Chàng sinh viên nghèo xây 'lâu đài cổ tích' cho hơn 20 trẻ mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bằng tình thương và sự đồng cảm với những mảnh đời mồ côi, cơ nhỡ, khi đến TP. HCM học, Trần Phước Lợi (28 tuổi, ở thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã nhận nuôi hơn chục đứa trẻ mồ côi. Đến khi về quê sinh sống, số trẻ được anh cưu mang lên đến hơn 20 cháu…
 

 Vợ chồng anh Trần Phước Lợi
Vợ chồng anh Trần Phước Lợi


Sinh viên nuôi 12 đứa trẻ

Câu chuyện anh Lợi nuôi trẻ mồ côi bắt đầu từ cách đây 10 năm, khi mới 18 tuổi, là sinh viên năm nhất của một trường cao đẳng tại TP. HCM. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn ngay từ lúc nhỏ mà khi vào trường, anh đăng ký làm tình nguyện viên cho một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi tại TP. HCM.

Một buổi chiều cuối năm 2007, khi đang hướng dẫn các em nhỏ vui chơi ở trung tâm, anh bắt gặp một người cha nghèo, gương mặt đầy những nếp nhăn kham khổ, mặc chiếc áo sờn cả hai vai, chở 2 đứa con thơ trên chiếc xích lô cũ kỹ đến gửi trung tâm.

Hỏi chuyện, anh biết hoàn cảnh người đàn ông này rất thương tâm. Vợ bị bệnh nằm một chỗ ở căn phòng thuê ọp ẹp, bản thân ông bị tật một tay nhưng vẫn phải mưu sinh để nuôi vợ và các con. Tuy nhiên, giờ sức khỏe yếu dần, ông không đủ sức kham nổi 2 đứa con nên gửi vào đây để nhờ trung tâm nuôi dạy.

Câu chuyện của người cha nghèo khổ đã chạm đến trái tim anh Lợi. Đêm hôm ấy, anh trằn trọc suy nghĩ về cuộc sống sau này của hai đứa trẻ. Sáng hôm sau, anh có một quyết định bất ngờ là đến xin người quản lý trung tâm cho nhận 2 đứa trẻ về nuôi, với lời hứa sẽ lo cuộc sống, yêu thương chúng như người thân trong gia đình.

Nhận nuôi hai đứa trẻ, cuộc sống của chàng sinh viên năm nhất bỗng dưng thay đổi hẳn. Hằng ngày, anh phải dậy sớm để lo cho 2 cháu, rồi nhờ các bạn ở dãy trọ trông giùm, xong xuôi lại chạy đến lớp. Trưa về, anh lại tất bật lo cơm nước, rồi phải cật lực làm thêm để kiếm tiền lo cái ăn cái mặc.

Có lẽ những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ có duyên với anh. Sau những lần đi phụ bán hủ tiếu về, nhìn thấy những đứa trẻ đi lang thang khóc sướt mướt, có đứa ngồi co quạnh dưới cơn mưa tầm tã, anh không nỡ để chúng đói khổ nên đưa hết về nhà nuôi. 3 năm sau, đến khi trường, số trẻ được anh cưu mang lên đến 12 đứa.

Một sinh viên thì làm sao có thể nuôi được 12 đứa trẻ? - tôi hỏi. “Khi nhận nuôi tụi nhỏ, tôi cũng nghĩ tới miếng ăn cho chúng nhiều lắm chứ, nhưng mình nhìn thấy tụi nhỏ như thế mà bỏ rơi thì không đành lòng. Vậy nên cứ đem về nuôi, rau cháo gì rồi tính tiếp. Nuôi nhiều nên cực lắm, tôi phải quần quật cả ngày lẫn đêm, làm đủ thứ nghề để lo cho chúng. Từ phụ hồ, bán hủ tiếu, bán nón bảo hiểm, tiếp thị… tôi làm hết. Cũng may là có cô ấy động viên nên tôi cũng có động lực hơn để lo cho bọn trẻ”, anh Lợi bảo.

 

Anh Lợi đang cưu mang hàng chục đứa trẻ mồ côi
Anh Lợi đang cưu mang hàng chục đứa trẻ mồ côi



Cô ấy chính là vợ anh bây giờ-chị Phạm Thị Hồng Vân (26 tuổi). Ngày ấy, chị Vân đang làm công nhân gần chỗ anh Lợi thuê trọ. Hằng ngày, ngoài giờ đi làm, chị thường đến chỗ trọ anh phụ lo cơm nước cho những đứa trẻ anh Lợi cưu mang. Rồi, không biết từ khi nào, anh chị cảm mến nhau.

Ngày anh ra trường, dù cha mẹ chị khuyên can: “Con ưng nó sẽ khổ. Số nó thương người nên sẽ lao tâm và vất vả lắm, con cũng khổ với nó thôi”, nhưng gạt qua tất cả, chị quyết theo anh về Gia Lai sinh sống.

