Lan tỏa thương hiệu mật ong Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Toàn tỉnh hiện có hơn 93 ngàn ha cà phê, 120 ngàn ha cao su, 20 ngàn ha điều, 10 ngàn ha chè cùng hàng chục ngàn ha cây ăn quả các loại, chưa kể đến hàng chục vạn ha các loài cây rừng có hoa. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hiện nay, nhiều người đã thành công trong nghề nuôi ong.

Xin kể câu chuyện của anh Lê Văn Dân-một người nuôi ong nổi tiếng ở xã Ia Krái (huyện Ia Grai) như là một minh chứng cho hiệu quả của nghề nuôi ong mang lại.

Năm 1993, anh Dân từ Hải Dương vào Gia Lai lập nghiệp và duyên may đã đưa anh lên vùng đất Ia Krái. 2 năm sau, anh bắt đầu nuôi ong, bởi vùng này bạt ngàn cao su, cà phê và nhiều loại cây có hoa là nguồn thức ăn vô tận cho ong.
 

Anh nuôi 20 đàn đầu tiên, sau đó nhân đàn lên dần, chỉ vài năm sau đã có gần 1 ngàn đàn và trở thành một trong những người giàu có nhờ nuôi ong. Anh Dân bảo, không làm thì thôi, làm rồi say lắm, thu được bao nhiêu lại tái đầu tư phát triển đàn.

Bấy giờ, anh còn sắm cả xe ô tô tải để vận chuyển ong và sản phẩm. Mùa ong hút mật, người nuôi ong thường đi theo đàn, dựng lều giữa rừng cây, trong lều có đủ mọi dụng cụ phục vụ sinh hoạt, thậm chí có cả ti vi nữa. Đàn ong đi đến đâu, lều trại dựng theo đến đấy.

Nghề nào cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt. Đối với nghề nuôi ong, việc đầu tiên là tách đàn. Trong những tháng mưa, ong được nuôi bằng cách cho ăn đường pha si-rô. Đến mùa nắng ấm, thời tiết tốt thì mới phát triển đàn ong.

Sau 2-3 tháng dưỡng, người ta bắt đầu chia đàn, từ 1 đàn (1 thùng) nhân lên 3 đàn (3 thùng), mỗi thùng ong khi chia đàn có 2 cầu, sau 2 tháng rưỡi tăng lên 9-10 cầu ong. Mùa khô không phải lo cái ăn cho đàn ong bởi Tây Nguyên vốn dồi dào nguồn mật, phấn hoa.

Do đó, một mùa thu hoạch mật kéo dài đến mấy vụ liền. Vụ 1 là vào giai đoạn cây mì cho thu hoạch (khoảng cuối tháng 8 Âm lịch). Vụ 2 là mùa của một loại cây hoa dại khoảng 20 ngày. Vụ 3 vào tháng 11, đây là vụ thu hoạch chính trong năm, thường chia thành nhiều đợt.

Đợt thứ nhất khi lá cao su tiết mật ở lá già (mặt dưới của lá) khoảng 1 tháng; đợt tiếp theo vào mùa hoa cà phê 1-2 tháng, sau đó gối vụ là điều, lá cao su non (khe lá) khoảng 2 tháng rưỡi, rồi lại đến lá cao su tái sinh (tán 2). Có hộ nuôi ong sau mùa này còn di chuyển vào các tỉnh phía Nam hoặc ra Bắc cho ong hút mật tràm, hoa nhãn, vải thiều...

Gia Lai có đủ điều kiện để phát triển nghề nuôi ong hiện đại bởi đây là xứ sở của các loại cây công nghiệp, nhiều loại cây, hoa màu khác cũng phân bổ ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Người dân trong vùng đã biết nuôi giống ong Ý và có nguyện vọng được tiếp thu tiến bộ kỹ thuật cũng như được hỗ trợ nguồn vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, các cơ sở nuôi ong ở địa phương hiện còn nhỏ lẻ, phân tán, sản phẩm chưa kịp thời chế biến, còn cơ sở hạ thủy phần chưa đạt… nên chất lượng mật ong không đồng đều.

Do đó, việc tổ chức các cơ sở nuôi ong thành một hệ thống, đồng thời tiếp tục cải thiện con giống, áp dụng quy trình phòng-trị bệnh, bảo đảm chất lượng mật ong... là vấn đề cấp thiết. Không chỉ mật ong, các sản phẩm đi kèm như: sữa ong chúa, keo ong, phấn hoa… cũng cần được quan tâm để bảo đảm đúng yêu cầu chất lượng nhằm khẳng định thương hiệu mật ong Gia Lai.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.