Thương nhau chia củ sắn lùi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cây mì, củ mì (còn gọi là sắn) có mặt ở Tây Nguyên một cách đại trà là vào nửa sau thế kỷ XX để làm một thứ “quân lương” độc đáo trong thời đánh Mỹ.

Lịch sử cây mì “lên Tây Nguyên” đã vào cả nghị quyết, khi Liên khu V chủ trương đưa cây mì từ miền xuôi lên để giải quyết tình trạng khan hiếm gạo. Tỉnh Gia-Kon (Gia Lai-Kon Tum cũ) cũng vậy (lược trích): “Đặc biệt, tỉnh chủ trương đưa cây sắn (mì) từ đồng bằng Trung bộ lên (…) vào vị trí lương thực chiến lược. Cây mì được trồng khắp các nơi, ở khắp các vùng trong tỉnh, vươn ra tận đường 14, trở thành những rừng mì, núi mì kháng chiến. Và chính nhờ cây mì ta có được nguồn lương thực dự trữ lâu dài, phục vụ và chủ động mở các chiến dịch lớn giành thắng lợi”.

 

Mì (sắn) là một trong những loại lương thực quan trọng trong kháng chiến. Ảnh: internet
Mì (sắn) là một trong những loại lương thực quan trọng trong kháng chiến. Ảnh: internet

Trong hồi ký Như núi như sông, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Tranh kể: “Một lần anh Xuân đi công tác về cho tôi một gùi những khúc cây to hơn ngón tay cái có nhiều mắt và mấy củ chừng bằng cổ tay con nít. Anh bảo đây là cây sắn, có nơi gọi là cây mì. Các anh bộ đội của anh Kiên hành quân từ dưới xuôi lên, mỗi người cõng theo 30 cây lên trồng và tặng đồng bào (…).

Thế là bà con tiến hành trồng mì: “Rồi ai cũng nói phải kiếm thêm cây giống. Vượt sự bao vây kiểm soát của địch, vượt núi rừng mà đi thôi! Các anh bộ đội đã cõng từ xuôi lên thì mình phải đi lấy về mà trồng chớ!…”.

Thực ra, mì đã có mặt ở Tây Nguyên từ trước lâu, với tên gọi bum blang (Bahnar) hay pum loăng (Xê Đăng). Cụ thể, đến ngày nay món lá mì muối chua hoặc giã nhỏ nấu canh đã thành món ăn truyền thống, “đặc sản” của bà con Tây Nguyên. Ấy là loại mì “gòn”, cây cao lá thưa, củ bùi, bở. Tuy nhiên lúc ấy còn đất tốt, người thưa, các nông-lâm-thổ sản khác dư sức nuôi người, cây mì chưa thiết đến. Chỉ đến thời kháng chiến, đường tiếp tế lương thực khó khăn, trong “cái khó ló cái khôn”, lãnh đạo Khu V mới có quyết sách tuyệt chiêu ấy.

Cách gây dựng những “kho dự trữ lương thực mì” cũng rất độc đáo, sáng tạo. Trong hồi ký “Tự truyện đời tôi”, ông Nguyễn Tập-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum giai đoạn 1965-1971 (lúc này tỉnh Gia-Kon đã tách riêng), viết: “… đưa cây mì thành cây chiến lược, trồng ở khắp nơi, từ những mảnh đất ven nhà, nương rẫy, triền đồi, bờ sông (…). Nhờ vậy, từ năm 1961 về sau ở Kon Tum bạt ngàn là mì, mì của nhân dân, mì của cán bộ các cơ quan, mì của bộ đội. Có các rẫy mì mang tên “Mì đoàn kết”, “Mì cứu đói”, “Mì thống nhất”, “Mì đánh Mỹ”…”.

Điều này cũng được Anh hùng A Tranh kể: “Chúng tôi quy định, cứ đào bụi mì ăn thì chặt hom cắm xuống ngay. Như vậy đào một bụi mì thì có 5 đến 6 bụi mì mới. Chính vì vậy… mì từ vụ này để qua vụ khác, hễ bộ đội, dân công đi qua thì cứ nhổ nướng ăn. Chúng tôi gọi là rẫy mì cách mạng”.