Ngôi nhà cổ tích giữa Tây Nguyên

Ngày đưa chị và “đàn con” 12 đứa nheo nhóc về quê, anh lo đủ điều. Nhưng rồi, nhờ chị động viên, nhờ mẹ già san sẻ chăm sóc, bà con hàng xóm cũng cảm mến tấm lòng nên anh cũng yên tâm. Để lo cái ăn cái mặc tạm thời, vợ chồng anh chị xây chuồng nuôi lợn, gà, vịt; được mấy sào đất, anh chị vỡ đất trồng cà phê, hồ tiêu rồi đi làm thuê cho người ta.

Anh bảo, ở đây, người đồng bào Jarai vẫn còn hủ tục chôn sống con theo mẹ nên khi nghe nơi nào có người mẹ vừa sinh con ra đã chết thì anh liền chạy đến để cứu lấy đứa trẻ đem về nuôi.

“Bây giờ, mình khuyên giải cho họ hiểu thì họ để mình nhận nuôi, chứ ngày xưa thì khuyên cỡ nào họ quyết chôn đứa trẻ đến cùng. Lâu nay sống ở đây, tôi đã cứu được 3 cháu thoát khỏi cái chết. Sau khi nuôi được 3, 4 tuổi gia đình đến xin nhận về nuôi nên tôi gửi lại họ”, anh Lợi tâm sự.

Năm 2012, có 1 gia đình, vợ bị bệnh hiểm nghèo qua đời, cha bỏ 3 con thơ về sống với gia đình vì theo chế độ mẫu hệ, vợ chồng anh liền đưa về nuôi, đứa nhỏ nhất khi ấy chưa đầy 1 tuổi. Đến nay cháu lớn 11 tuổi tên Nay H’Khel, cháu Nay Bup 9 tuổi và cháu Nay Lup 6 tuổi. Bọn trẻ gọi vợ chồng anh Lợi là anh chị như người thân trong nhà.

“Sau này em cũng sẽ làm việc tốt như anh chị”, Nay H’Khel tâm sự.

Đến giờ, anh Lợi vẫn nhớ việc nhận đứa trẻ đầu tiên khi vừa về Gia Lai sinh sống. Đó là cháu Phan Thanh Nguyên, năm nay 10 tuổi, lúc anh nhận nuôi cháu mới 3 tuổi.

Nguyên là đứa trẻ bất hạnh, mẹ bỏ nhà đi khi cháu mới 3 tháng tuổi, lên 3 thì cha phạm pháp phải vào tù, cháu ngồi ngoài hiên nhà một mình trong đêm mưa gió, cũng may hôm đó anh đi làm về nên nhìn thấy rồi nhận đem về nuôi. Bây giờ, Nguyên đang học lớp 5 và là một trong những học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở xã Ia Phang.

10 năm nay, nhưng đứa trẻ được vợ chồng anh Lợi cưu mang đều được anh cho ăn học đàng hoàng. Cháu nào hết học, anh cho đi học nghề, hoặc tìm việc để làm. Cháu nào muốn về quê với người thân, anh cho về. Những đứa trẻ ở lại với anh đều ngoan hiền, lớn lên biết phụ anh làm việc.

Năm nay đã 20 tuổi, Nguyễn Văn Cường - đứa trẻ mồ côi lang thang được anh Lợi nhận nuôi từ ngày còn đi học ở TP Hồ Chí Minh cùng em trai của mình là Nguyễn Nam vẫn sinh sống với vợ chồng anh Lợi. Hằng ngày, hai anh em Cường cùng với vợ chồng anh Lợi cặm cụi làm việc để lo cho các em nhỏ.

Cường bảo, anh Lợi là người đã cứu cuộc đời 2 anh em, đại gia đình này là người thân của anh em Cường. Anh em Cường nguyện sẽ cùng với vợ chồng anh Lợi chăm lo tốt cho những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ như mình trước đây.

Dù hiện tại và tương lai còn nhiều khó khăn, nhưng anh Lợi bảo sẽ cố gắng nuôi dạy các cháu nên người, cho các cháu ăn học để biết cái chứ không để các cháu phải nghỉ học giữa chừng. Ước mơ của anh bây giờ là xây dựng một mái ấm tình thương dành riêng cho tụi nhỏ. Sau đó anh sẽ nhận cưu mang những người già neo đơn, những mảnh đời bất hạnh còn đang lang thang, không nơi nương tựa ngoài xã hội.


 

 Ngôi nhà của anh Lợi
Ngôi nhà của anh Lợi


“Ước mơ thì ước mơ vậy, chứ tôi làm gì có tiền mà xây được một mái ấm tình thương. Nếu có mạnh thường quân hỗ trợ thì tôi sẽ chặt cà phê để dành đất xây mái ấm cho các cháu”, anh Lợi bộc bạch.

Nhuận Oanh (PLO)

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.