Phú Thiện: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ là vựa lúa của tỉnh, Phú Thiện còn là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Với những sản phẩm du lịch đặc trưng, nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, vùng đất phía Đông Nam tỉnh này hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị cho du khách gần xa.

Đặc sản chả cá thác lác

Để tạo dấu ấn với du khách, bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có thì việc phát huy lợi thế về ẩm thực vùng miền là điều không thể thiếu trong phát triển du lịch. Là một vùng đất trù phú, huyện Phú Thiện sở hữu nhiều đặc sản mà không phải nơi nào cũng có. Bên cạnh thương hiệu gạo Phú Thiện đang dần hình thành, nơi này còn có một loại đặc sản nổi tiếng là chả cá thác lác.

 

Hồ Ayun Hạ-điểm du lịch của huyện Phú Thiện.    Ảnh: Thùy Chi
Hồ Ayun Hạ-điểm du lịch của huyện Phú Thiện. Ảnh: Thùy Chi

Hồ Ayun Hạ với diện tích mặt nước lên đến 37 km2, dung tích 253 triệu m3 không chỉ cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa mà còn đem lại nguồn lợi thủy sản phong phú với loài cá nước ngọt như: mè, trắm, chép, đặc biệt là cá thác lác. Những con cá thác lác được đánh bắt trong lòng hồ Ayun Hạ khi đem về còn tươi được người dân khéo léo dùng một chiếc thìa nạo lấy phần thịt, sau đó ướp với các loại gia vị rồi đem giã nhuyễn trong những chiếc cối đá. Chả ấy đem trộn thêm chút lá thì là băm nhỏ, nặn thành từng viên tròn rồi chiên trong chảo ngập dầu sẽ dậy lên một mùi thơm đặc trưng, đánh thức vị giác của thực khách. Chả cá thác lác của vùng hồ Ayun Hạ có vị ngọt thanh, giòn và dai. Chính điều ấy khiến loại đặc sản này ngày càng được nhiều người biết đến.

Bà Đinh Thị Kim Chi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), người chuyên bán các loại cá nước ngọt được đánh bắt từ hồ Ayun Hạ và làm chả cá thác lác, chia sẻ: “Hầu như ngày nào cũng có khách ở Pleiku hoặc khách đi ngang qua quốc lộ 25 ghé vào hỏi mua chả cá thác lác. Trung bình mỗi ngày tôi gửi xe đò cho khách và các nhà hàng 4-5 kg chả cá. Mặc dù giá chả cá thác lác cao hơn các loại chả cá khác (240.000 đồng/kg) nhưng với hương vị của nó thì rất xứng đáng”.

Ông Phạm Văn Trần Hưng-Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện, chia sẻ: “Hiện tại, nguồn cá thác lác để làm chả vẫn chủ yếu là đánh bắt tự nhiên nên không ổn định, ngày có ngày không. Để phát triển loại đặc sản này thì cần phải có hướng đầu tư nuôi trồng tại chỗ thật hợp lý, vừa giúp người dân có thêm thu nhập, vừa giúp quảng bá đặc sản địa phương”.

Ngoài gạo và chả cá thác lác, huyện Phú Thiện còn có nhiều đặc sản ẩm thực như cá sấy khô, các món ăn truyền thống của đồng bào Jrai… để du khách có thêm lựa chọn khi đến với mảnh đất này.

Đa dạng loại hình du lịch

Được thiên nhiên ưu đãi, Phú Thiện sở hữu nhiều cảnh quan đẹp và  nhiều giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh đặc sắc, rất thích hợp để phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Các địa điểm như: Khu Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, chùa Quang Sơn… phù hợp với loại hình du lịch văn hóa tâm linh đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn. Còn với loại hình du lịch sinh thái, hồ Ayun Hạ đủ điều kiện để phục vụ du khách tham quan, dã ngoại, giải trí, nghỉ dưỡng… Nếu được quan tâm đầu tư một cách bài bản, tour khám phá rừng tự nhiên, tham quan các đảo trong lòng hồ chính là điểm nhấn để khách du lịch yêu thích vẻ đẹp hoang sơ tìm đến Phú Thiện.

Không chỉ vậy, Phú Thiện còn sở hữu nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai mà nổi tiếng nhất là lễ hội cầu mưa “Yang Pơ Tao Apui” tại Khu Di tích Plei Ơi (xã Ayun Hạ) và lễ hội cầu mưa tại Plei Rbai A, Plei Rbai B (xã Ia Piar) gắn liền với không gian văn hóa cồng chiêng. “Hai lễ hội này thực sự rất đặc sắc và sẽ giúp liên kết tour du lịch, thu hút du khách bởi đó là nét văn hóa truyền thống rất độc đáo, có từ rất lâu đời và vẫn được truyền giữ cho đến ngày nay của đồng bào Jrai ở Phú Thiện. Song điều gây khó khăn nhất chính là thời gian tổ chức lễ hội. Các lễ hội này thường do thầy cúng trong làng chọn ngày tổ chức theo cảm quan riêng, không có ngày cố định nên rất khó để thông báo hay quảng bá rộng rãi nhằm thu hút khách thập phương”-ông Phạm Văn Trần Hưng bày tỏ.

Mặc dù còn rất sơ khai, chưa được đầu tư nhiều nhưng với những gì sẵn có, lượng du khách đến Phú Thiện vẫn ngày càng tăng. Năm 2016, huyện đã đón hơn 9.000 lượt khách đến tham quan. Trong khi đó, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán 2017, hồ Ayun Hạ đã đón khoảng 7.000 lượt khách, đem lại doanh thu hơn 150 triệu đồng. Điều này cho thấy, vùng đất thung lũng này hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn, thú vị, đặc sắc của tỉnh nhà trong tương lai.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.