Nhớ dốc hoa vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi định cư ở Kon Tum, nhưng tính đến cuối năm 1976, tôi đã có 3 lần “tạm trú” ở Pleiku, mỗi lần gần 1 năm. Thế nhưng năm thì mười họa tôi mới có chuyến đi về phía Nam thị xã (bây giờ là thành phố) chơi nhà vài người bạn ở Trà Bá; chưa bao giờ có dịp đi xa hơn đến dốc núi Hàm Rồng. Tôi còn nhớ, nhìn voi vói xa hơn Trà Bá một tí về phía Nam khi ấy còn nguyên dáng dấp nông thôn, dân cư thưa thớt, nhà cửa tầm tầm chứ không như bây giờ.

Mãi đến cuối năm 1989, khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai-Kon Tum tổ chức cho hội viên chuyến thực tế sáng tác về huyện Chư Sê, tôi mới có dịp lần đầu tiên ngang qua dốc Hàm Rồng lượn vòng quanh một phần chân núi.

 

Vạt dã quỳ vàng rực dưới chân núi Hàm Rồng.    Ảnh: Lê Hà
Vạt dã quỳ vàng rực dưới chân núi Hàm Rồng. Ảnh: Lê Hà

Không biết nói cách sao cho rõ hết được cảm giác và cảm xúc của tôi (và nhiều anh chị em hội viên khác) trước một cảnh sắc thiên nhiên vô cùng độc đáo ở núi Hàm Rồng khi ấy. Từ xa xa, trước mắt chúng tôi là ngờm ngợp một màu vàng rưng rức dã quỳ phủ kín từ chân núi lên đến đỉnh! Đúng là như vậy, hầu như không có một chỗ trống nào! Gần như cả đoàn cùng “ồ” lên một lúc, đề nghị dừng xe. Ai cũng nhờ chụp hình kỷ niệm (lúc bấy giờ rất hiếm người có máy ảnh). Khi lên xe đi tiếp về Chư Sê, tôi tin chắc lúc ấy chỉ duy nhất anh lái xe là phải lo nhìn đường mà thôi, chứ toàn thể chúng tôi đều chăm chăm về phía núi để “uống” cho hết cái cảnh sắc ấy vào trong tư duy và cảm xúc.

Ngày hôm ấy và non ngày hôm sau, cả đoàn tham quan Công ty Cao su Chư Sê và Nông trường Cà phê Ia Pát. Mặc dù được Công ty và Nông trường tiếp đãi tử tế, ân cần, song chúng tôi cứ ngong ngóng giờ về, để lại chiêm ngưỡng lần nữa cái phong cảnh-mà chúng tôi kháo nhau-không nơi nào có được!

Cảnh sắc ấy, khi đi đã ngỡ ngàng thế nào, thì chuyến về càng ngẩn ngơ hơn nữa. Hóa ra phía bên này núi (tức phía Tây Nam, hướng về Chư Prông, Chư Sê), cũng cảnh sắc ấy, nhưng dường như hoa nhiều hơn, vàng hơn, ngờm ngợp hơn và đẹp hơn thì phải. Tự thắc mắc, rồi chúng tôi cũng tự lý giải rằng: lúc bấy giờ phía bên này sườn núi còn nguyên vẻ hoang sơ thảo dã, điệp trùng bát ngát thảo nguyên bao quanh (chứ không như ngày nay), trong khi phía Đông Bắc bên kia (tức phía hướng về thị xã Pleiku) gần vùng dân cư hơn, chung quanh dưới chân núi đã lốm đốm nhiều chỗ bị bà con khai hoang làm rẫy khiến cho cảnh sắc bớt đi ít nhiều vẻ hoang sơ; và điều đó khiến những “con mắt thơ” thấy khác!

Thế là núi Hàm Rồng lúc ban đầu không nằm trong kế hoạch, không phải là “trọng điểm” của chuyến đi, nhưng núi ấy, hoa ấy, khung trời ảo mộng ấy cứ tự nhiên và tự do đi vào những sáng tác của chúng tôi, không những nhiều, mà còn đẹp, còn hay, ngoài sự mong ước của chính các tác giả!

Rất tiếc, ngày nay núi Hàm Rồng đã không còn cái nét “đẹp xưa” (tên một bài thơ mang khí vị hoài cổ rất hay của Huy Cận) nữa. Người ta đã trồng lên ấy rất nhiều thông, mà lớp thực bì của lá thông rụng có chất tinh dầu đã khiến dã quỳ không còn chen mọc được! Mỗi khi ngang qua đấy, nhất là vào thời điểm cuối năm, trong sương mơ bảng lảng và gió núi se se, không còn gặp lại cái màu vàng rưng rức nhớ thương giữa trời cao vời vợi, lòng tôi có nỗi bùi ngùi…

Trở lại chuyến thực tế sáng tác. Cái “Dốc hoa vàng” Hàm Rồng bất ngờ ùa ập vào tôi một nỗi gì ngờm ngợp, mang mang… Bất giác, bóng hình cô bạn gái Pleiku gặp nhau thời “khờ khạo ngây ngô” nơi Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum (cũ) đã hút mờ dĩ vãng cũng ùa về choáng ngợp hồn tôi. Tôi chìm vào dòng nhớ cái hôm theo về nhà bạn ở miệt Đức An tĩnh lặng với những khu vườn cây trái sum sê. Đức An ngày nay khó tìm lại một lối nhỏ “đường làng” nào như khi ấy để tôi tiện tay với ngắt một đóa dã quỳ ven rào tặng bạn và đặt tên cho bạn là “Dã hoa” (loài hoa thảo dã). Bạn đón nhận cả hoa và tên gọi mới bằng ánh mắt nhìn chỉ riêng tôi hiểu… Ôi, ước gì có bạn ở đây, lúc này! Tôi sẽ tặng bạn nguyên cả một sườn đồi hoa vàng trước mắt…  Một ý thơ đáp vào tôi bất chợt…

Đêm ấy, cả đoàn nghỉ lại Pleiku để chờ sáng mai đi tiếp về hướng Bắc, đến thác Ia Ly (thác Ia Ly khi ấy còn nguyên sơ, chưa thi công công trình thủy điện). Chén tạc chén thù, trong cơn bâng lâng cùng bè bạn, tôi cao hứng “trình làng” bài thơ mới rời rợi của mình. Bài thơ sau này nhiều lần được chọn in lại trong các tuyển tập thơ Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng. Tôi đặt tên cho bài thơ là Hoa vàng Pleiku: “Đưa nhau lên dốc hoa vàng/Màu hoa vàng đến ngỡ ngàng Pleiku/Chiều hoang vắng khói hoang vu/Rừng hoang dã với sương mù hoang sơ/Ngỡ chừng đi lạc trong mơ/Rời tay, hai đứa chợt ngơ ngẩn buồn…/Xa rồi một thuở mù sương/Người xa ngút một mùa hương chưa về/Hoa vàng vẫn nở tái tê/Chiều đông lạnh gió bốn bề dốc xa/Vô tình giữa chuyến xe qua/Mình tôi với một mùa hoa… rất vàng!”…

Bây giờ dốc núi Hàm Rồng tới mùa cũng vẫn là dốc hoa vàng đấy, nhưng chỉ ven dọc đường đi mà thôi, không còn cảnh sắc vàng ngợp lên đến đỉnh. Nhưng biết làm sao được, Hoa vàng Pleiku vẫn là trong nỗi nhớ riêng tôi…

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.