Về Chư Đăng Ya đi anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Về Chư Đăng Ya đi anh. Cách Phố núi Pleiku chỉ khoảng 30 km về phía Đông Bắc, Chư Đăng Ya có xa xôi gì mấy nếu đã đem lòng mến thương nhau.

Ảnhnguồn internet
Ảnhnguồn internet

Như viên ngọc bích lộ thiên giữa cao nguyên lộng gió, Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) xinh tươi suốt cả bốn mùa. Mùa này Chư Đăng Ya đẹp lắm, cỏ và hoa cứ quyện lấy chân người. Về Chư Đăng Ya đi, anh sẽ không còn phải nhọc công đi tìm một miền đất đẹp nào đó trên những nẻo đường thiên lý xa xôi.

Ở nơi đâu trên khắp dải non sông gấm vóc của đất nước Việt thân yêu cũng có những cảnh đẹp say đắm lòng người. Về Gia Lai, về Chư Đăng Ya, anh sẽ thấy đất nước mình đẹp biết mấy. Anh sẽ không cần phải sang tận xứ Hàn, trời Âu hay bất cứ quốc gia nào để tìm những cảnh đẹp chẳng… “mang hồn xứ sở”.

Cách đây hàng triệu năm, trên Cao nguyên Gia Lai đại ngàn, có những ngọn núi lửa từng hoạt động dữ dội. Nhưng rồi, ngọn lửa từ thuở hồng hoang ấy lịm tắt dần, để lại trên mảnh đất của những người Anh hùng Đăm San, Đăm Sét nhiều cảnh đẹp khiến người ta chẳng thể nào hỡ hững. Anh từng biết một Biển Hồ T’Nưng - “đôi mắt Pleiku” long lanh sóng nước - là miệng một ngọn núi lửa còn lại đến ngày nay. Về Chư Đăng Ya đi, anh sẽ biết thêm một ngọn núi lửa nữa ở Chư Pah, ngọn núi lửa say ngủ triệu năm để cho đời bazan mỡ màng và trăm ngàn hoa thơm cỏ lạ.

Sừng sững giữa cao nguyên bao la, Chư Đăng Ya hoang dại mà đẹp đến nao lòng. Về đây đi, cỏ hoa sẽ níu lấy bước chân anh. Gió sẽ hát tình ca và núi đồi sẽ kể cho anh nghe chuyện cao nguyên muôn thuở. Những đồi cỏ biếc xanh đến ngút ngàn tầm mắt sẽ ở ra theo từng bước anh qua. Những vạt cỏ đuôi chồn lung linh sắc tím hồng sẽ đưa anh đi qua từng miền cổ tích, ru say lòng anh bằng những miền ký ức yêu thương. Và, những triền dã quỳ vàng ấm trong nắng cao nguyên rực rỡ sẽ nở bao nụ cười reo vui chào đón anh, thì thầm cùng anh những câu chuyện thảo nguyên và đồi núi. Ở đâu tại Chư Đăng Ya, anh cũng thấy được là chính mình, được ôm lấy giữa đất trời mênh mông, được quyện lấy giữa muôn lối ngập tràn hoa cỏ.

Về Chư Đăng Ya đi. Anh sẽ được đứng giữa bao la đất trời, được hòa mình giữa thiên nhiên tươi đẹp, được lạc vào giữa miên man hương sắc cao nguyên. Về Chư Đăng Ya, anh còn được gặp những bà mẹ Jrai đang miệt mài trên những rẫy dong riềng, khoai lang, bí đỏ đang xanh mơn mởn. Về đây, anh còn gặp những em bé Jrai hồn nhiên vui đùa dọc theo các con đường ngập trong sắc vàng lung linh của ngàn vạn đóa dã quỳ. Chư Đăng Ya yên bình và thơ mộng. Về đây đi, anh sẽ nghe lòng mình dịu lại và tâm hồn mình bỗng thấy an yên. Bao nhiêu lo toan của cuộc sống thường nhật đã có hoa cỏ đất trời Chư Đăng Ya giữ lại giúp anh.

Chẳng cần phải đợi đến Lễ hội Hoa dã quỳ lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 năm nay đâu! Ngay từ bây giờ, hãy một lần về với Chư Đăng Ya, cảm nhận hết cảnh sắc thơ mộng và cuộc sống yên bình nơi đây, anh sẽ nghe trong lòng những yêu thương ở lại. Biết đâu, cỏ hoa nơi này có thể níu giữ bước chân anh ngàn dặm, và yêu thương trên mảnh đất này sẽ làm dùng dằng bước anh đi…

Tư Hương

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.