Trong hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-nguyên Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn cũng viết: “… Đặc biệt là sắn rất sẵn, nhờ chủ trương “ăn củ trả cây” (…). Sắn là “sâm Trường Sơn, mà “sâm Trường Sơn” không bao giờ thiếu…”. Loại “sâm Trường Sơn” đặc biệt này đã phát huy tác dụng một cách thiết thực, hữu hiệu. Hồi ký “Thời sôi động” của Đại tướng Chu Huy Mân-nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3), viết: “Sau 6 tháng, bộ đội đã trồng trên 30 triệu gốc sắn (…). Vào mùa đông năm 1966, các đơn vị tại chỗ cũng như lực lượng hành quân từ ngoài Bắc qua căn cứ Tây Nguyên, tuy gạo còn thiếu nhưng sắn thì đủ no”.

Thấy sự lợi hại của loài cây chiến lược này, Mỹ ra sức phá hoại, triệt tiêu, nhưng không phá được. Anh hùng A Tranh viết: “Những cánh rừng xanh ngút sau một ngày địch thả chất độc hóa học là trở màu đỏ và rụng hết lá, chỉ còn thân trơ trọi, cao vút … Củ mì cũng phình to, không ai dám ăn”.

Những rẫy mì “huyền thoại” không những đi vào ký ức bao người, mà còn là nguồn cảm hứng cho văn chương nghệ thuật. Hồi ký “Ký ức Tây Nguyên” của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-nguyên Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3), ngoài nhiều đoạn dài viết kỹ về những rẫy mì, còn chép lại nguyên văn bài thơ “Sắn” ở rừng Trường Sơn: “Bọn tôi tới những nơi tưởng không có hơi người/Thì rẫy sắn lại hiện ra xòe lá vẫy/Sắn, rồi sắn… cứ biếc lên như vậy/Khắp một vùng lũng hẹp, dốc cao/Như là sắn của trời cho, muốn dỡ, có sao đâu/Dỡ để luộc, dỡ để gùi… được tất/Một trung đoàn ư? Một sư đoàn ư? Thả sức/Đây nồi-sắn-Thạch-Sanh mà, không thể hết, đừng lo/Vào đây lần đầu, xin bạn nhớ cho/Có thói quen của đồng đội đi trước ta để lại/Dỡ một gốc hãy trồng thêm mấy gốc/Gặp bom phạt cây nào, chặt cành gãy trồng thay/…/Nhớ các chị, các anh tới phát rẫy năm nào/Dưới mỗi gốc: máu, mồ hôi thấm đọng/Tình đồng chí ngấm bùi hương vị sắn/Đường đi lá biếc xôn xao…”.

Mãi sau này, những người lính Trường Sơn năm xưa vẫn còn nguyên hình ảnh những rẫy mì trong ký ức được thể hiện qua rất nhiều thơ văn, hồi ký.

Ngày nay, cây mì đã là cây hàng hóa. Nhiều giống mì cao sản được phát triển để tăng năng suất. Hàng năm, mì được trồng đại trà khắp chốn. Nương rẫy Tây Nguyên đâu đâu cũng xanh ngút ngát một màu mì. Tuy nhiên, cây mì “gòn” phục vụ cho việc “ăn tại chỗ” những năm kháng chiến xưa, nay đã lui vào hàng thứ yếu (vì năng suất thấp), chỉ còn được trồng một ít nơi góc rẫy, xó vườn, thậm chí bên… lề phố, để… ăn chơi.

Ở các đô thị Tây Nguyên ngày nay rất dễ gặp các mẹ, các chị người dân tộc thiểu số đi dạo hoặc ngồi bên hè phố bán dăm mớ mì gòn. Ai đã quá ngán ngẩm cao lương mỹ vị thì dừng xe mua vài củ về nấu ăn chơi cho… lạ miệng! Thi thoảng bắt gặp những chiếc xe đạp 3 bánh tự chế đạp lòng vòng khắp các ngả phố rao bán củ mì nấu sẵn; nhìn những thỏi mì trắng tinh, tơi bở, nóng hôi hổi bốc khói thơm nghi ngút, đã… bắt thèm! Hoặc ở những góc ngã ba ngã tư đông người qua lại, các chị các cô ngồi quạt lửa nướng những khúc mì gòn, những củ khoai lang, những trái bắp nếp; cái mùi vị “quê mùa”, dân dã ấy cứ loang ra trong không khí, như vấn vương khắp đất trời, thơm đến nao lòng, gợi nhớ về ý thơ Tố Hữu:

Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng...
Ôi, sao mà thương, mà da diết…

Tạ Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.