Về Hà Tây xem nhà rông truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hà Tây là xã vùng III của huyện Chư Pah, nằm cách quốc lộ 14 hơn 15 km. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn nhưng người dân ở đây rất tự hào vì có những ngôi nhà rông truyền thống to đẹp bậc nhất tỉnh.

Ông Hnaih-Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây đưa chúng tôi đến thăm nhà rông làng Kon Băh. Nhìn từ xa, dưới nắng ngọt chớm trưa, ngôi nhà rông hiện ra giữa khu đất rộng thênh, bằng phẳng tựa như gà mái mẹ lông nâu đang xõa cánh ấp ủ đàn con ở giữa, xung quanh là những ngôi nhà tái định nhỏ bé nằm dọc con đường bê tông kẻ ô bàn cờ khuất mình trong tán lá. Bước vào ngôi nhà, không khí dịu mát hẳn. Đám trẻ con đang vui chơi tròn xoe mắt ngơ ngác nhìn rồi túa xuống chân cầu thang tiếp tục nô đùa đuổi bắt, bỏ lại sau lưng tiếng nói cười trong trẻo, hồn nhiên.

 

Nhà rông làng Kon Sơ Lah đang được xây dựng.                                                      Ảnh: Đ.P
Nhà rông làng Kon Sơ Lah đang được xây dựng. Ảnh: Đ.P

“Làng Kon Băh tái định cư vào năm 2000, nhưng mãi đến năm 2009 nhà rông mới chuyển về đây. Ngôi nhà được dựng từ năm 1986, ở làng cũ cách vị trí này 18 km. Sàn gỗ bên trong có kích thước 10 mét x 22 mét, sức chứa 500 người. Cả 8 cây cột chính đường kính 35 cm, dài hơn 5 mét đều là gỗ trắc; rui là những cây gỗ tròn đều chằn chặn không hề chắp nối đường kính 10 cm, dài 13 mét; mè bằng nứa, mái lợp tranh 3 lớp, 7-10 năm mới phải thay mới hoàn toàn. Những năm ấy làm gì có cơ giới, nhờ sức trâu, cơ bắp con người và sức mạnh cộng đồng làng. Đã có nhiều người đến đặt vấn đề mua ngôi nhà sàn này với giá 10 tỷ đồng và thay lại bằng ngôi nhà rông “hiện đại” trụ bê tông, rui, vì kèo sắt, mái tôn với cùng kích thước nhưng dân làng không đồng ý. Nó là báu vật truyền đời, có đến 100 tỷ đồng cũng không bán”-ông Hnaih tự hào. Chỉ tay vào chiếc đàn organ đặt bên góc nhà sàn và hàng ghi ta gỗ, ghi ta điện, ghi ta phím lõm treo trên vách, ông Hnaih cho biết thêm: “Hàng đêm, con trai tuổi trưởng thành, đàn ông góa vợ trong làng đều về đây ngủ. Họ truyền dạy cho nhau rất nhiều điều bổ ích, gồm cả cách chơi các nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Dịp lễ hội, dân làng đều về ngôi nhà chung này để sinh hoạt, vui chơi và cùng uống rượu ghè”.

Rời làng Kon Băh, ông Hnaih tiếp tục đưa tôi đi thăm ngôi nhà rông đang xây dựng tại làng Kon Sơ Lah. Trưa tròn bóng nắng, hình ảnh kỳ vĩ hiện ra trước mắt. Giữa vuông đất rộng, ngôi nhà rông bước vào giai đoạn hoàn chỉnh phần thô. Tôi nhẩm đếm có đến 73 người đàn ông chênh vênh trên 2 mái buộc rui, mè. Nhìn lên cao độ và chiều rộng của mái nhà, giữa không gian mênh mông trong veo nắng trông họ như những con chim yến treo mình trên vách đá làm tổ. Bên dưới, có đến gần 20 người đàn ông đi lại phụ việc cho người ở trên cao. Trước sân, tre nứa được xếp thành đống. Ở góc sân, chiếc nồi nhôm cỡ lớn luộc  mây nguyên sợi đang sôi sùng sục. Cơm và thức ăn đựng trong những chiếc nồi lớn đã được mang đến đặt dưới gầm sàn. Quá trưa, trời chang nắng nhưng họ vẫn miệt mài công việc.

Tôi bắt chuyện với ông Hyưunh-già làng Kon Sơ Lah và được ông cho biết: “Nhà rông này đang làm lại hoàn toàn theo kiểu truyền thống cho to hơn, đẹp hơn. Làng này đông dân thứ hai của xã, có đến 115 hộ, lại có nhiều đàn ông khéo tay, giỏi làm. Khi làng bàn chuyện làm nhà rông mới, người dân đồng ý cả, thích lắm. Nhà rông khởi công từ tháng 3, ngày mùa chỉ làm từ thứ hai đến thứ tư, còn lại dành cho việc nhà. Tháng này xong việc nương rẫy, cao su chưa lấy mủ nên dồn sức tất cả các ngày trong tuần mà làm. Đàn ông trong làng mỗi người mỗi việc. Phụ nữ thì cắt tranh, mỗi nhà 10 bó, đã phơi khô đâu vào đấy cả rồi”. Nhìn 2 hàng cột gỗ tròn to chạy dọc 2 bên khung nhà sàn, những cây rui dài hơn 14 mét thẳng đều tăm tắp, cùng với chừng 1.200 bó tranh đường kính 1 mét được mang đến, chỉ hình dung thôi đã biết ngôi nhà rông khi hoàn thành to đẹp biết nhường nào. Và đẹp hơn tất thảy, nó cho chúng ta cảm nhận được hơi thở, đời sống và tâm hồn của dân làng xã Hà Tây trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vỹ.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.