Những sớm sương mờ...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng đầu tuần này, rất nhiều cư dân Pleiku ngỡ ngàng với cảnh sương mù giăng kín phố, đến tận 9 giờ sáng mới là đà tan. Facebook tràn ngập hình ảnh lãng mạn và nên thơ này, hàng vạn lượt like và comment của cư dân mạng khắp nơi xuýt xoa ao ước được một lần đi trong làn sương tuyệt vời ấy.

Chắc nhiều người chưa quên, sương mù từng là đặc sản của Pleiku một thời. Cái thời ấy, cách đây trên hai mươi năm, Pleiku có 3 đặc sản chính là dốc, thông và sương mù.

Trời ạ, sao ba cái thực thể ấy nó lại bện nhau đến thế. Những đường lượn kỷ hà giữa phố, những nhấp nhô dốc, những thung lũng giữa mây, những thông, những gió, bướm... và sương mù.

 

Vùng ven TP. Pleiku chìm trong sương sớm. Ảnh: P.D
Vùng ven TP. Pleiku chìm trong sương sớm. Ảnh: P.D

Có những sáng tinh mơ mùa khô lạnh buốt ruột, tôi phóng xe máy lên phía dốc Trà Bá nhìn về hướng ngã ba Diệp Kính, hắt lên đường Quang Trung, Hai Bà Trưng. Dưới tầm mắt là khung cảnh tưởng chỉ có trong phim trường. Những ngọn đèn đường đỏ quạch như còn ngái ngủ, sương quấn thành quầng quanh đèn, thành tán trên từng tầng tóc thông, thành thảm bồng bềnh trên dốc đoạn Hội Phú. Dốc như cái võng chung chiêng giữa hai đầu phố. Những dáng người, dáng xe ẩn hiện trong sương. Pleiku như một thành phố cổ tích. Chơi vơi và buồn. Mong manh và nũng nịu. Nó khiến con người phải cứng cáp, phải quân tử, phải tử tế trong sáng hơn trước cái đẹp có vẻ như vụt hiện vụt mất vô thường ấy...

Sương mù như một đặc sản của Pleiku thời ấy. Nó không quá đặc để người phải tan ra, cũng không quá dày để người phải cứng lại. Cũng không mảnh mai quá để ta phải co ro và cũng không là đà để em phải cúi đầu vuốt tóc. Nó vừa phải, như vận vào tâm trạng từng người. Đủ để an ủi, sẻ chia. Đủ để nâng niu tôn trọng. Đủ để thương ai đó và cũng thương mình một chút. Chứ sao, cớ làm sao mà có sương lại phải cô đơn. Cớ làm sao sương đẹp thế mà ai đó lại đang ở một nơi thật xa và nắng nôi đến thế, để mà phải tưởng tượng mãi vẫn không ra sương, để mà sương thành nỗi nhớ gói trong những phong thư phập phồng như… sương, mà giấy viết thư thì mong manh như cỏ.

Nhưng ấn tượng với tôi về sương mù Pleiku thời ấy còn là những tối mùa khô, tức là mùa lạnh. Sương mù giăng kín. Mấy cái bếp lò lom đom bên đường, bên bếp một cô gái, trên bếp một cái chảo, hoặc cái mâm nhôm, và trên ấy là chuối chiên, khoai lang chiên hoặc xôi chiên. Trong sương bạc, những đốm lửa này ấn tượng vô cùng. Giờ chỉ có thể gặp lại hình ảnh này nếu lên Tam Đảo ở lại đêm. Khuya đói bụng, vài gã trai lững thững ra ngồi hơ tay ăn vài cái bánh ấy, tán dăm câu với cô gái, rồi về yên tâm ngủ. Hôm nào rủng rỉnh hơn thì có một cụ bà ngồi bán trứng vịt lộn. Lại cũng ba bốn ông ngồi quanh ngọn đèn hột vịt, suỵt soạt húp húp nhai nhai vài quả trứng, chuyện bâng quơ với bà cụ, rồi cũng yên tâm về ngủ.  Hồi ấy sương còn nhiều lắm. Khuya, mấy cái ngã ba như Hoa Lư, Diệp Kính đục nhờ nhờ rất liêu trai. Người đi trong màn sương ấy còn hơn cả liêu trai...

Chợt nhớ đến Vũ Hữu Định với bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” nổi tiếng của anh. Bài thơ ngay từ khi ra đời, được Phạm Duy phổ nhạc đã lan tỏa khắp nước, trở thành một trong những bài thơ hay nhất về Pleiku cho đến bây giờ. Hồi ấy Pleiku mịt mù và xa ngái, nhưng cũng đầy bí ẩn, như chính người con gái Pleiku anh quen, người là cảm hứng cho anh viết bài thơ với rất nhiều câu tả thực mà lại ảo mờ như ở cõi bồng lai: Em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông... Nơi đây bà Điềm Phùng Thị từng sống, nghe đâu nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh cũng chào đời xứ này. Rồi là những Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... đều đã ghé Pleiku. Và trong một lần ghé ấy, Phạm Duy đã gặp Vũ Hữu Định đang lang thang ở Pleiku thăm người bạn gái. Bài hát phổ thơ ra đời từ cơ duyên ấy.

Sương mù trở lại ban cho con người đặc ân được hòa mình vào thiên nhiên, một thiên nhiên rất thân thiện và gần gũi, nó khiến con người lẫn được vào đấy, nhỏ bé từ đấy, trở nên mong manh hơn, rón rén hơn, những trạng huống tạo nên cảm xúc, tạo nên những năng lượng vi diệu để tử tế, để thăng hoa, để cháy hết phận làm người.

Cách đây mấy năm, gia đình một người bạn tôi từ Đà Nẵng lên Pleiku trốn… nắng. Cả nhà co ro trong một tinh mơ lạnh giáp Noel. Tôi giải thích với bạn, lạnh Pleiku không như rét Bắc. Nó hơi kích rích trong việc phải thường xuyên đổi áo nhưng bù lại kiếm ở đâu ra cái ấn tượng thụ hưởng cả bốn mùa trong một ngày. Mà cái khoảnh khắc giao mùa nó thú vị lắm. Bình thường thì phải ba tháng mới được hưởng một lần. Ở đây bốn lần trong một ngày. Buổi sáng sớm và tối khuya là mùa đông với cái lạnh và gió rất đặc trưng. Buổi trưa là mùa hè và sáng chiều là thu và xuân.

Tôi ngồi với bạn trong một buổi sáng se lạnh ấy chợt thấy như thiếu một cái gì? Rồi chợt thốt lên: Sương mù. Đúng rồi, thiếu sương mù. Hôm ấy bạn nói, sương mù Pleiku giờ chỉ còn trong cổ tích…

Chả phải đâu, sương mù lại mới về đấy…
Đã từng có thời, sương mù là đặc sản Pleiku…

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.