Mùa cỏ hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai đón tôi vào một sáng đầu đông gió mơn man, se sẽ. Mảnh đất cao nguyên với bao mến thương, mỗi mùa hoa cỏ về, lòng lại giục lòng, chân lại nao nao muốn bước. Về với Gia Lai là về với miền hoang sơ nắng gió, về với cuộc sống yên bình, thân thương quá đỗi, về với mùa hoa cỏ hiền hòa, trong đó không thể không kể tới những triền cỏ hồng tuyệt đẹp.

Tôi tự mình ngẫm nghĩ rồi tự mình tâm đắc mãi, rằng núi rừng Tây Nguyên được trời ban lộc lành để cho bất kỳ loại rau, củ, quả nào nơi đây cũng đều tươi tốt, ngọt lành. Hoa cỏ chốn này cũng không ngoại lệ. Nhất là cỏ hồng. Chúng có sức sống vô cùng mãnh liệt. Chúng cứ sinh sôi nảy nở nhờ vào đất, gió, mưa trời. Chúng cứ đẹp cho cao nguyên càng trở nên quyến rũ mỗi khi thiên nhiên gọi mùa về. Và sau tất cả, vẻ đẹp ấy dễ làm lay động bất kỳ ai, chẳng phải cứ là người con của Tây Nguyên mới yêu thương tìm về.

 

Đồi cỏ hồng đẹp ngẩn ngơ níu chân biết bao lữ khách.  Ảnh: internet
Đồi cỏ hồng đẹp ngẩn ngơ níu chân biết bao lữ khách. Ảnh: internet

Tháng 11, khi màu dã quỳ vàng rực cũng là lúc cỏ hồng bắt đầu trổ hoa. Chúng mọc thành chùm, bụi; thân cao thẳng, có màu hồng phớt nhẹ, mịn màng. Màu cỏ hồng sẽ chuyển sang vàng úa và khô dần vào thời điểm cuối tháng 12. Đứng giữa thiên nhiên, núi rừng Gia Lai vào những ngày chớm đông, khoác lên mình chiếc áo len, áo dạ mỏng, mắt đắm đuối ngắm nhìn đồi cỏ hồng trải dài tít tắp, tôi như đang được chiêm ngưỡng, thưởng thức một trong những “thương hiệu” của đất trời Tây Nguyên vào mùa khô vậy. Lặng im trong một hơi thở thật sâu, khép bờ mi một chút, trái tim tôi bỗng như cất tiếng hoan ca. Cỏ hồng duyên dáng lắm, óng ánh lắm, hòa quyện trong gió, trong dáng trời cao vút khiến ai ai cũng xuyến xao, bâng khuâng. Thỏa sức ngắm triền cỏ hồng, bỗng thấy tâm hồn thật nhẹ nhõm; ta thấy cuộc đời vẫn đẹp, tình yêu vẫn đẹp dù dòng đời còn bao sóng gió, muộn phiền.

Cỏ hồng thay đổi màu sắc trong ngày như một sơn nữ sặc sỡ xiêm y, hút hồn biết bao du khách. Tôi thích ngắm loài hoa cỏ ấy vào lúc bình minh hoặc khi hoàng hôn buông xuống. Bởi khi ấy, chúng sẽ có màu hồng, hồng tím như những thảm nhung, làm màu trời cũng rực rỡ, diệu kỳ hơn bất kỳ thời khắc nào. Buổi sáng, ta sẽ lạ mắt với những triền cỏ hồng như những đồi cỏ tuyết bởi sương đêm lấm tấm. Làn sương mờ tựa tấm màn voan trắng hòa quyện với sắc tím hồng mộng mơ như đưa ta vào chốn bồng lai tiên cảnh. Chiều về, đứng giữa không gian lãng mạn của đồi cỏ hồng mới thấy mình thật nhỏ bé; mới thấy Tây Nguyên không chỉ đẹp hùng vĩ, mà còn có sức quyến rũ đến lạ lùng. Có phải vì thế mà nơi Phố núi này, mùa nối mùa chộn rộn bước chân biết bao du khách tìm về.

Nhớ hồi còn học đại học, có lần gọi điện hỏi thăm cô tôi trên Tây Nguyên, cô đã than phiền chuyện nương mì, nương bắp bị đám cỏ hồng ăn hết chất dinh dưỡng. Mới nhổ hôm nay, mấy hôm sau lên lại thấy chúng mọc chi chít. Đã thế, hạt cỏ trong hoa theo gió bay khắp nơi, gieo mình xuống nơi đâu là chúng mọc lên ở nơi đó... Trong tâm trí và cả trái tim tôi lúc đó, cỏ hồng chẳng có nơi nào để trú ngụ, dù chỉ là một góc rất nhỏ. Ấy vậy mà lần đầu được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp hoang sơ, được tận thấy màu hồng tím của cánh đồng cỏ hồng đẹp mắt, tôi nhận ra cỏ hồng cũng dễ thương, cũng có nét đẹp riêng như những loài hoa cỏ khác trong trời đất vậy. Và rồi, tôi đã nặng lòng nhớ thương với loài hoa cỏ này từ đó.

Chẳng cần ai gọi mời, dường như năm nào tôi cũng về Gia Lai vào mùa cỏ ấy. Dù chọn địa điểm nào để ngắm, để thưởng ngoạn, để say sưa chụp những tấm hình lưu niệm với cỏ hồng, trong mắt tôi Gia Lai vẫn vẹn nguyên một vẻ đẹp diệu kỳ. Tạm biệt loài hoa cỏ mỏng manh nhưng có sức níu giữ bước chân tôi thật chặt, tạm biệt vẻ đẹp của màu hoa man dại nhưng quá đỗi bình yên, chân ta bước mà hồn như ở lại!

Thanh Ba

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.