dịp Tết Nguyên đán.
 

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Mơ. Ảnh: N.T
Vẻ đẹp hoang sơ của thác Mơ. Ảnh: N.T

Thác Mơ lọt thỏm giữa những vườn điều và cao su. Xung quanh thác, những vườn điều của người dân đang trong vụ mới cho quả xanh, vàng bắt mắt. Thoảng trong gió mùi hương ngai ngái của hoa điều mới nở. Hàng trăm ha cao su của Công ty 715 đã khoác bộ cánh mới với màu xanh ngút ngàn. Hiện tại, Ia Grai đang giữa mùa khô nên dòng nước tại thác Mơ đã thu hẹp chỉ còn những dòng nhỏ.
 

Rất đông du khách tìm về ngắm thác Mơ. Ảnh: N.T
Rất đông du khách tìm về ngắm thác Mơ. Ảnh: N.T

Ghi nhận của PV. Báo Gia Lai trong ngày mồng 1 tết (16-12 DL), tại các con đường dẫn vào thác Mơ, có hàng trăm lượt người và phương tiện đổ về ngắm thác Mơ. Tại thác Mơ, du khách từ TP. Pleiku, Chư Pah, Đak Đoa đổ dồn về chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác. Nhiều nhóm du khách mang theo bạt, thức ăn, nước uống ngồi dưới chân thác và các vườn điều xung quanh ngắm thác. Chiếm số đông du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thác Mơ là các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ mang theo nhạc cụ và tổ chức các trò chơi tại thác Mơ. “Chúng em biết đến thác Mơ qua các trang báo và mạng xã hội nhưng chưa có dịp đến. Nhân dịp Tết, chúng em lập một nhóm khoảng 20 bạn chạy xe máy từ TP. Pleiku lên ngắm thác. Thác Mơ rất đẹp, tiếc là mùa này hơi ít nước”- em Ksor Thanh (trú phường Đống Đa, TP. Pleiku) chia sẻ.
 

Một nhóm trẻ từ phường Thắng Lợi (Pleiku) tham quan thác Mơ. Ảnh: N.T
Một nhóm trẻ từ phường Thắng Lợi (Pleiku) tham quan thác Mơ. Ảnh: N.T

Không chỉ riêng các bạn trẻ, nhiều gia đình ở các thành phố Pleiku và các huyện lân cận Ia Grai chở con cái cùng đến ngắm thác Mơ. “Những năm trước cứ đến dịp Tết, chúng tôi chở con cái xuống phố chơi, tham quan các khu du lịch. Năm nay, chúng tôi chở con cái lên biên giới cho các cháu ngắm thác Mơ và cũng là để cho các cháu biết khu vực biên dưới của huyện Ia Grai”- anh Trần Văn Trị (huyện Chư Pah) cho biết.
 

Nhiều du khách mang theo thức ăn và nước uống. Ảnh: N.T
Nhiều du khách mang theo thức ăn và nước uống. Ảnh: N.T

Theo tìm hiểu, trong sáng mồng 1, khi có đông khách du lịch kéo về ngắm thác Mơ, nhiều gia đình đã tổ chức giữ xe. Giá giữ xe máy và ô tô là từ 5-10 ngàn đồng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều gia đình mang các đặc sản của vùng như gà nướng, rượu cần, thịt nướng ra bày bán, tuy nhiên, sức mua còn ít. Phần đa các du khách khi đến thác đều mang theo đồ ăn và thức uống.

Tại thác Mơ, huyện Ia Grai đã cắm các bảng cảnh báo nguy hiểm và yêu cầu du khách không vứt rác làm ô nhiễm nguồn nước.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.