Nước giọt làng Ốp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dòng nước trong vắt từ mạch ngầm, khe núi chảy về đầu làng từ bao đời nay như trở thành vật báu vô giá của hết thảy người dân làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Giọt nước của làng hôm nay đã được tu sửa thoáng mát, sạch đẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nơi này cũng đang là nơi tìm đến của du khách khi về với ngôi làng du lịch sinh thái xanh mát và bình dị giữa lòng phố núi.

Theo già làng làng Puih Sir, giọt nước của làng đã có từ ngày lập làng. Ngày xưa, do tập tục nên người làng không đào giếng lấy nước sinh hoạt mà họ thường tìm những mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra để phục vụ đời sống. “Hồi nhỏ, nghe người làng mình kể lại rằng, làng Ốp được hình thành sau khi người dân tìm thấy giọt nước. Một số người dân đi làm ruộng và phát hiện có mạch nước trong vắt rỉ ra từ lòng đất. Họ vui mừng chọn nơi đây để dân làng sum vầy, sinh con đẻ cháu. Làng Ốp hình thành từ đó”- già Puih Sir trầm ngâm kể.

Không gian thoáng mát, sạch đẹp của nước giọt làng Ốp. Ảnh: Trần Dung
Không gian thoáng mát, sạch đẹp của nước giọt làng Ốp. Ảnh: Trần Dung

Nước ở giọt được chảy ra từ sâu trong lòng núi, lòng đất nên lúc nào cũng trong và mát. Ngày trước, người làng lấy thân cây lồ ô đâm sâu vào lòng đất, nơi có mạch nước để dẫn nước về. Mỗi người từ già- trẻ, gái- trai của làng đều xem giọt nước là nơi sinh hoạt thân thuộc của làng, nơi nuôi sống và gắn kết người dân trong làng. Có lẽ ngoài nhà rông của làng thì đây cũng chính là nơi mà người dân làng Ốp tự hào và gìn giữ như báu vật Giàng ban.

Chiều chiều, các bà, các chị mang gùi ra giọt nước, hứng vào vỏ các quả bầu khô hoặc các chai nhựa rồi gùi về phục vụ sinh hoạt của cả gia đình. Bà Rơchâm Phich, vừa tắm cho đứa cháu trai vừa vui vẻ nói: “Nước mang về nhà chỉ dùng để uống và nấu ăn, còn tắm giặt thì ở đây luôn. Các bà, các mẹ thường địu con ra giặt giũ, hứng nước, còn lũ con trai thì ra tắm mát. Từ nhỏ tới giờ ngày nào mình cũng ra đây vào mỗi buổi chiều. Không khí ở đây luôn vui vẻ, mọi người cùng sinh hoạt, cùng chuyện trò”. Một ngày làm việc vất vả trên nương rẫy của người dân làng Ốp được kết thúc tại giọt nước của làng. Xung quanh dòng nước mát lành ấy là biết bao câu chuyện vui buồn trong một ngày của họ. Đó là câu chuyện về tình yêu, về người mẹ, về cây lúa của làng hay câu chuyện về những đứa trẻ vừa mới được sinh ra…

Bởi nước giọt có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng của làng nên hàng năm làng đều tổ chức dọn dẹp, sửa sang lại giọt nước và cúng giọt nước cầu nước sạch, nước trong, mang lại sức khỏe cho làng, cầu mong mọi người đều làm việc tốt và đoàn kết thương yêu nhau. Chị Rơchâm Xuân chia sẻ: “ Từ lâu, các hộ gia đình trong làng đều có giếng nước nhưng người dân vẫn sử dụng nước ăn từ giọt nước và việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt đều diễn ra ở đây vào mỗi buổi chiều. Khoảng thời gian vui và ý nghĩa nhất trong ngày của mình là khi ra giọt nước. Bây giờ, mọi người trong làng đã biết giữ gìn vệ sinh khu vực giọt nước”.

Các bà, các mẹ thường địu con ra giặt giũ, hứng nước. Ảnh: Trần Dung
Các bà, các mẹ thường địu con ra giặt giũ, hứng nước. Ảnh: Trần Dung

Hiện nay, nước giọt của làng Ốp đã được sửa sang và xây dựng thành nơi thoáng mát, sạch đẹp. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cha xứ ở nhà thờ Hoa Lư (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), người dân trong làng đã chung tay xây lắp lại hệ thống đường ống dẫn nước, mái vòm che và ốp lát gạch xung quanh giọt nước. Nước giọt của làng Ốp nằm ở vị trí đầu làng với không gian mát mẻ, thoáng mát. Ngoài việc phục vụ sinh hoạt cho 107 hộ gia đình trong làng thì nay giọt nước của làng Ốp đang là điểm tham quan, tìm hiểu của phần lớn du khách gần xa khi tới với làng du lịch sinh thái của Pleiku.

 Giọt nước là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thấn của cộng đồng làng Ốp. Ảnh: Trần Dung
Giọt nước là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng làng Ốp. Ảnh: Trần Dung

“Du khách tới làng Ốp của mình không chỉ được tìm hiểu về nhà rông, tượng gỗ, cồng chiêng hay điệu xoang mà còn được thăm thú ruộng vườn và đặc biệt là được hòa mình vào đời sống sinh hoạt của người làng tại giọt nước. Nhiều người rất thích thú về điều này. Nước giọt ngoài là tín ngưỡng, phong tục của người làng thì nay cũng góp phần xây dựng làng Ốp trở thành ngôi làng du lịch sạch đẹp”- già Puih Sir tự hào cho biết.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.