Nghệ nhân Kpuih Hươnh và câu chuyện về nghề chế tác trống của dân tộc Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trống là một loại nhạc khí “tự thân vang” được nhiều dân tộc sử dụng trong các hoạt động lễ hội. Nghệ nhân Kpuih Hươnh là người có nhiều năm gắn bó với nghề chế tác trống truyền thống độc đáo riêng theo cách của đồng bào Jrai.

 Nghệ nhân Kpuih Hươnh đang chế tác trống truyền thống. Ảnh: TQT
Nghệ nhân Kpuih Hươnh đang chế tác trống truyền thống. Ảnh: Trần Quốc Trung

Nghệ nhân Kpuih Hươnh ở làng Gôl, xã Ia Din, huyện Đức Cơ gắn bó với nghề làm trống truyền thống Jrai từ lúc còn trẻ, đến nay cũng đã gần 50 năm. Trong quá trình làm nghề, Kpuih Hươnh đã cho ra đời hàng trăm chiếc trống. Trung bình mỗi chiếc trống bắt đầu tạo tác đến khi hoàn thành mất thời gian một tháng, trải qua nhiều công đoạn, người thợ đem lòng nhiệt huyết của mình gởi gắm, thổi hồn vào từng loại trống với nhiều kiểu dáng, kích thước và âm vực khác nhau. Nguyên liệu, vật liệu chính để làm trống gồm thân cây Bồ người Jrai gọi là cây You Mal hoặc cây gỗ Sao, cây Bình Linh dùng để làm tang trống và da bò làm miệng trống. Những chiếc trống to, trống nhỏ được nghệ nhân Kpui Hươnh chế tác đều có âm trầm, vang xa, đẹp và chắc chắn. Trống của nghệ nhân Kpuih Hươnh làm theo đơn đặt hàng, rất được dân làng ưa chuộng, tên tuổi của ông cứ thế nổi tiếng khắp các làng đồng bào Jrai ở huyện Đức Cơ và các vùng lân cận.

Mấy chục năm về trước, khi cây rừng còn nhiều, Kpui Hươnh cùng với những người thợ trong làng đã nhiều đợt gùi gạo lên núi Chư Krai  dựng lán để ở và chọn cây gỗ về làm trống. Để chọn cây gỗ phù hợp, thân cây gỗ được chọn phải là những cây gỗ già, không bị nứt nẻ, cong vênh… Người thợ cả tiến hành nghi lễ cúng tế thần cây bằng việc đốt nến sáp ong, dâng vật phẩm gà, rượu ghè xin Yàng cho hạ cây. Sau một ngày “đạp rừng”, đêm ngủ lán, thành viên trong đoàn nằm mơ nếu thấy ánh sáng mặt trời thì gọi là điểm lành; mơ thấy ma quỷ thì phải di chuyển đến vùng khác và tiếp tục làm thủ tục cúng Yàng xin phép hạ cây. Sau khi chọn được cây, người thợ cắt từng khúc gỗ đúng kích thước của một chiếc trống, nếu nặng thì hai người khiêng, nếu nhỏ thì dùng gùi mang về. Người thợ lấy đục khoét rỗng lòng khúc gỗ và dùng các dụng cụ rìu, rựa để tạo dáng thành khuôn hình chiếc trống. Đục đẽo hoa văn và dùng lá cây Nai lấy từ rừng chà làm mịn tang trống; da bò đem phơi khô, sau đó ngâm nước lạnh cho da mềm rồi kéo căng da, dùng đinh bằng tre bịt miệng cho trống. Công việc sau hoàn thành chiếc trống đưa vào sử dụng là lễ cúng trống mới. Người Jrai sử dụng trống như một phương tiện để truyền tin, báo hiệu khi có nghi lễ; đặc biệt tiếng trống không thể thiếu trong lễ hội cầu mưa, dân làng đánh trống cầu mong trời đất cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và đừng gây lũ lụt, hạn hán… Điểm khác biệt giữa trống dân tộc Jrai với dân tộc Ê Đê đó là đồng bào Ê Đê  thường sử dụng trống lớn, bịt bằng da trâu và khi đánh thường đặt trống ở một vị trí cố định. Trống dân tộc Jrai số nhiều thường có kích thước vừa phải, sử dụng da bò làm miệng trống. Nghệ nhân khi đánh trống, nhảy múa trong lễ hội, một tay cầm quai, khiêng  ngang thân trống và một tay cầm dùi đánh, chân vừa đỡ trống, vừa di chuyển và trống được biên chế trong dàn nhạc, hòa âm cùng với các nhạc cụ khác như cồng chiêng, xập xẻng, lục lạc….

Năm nay, nghệ nhân Kuih Hươnh đã 75 tuổi, thuở thanh niên ông đi theo cách mạng làm y tá chiến trường, những lúc đơn vị cho nghỉ phép, ông trở về làng và được bác ruột truyền dạy nghề làm trống. Sau ngày đất nước được giải phóng, bên cạnh công việc chính của một y sĩ ở trạm xá xã, lúc rãnh rỗi ông lại lên rừng tìm cây về làm trống để thỏa mãn niềm đam mê và để có thêm chút thu nhập cho gia đình. Nghệ nhân Kpuih Hươnh cho biết, hiện tại người lớn tuổi hơn ông và kể cả bạn đồng niên với ông, những người thành thạo nghề làm trống hầu hết đều đã khuất núi; số nghệ nhân Jrai ở huyện Đức Cơ biết làm trống chỉ đếm trên đầu ngón tay; cây trên rừng để làm trống giờ rất khó kiếm; thanh niên nơi làng già Kpuih Hươnh sinh sống, kể cả con và cháu ông cũng không mặn mà học nghề làm trống, hiện tại việc bảo tồn ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề làm trống của người Jrai đang gặp nhiều khó khăn…

Trần Quốc Trung

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.