Hoang sơ suối Ia Rsai: Nơi tìm đến của giới trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm cách trung tâm huyện Krông Pa 25 km về phía Tây Bắc, suối Ia Rsai (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) lâu nay vẫn được người dân trong huyện và khách du lịch các nơi tìm đến để tận hưởng bầu không khí trong lành và hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ.

Suối Ia Rsai bắt nguồn từ thượng nguồn suối Ia Oong thuộc khu căn cứ cách mạng xã Ia Rsai. Điểm cuối của suối Ia Rsai nối với dòng sông Pa huyền thoại, với tổng chiều dài khoảng 30 km.

 

Vẻ đẹp suối Ia Rsai đoạn hạ du. Ảnh: Văn Vĩnh
Vẻ đẹp suối Ia Rsai đoạn hạ du. Ảnh: Văn Vĩnh

Suối Ia Rsai uốn lượn dọc theo hướng Bắc Nam, song song với con suối là trục đường liên xã từ xã Ia Rsai đi xã Chư Rcăm. Để đến đây, du khách có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô đều thuận lợi, qua một đoạn đường quanh co chừng 15 km nhưng có khung cảnh rất cuốn hút. Men theo những tảng đá nhỏ ven suối, dưới tán những cây rừng nguyên sinh mát mẻ, đẹp mắt, du khách có thể thả hồn tận hưởng tiếng nước chảy róc rách. Tại đây, ta còn có thể khám phá một hang đá lớn là nơi trú ẩn của bộ đội ta ngày trước; 2 bên suối, dọc các triền núi, các thung lũng là những bãi sản xuất của quân và dân thời chiến rộng hàng chục héc-ta.

Đặc biệt, nơi thượng nguồn suối Ia Oong là núi Chư Jú có thác nước trắng xóa dội từ độ cao khoảng 15 m xuống, vào mùa mưa đứng từ trung tâm xã Ia Rsai có thể nhìn thấy một dòng thác tung bọt trắng xóa như mây khói tan ra giữa không trung. Dưới chân thác có bãi đá rộng khoảng 8 sào, bằng phẳng, xuôi dọc theo suối có những tảng đá to với đủ hình dáng, trông chẳng khác tượng những con thú khổng lồ. “Cảnh quan suối Ia Rsai thật đẹp, không khí mát mẻ, trong lành. Gia đình tôi thường đến đây vào mỗi dịp cuối tuần, hoặc nghỉ lễ”-chị Quách Thị Mỹ Phượng-một người dân thị trấn Phú Túc nói.

Đây cũng là địa điểm mà nhiều bạn trẻ ưa thích du lịch “phượt” ghé tới. Ngoài tận hưởng cảnh quan, khí hậu, du khách còn có thể tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ trên những tảng đá lớn hoặc dưới tán cây rừng nguyên sinh. “Đây là lần đầu chúng tôi đến suối Ia Rsai. Cảnh vật hoang sơ nơi đây thực sự có sức hấp dẫn đối với các bạn trẻ”-Kim Thành, một bạn trẻ thích “phượt” chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Thuận-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Rsai cho biết: Thời gian qua, có hàng trăm lượt khách du lịch đến đây, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, cuối tuần. Không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên, suối Ia Rsai còn là khu căn cứ địa cách mạng của huyện trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu khu vực suối Ia Rsai được đầu tư bài bản sẽ trở thành một điểm du lịch dã ngoại kết hợp về nguồn hấp dẫn, nhất là khi nó được kết nối với các điểm-tuyến du lịch khác của tỉnh cũng như các huyện lân cận.

Đến nay, dù suối Ia Rsai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng vẫn chưa được đánh thức. Các hoạt động du lịch ở đây vẫn còn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ và chưa có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. “Chúng tôi mong muốn huyện, tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư dự án du lịch ở suối Ia Rsai. Bởi như thế vừa khai thác được tiềm năng cảnh quan tự nhiên, vừa có thể tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”-ông Thuận đề xuất.

Ngô Mạo-Văn Vĩnh

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.