Cá đá sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dòng sông Ba vắt mình như một dải lụa qua thung lũng An Khê quê tôi. Nhà tôi nằm bên bờ sông. Con sông ấy là linh hồn, là nguồn sống của người dân quê. Nước, cá và những thực vật 2 bên bờ đã nuôi anh em tôi khôn lớn.

Năm nào cũng vậy, vào ngày giỗ ba tôi thế nào trên mâm cơm cũng có một nồi đất kho cá đá bông nhong. Má tôi kể: Hồi xưa, để có cơm trắng cá ngon nuôi chúng tôi khôn lớn, ba tôi đã phải lặn lội đánh bắt cá trên khúc sông này về đổi gạo. Một ngày định mệnh, ba buông lưới giữa sông quanh hầm đá Gõ để bắt cá đá. Khi ấy, ba đang leo lên giữa hòn, dùng đá gõ vào đá gây tiếng động cho cá sợ tung chạy mắc lưới thì máy bay trinh sát Mỹ nhìn thấy. Chúng nhả xuống một tràn đạn và ba ngã xuống, bị cuốn vào vực sâu. Chiều đó, có một trận mưa lớn lắm, nước lũ tràn về cuốn ba đi mất, chỉ còn lại chiếc giỏ cá đá mắc kẹt lại lùm cây nhong. Từ đó, anh em chúng tôi tin, hầm đá Gõ núp dưới lùm cây nhong có linh hồn ba tôi ở đó. Con cá đá và hình ảnh người cha ngụp lặn giữa dòng sông Ba nhuốm màu kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên với gia đình tôi.

 

Món cá đá sông Ba kho tộ.   Ảnh: Internet
Món cá đá sông Ba kho tộ. Ảnh: Internet

Dòng sông Ba chảy luồn lách qua những cánh rừng, khe núi và ghềnh đá. Mùa khô, những mỏm đá ngầm dưới lòng sông nhô lên. Từ trên bờ nhìn xuống đoạn sông có ghềnh thác nhỏ, dòng nước xanh leo lẻo là thấy ngay các loại cá như: nhao, sốc, niêng… tung tăng bơi lội giữa dòng nước phản chiếu ánh sáng mặt trời lấp lánh như tấm áo choàng cẩn bạc của các vị quan thời phong kiến.

Cá đá có thân tròn, dài bằng ngón tay giữa. Con to nhất như ngón tay cái người lớn, vảy mịn, lưng màu đen óng, có 2 sọc xám nhạt chạy dọc theo thân, bụng màu trắng. Cá sống thành từng đàn đủ cỡ, chỉ sống ở dòng trong, ghềnh thác có nhiều khe đá. Thức ăn là rong bám trên thềm hòn đá nước chảy ngập lâu năm. Cá đá có miệng rộng, mép dày thích nghi với phương thức kiếm ăn như vậy nên chất dinh dưỡng tích tụ nhiều nhất nơi miệng cá.

Cá đá là món ăn dân dã của người dân sống trong thung lũng dọc theo 2 bên bờ sông này từ bao đời. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở khúc sông này loài cá đá nhiều vô kể, ngư dân (và cả binh sĩ) bắt cá để dành như phơi khô, giã nhỏ trộn với muối hạt làm ruốc, hoặc đựng vào ống lồ ô nút kín bằng lá chuối khô, xếp trên giàn bếp lấy hơi lửa ấm… làm thực phẩm dành cho cuộc trường chinh thời Vua Quang Trung Thượng đạo tụ nghĩa. Rồi thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, cá đá cũng góp phần trong những ngày dài làm lương khô cùng bộ đội đi chiến đấu. Các cụ bảo: “Cứ ra sông dùng lưới mành bao vào các gộp đá vùng nước chảy, dùng vợt cào, cá tung ra mắc lưới, chừng non buổi là có ngay cả rổ mang về”.

Những bữa cơm đạm bạc thường ngày của gia đình tôi không thể thiếu món ăn được chế biến từ cá đá. Cá được làm sạch ruột, ướp muối bịt kín trong thố sành để lâu chừng một tháng làm mắm, khi lấy ra kho với ớt xanh, lá gừng. Hỗn hợp thức nước chấm dân dã ấy ngả màu ruốc biển, nổi váng mỡ, gặp lửa kho liu riu thì dậy lên mùi thơm nức mũi! Ngày đông tháng rét, rau cải trời hoặc rau lang luộc chấm với thức nước ấy đưa cơm thôi rồi! Bởi có chút vị đắng của rong, một chút béo của mỡ cá, vị cay the của ớt kim, hương nồng thơm của lá gừng ngon đến nỗi bụng đã no căng mà miệng chẳng muốn dừng.

Đã trên 40 năm rồi, ngày giỗ ba năm nào má cùng chúng tôi cũng lặn lội bên hòn đá Gõ ngoài sông cả buổi, chỉ mong bắt được mươi con cá về để má tự tay làm món cá kho tiêu với bông nhong, món ăn mà lúc còn sống ba tôi rất thích. Mùa mưa, cá đá mang bọng trứng vàng cam, hay bọc sữa trắng đục to nung núc dưới bụng. Mâm cỗ dâng cúng tuy nhiều thức món nhưng không thể thiếu món cá đá kho, chén cơm gạo lúa mới dẻo thơm, mùi hương quyện vào nhau như ngấm vào lòng, dậy lên hương vị quê nhà!

Từ ngày con sông Ba quê tôi bị cản dòng để làm thủy điện, mặt sông Ba mùa nắng khô khốc, bốc mùi khó chịu. Nhìn từ trên cao, dòng nước như mảnh vải sậm màu đứt quãng, lô nhô gò đất, ghềnh đá. Hầm đá Gõ có linh hồn ba tôi ở đó, có những hộ gia đình sống quanh đó với những kỷ niệm buồn vui ngày sông chưa bị bàn tay con người thô bạo can thiệp..., tất cả chỉ còn là hoài niệm. Sự đổi thay của quê hương cứ dấy lên trong tôi những cảm xúc trái chiều khó nói. Một cơn gió thốc từ triền sông mang theo cát bụi làm mắt tôi cay xé. Sông ơi, đâu rồi sông của ngày xưa!

An Sinh

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.