Chùa trên Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tọa lạc ở số 14A đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2 km theo hướng Tây Nam, chùa Minh Thành là một quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo nổi tiếng của tỉnh Gia Lai. Giữa lòng phố núi huyền ảo, ngôi chùa là điểm đến hấp dẫn, níu chân khách bộ hành.

Buổi sáng mờ sương, bước chân lữ khách bỗng chùng lại khi dạo bước trên con đường dẫn vào chùa. Con đường nhựa khi uốn lượn qua trái, sang phải, rồi lại đột ngột gồng mình lên trên một ngọn đồi giữa hàng thông xanh bao phủ. Màu đất đỏ bám ven đường nhựa, rải một lớp thảm song song chạy xuôi ngút ngàn về cuối đường. Xuôi bước trên con đường ấy, đôi lúc ta bắt gặp một vài chiếc xe máy xuôi ngược, đôi ba em bé trong trang phục áo trắng, quần xanh thong thả đạp xe đến trường. Đứng bên này ngọn đồi, một góc thành phố được bao trùm bởi lớp sương đục mờ màu sữa. Bất chợt, phía xa, tiếng chuông ngân lên từng hồi, vén màn sương làm hiện ra những tầng mái uốn cong màu xanh ngọc của chùa Minh Thành.

 

Hồ Liên Trì như viên ngọc xanh trước chính điện chùa Minh Thành.
Hồ Liên Trì như viên ngọc xanh trước chính điện chùa Minh Thành.


Chùa Minh Thành được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo. Trải qua những biến động của lịch sử, một số kiến trúc của chùa bị xuống cấp, hư hại. Vì vậy, từ năm 1997 đến nay, chùa Minh Thành được trùng tu, xây dựng mới một số công trình. Theo bước chân thành tâm lễ Phật, bước vào khuôn viên trong chùa, nổi bật nhất là ngôi chính điện thờ Phật cao trên 16m được làm bằng gỗ Pơmu nổi tiếng chắc chắn của đại ngàn Tây Nguyên. Kế đó có thể kể đến hai ngọn tháp là tháp Chuông và tháp Tổ khai sơn phía trước chính điện tạo nên sự cân xứng, hài hòa. Nằm bên trái chùa Minh Thành là Bảo Tháp Xá Lợi 9 tầng được xây dựng theo cách thức đặc biệt. Tòa Bảo Tháp được xây dựng, hoàn thiện từ đỉnh tháp xuống. Từ xa, đỉnh tháp nhọn uy nghi vươn lên bầu trời xanh chính là dấu hiệu đặc trưng để du khách thập phương chiêm bái hướng về chùa Minh Thành. Cùng với đó, góp phần tạo nên quang cảnh thoáng đãng cho chùa Minh Thành, hồ Liên Trì như một viên ngọc xanh được đặt ngay trước chính điện. Xung quanh hồ, nhà chùa trồng cây phượng, bồ đề, xen vào đó là những cây liễu nhỏ rủ bóng xuống mặt hồ. Hồ nước nổi bật lên với bức tượng phật A Di Đà bằng đá cao 7,5 mét.

Du khách nếu có cơ hội, hãy thử lưu lại chùa Minh Thành một lần. Sau một ngày làm công quả, ta chìm vào giấc ngủ say giữa không gian tĩnh mịch. Để rồi buổi sớm thức dậy, nhìn ra hồ Liên Trì, ánh nắng đã len lỏi qua từng lá liễu, xiên chéo lô nhô xuống mặt hồ. Đàn cá nhỏ nhiều màu sắc thi nhau đớp những giọt sương trong veo theo bóng nắng đang rơi xuống từng giọt. Phía trên cao, đôi chú chim nhỏ chuyền cành, hót rộn một góc ven hồ. Con người ngỡ ngàng thấy mình thật bé nhỏ, không sân si, không lo sợ, vẩn vơ mộng tưởng. Chỉ còn lại mình ta tìm về với bản thể hồn nhiên của chính mình.

Phương Nguyên (QĐND)

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.