Khám phá thượng nguồn sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nơi thượng nguồn sông Ba chảy vào Gia Lai có những ngôi làng và thác nước hoang sơ mang lại nhiều xúc cảm cho những người lần đầu ghé thăm. Đó là làng Kon Bông 1, Kon Bông 2 và thác Ba Tầng nằm ở xã Đak Rong, huyện Kbang.

Chuyện về một dòng thác còn giữ nhiều nét hoang sơ, ít người biết đến bên cạnh 2 ngôi làng người Bahnar đẹp như tranh thủy mặc giữa đại ngàn Kbang đã khơi gợi sự tò mò, kéo chân chúng tôi tìm về khám phá vào một ngày cuối tuần.

 

Một góc làng Kon Bông 1 nhìn từ trên cao.                                                                                                                 Ảnh: N.T
Một góc làng Kon Bông 1 nhìn từ trên cao. Ảnh: N.T

Để đến được thác Ba Tầng quả không dễ. Từ thị trấn Kbang chạy xe máy gần 50 km mới đến trung tâm xã Đak Rong, rồi phải đi gần 20 km nữa mới đến thác. Nhưng đoạn đường này rất khó đi bởi là đường đất, lại đang mùa mưa nên nhão nhẹt, lầy lội. Đất đỏ dính chặt vào bánh xe máy gây kẹt cứng. Đi một chốc phải dừng lại dùng que khều bớt lớp đất bám vào bánh xe. Thỉnh thoảng lại gặp những vũng nước to nằm giữa đường. Bởi thế mà chỉ gần 20 km nhưng chúng tôi phải hơn 1 giờ đồng hồ mới vượt qua đoạn đường đất đỏ để đến được làng Kon Bông 2.

Vừa đến đầu làng Kon Bông 2, chúng tôi nhận thấy những lời kể về 2 ngôi làng người Bahnar đẹp như tranh quả không ngoa chút nào. Cả 2 ngôi làng nằm giữa một thung lũng, bốn bề là núi cao phủ đầy mây trắng. Quanh làng là một màu xanh ngút ngàn của cây rừng và lúa nước. Điểm xuyến vào đó là màu xanh, đỏ của mái ngói, mái tôn. Nhà cửa ở đây chủ yếu là nhà sàn, nhà cấp 4 xung quanh thưng gỗ. Đường sá và nhà ở của người dân rất sạch sẽ. Đến nơi đây sẽ cảm nhận được một không khí yên bình. Với chúng tôi, làng Kon Bông 1 để lại ấn tượng đậm nét hơn với 2 dãy nhà ở trải dọc bên con đường bê tông mới làm. Cây cầu treo bắc ngang dòng sông Ba ăm ắp nước chảy ngang qua làng tô điểm thêm cho Kon Bông 1 vẻ đẹp của một ngôi làng vùng sơn cước.

 

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Ba Tầng.                                                              Ảnh: N.T
Vẻ đẹp hoang sơ của thác Ba Tầng. Ảnh: N.T

Từ làng Kon Bông 1 đi bộ khoảng 500 mét sẽ đến thác Ba Tầng. Ngọn thác nằm ở phía trên đập Kon Bon 1. Dòng sông Ba từ đầu nguồn ở Kon Ka Kinh chảy qua địa phận xã Đak Rong thì gặp những triền đá xếp cao rồi thoải dần thành nhiều bậc, nước cứ thế đổ  từ bậc cao xuống bậc thấp rồi đổ xuống thành một dòng thác. Hai bên dòng thác là những cây rừng cao lớn tỏa bóng mát. Ngay dưới chân thác cũng có một cây to, khách tham quan có thể ngồi nghỉ dưới mà không bị nắng. Hơi nước bốc lên tỏa mát cả không gian. Ngồi trên những tảng đá dưới chân thác, lắng tai nghe tiếng nước đổ và ngắm bọt nước tung trắng xóa thật vô cùng thích thú.

Theo ông Đinh Văn Ngất-già làng Kon Bông 1 thì người dân nơi đây truyền lại với nhau rằng, xưa kia, nơi thác này có con gái của người trời xuống tắm nên trên những hòn đá còn ghi lại nhiều vết như dấu chân. Con gái tắm ở thác Ba Tầng sẽ có nước da rất trắng và sau khi tắm thường có mùi hương rất thơm. Vì thế, từ xưa đến nay, con gái 2 làng thường ra tắm ở thác này.  Dân làng cũng thường ra lấy nước về ăn uống vì nước ngọt và có mùi thơm. Chẳng biết chuyện xưa kia người trên trời xuống tắm thác Ba Tầng có đúng như dân làng kể nhưng nước da con gái nơi đây thì quả là trắng thật.

Ông Đinh Văn Pô-Trưởng thôn Kon Bông 1 cho biết, những năm gần đây, cứ vào dịp lễ, Tết, người dân xã Đak Rong và các xã lân cận thường tìm về đây tham quan thác Ba Tầng và 2 ngôi làng. Dân làng vui vì có nhiều người đến tham quan nhưng cũng buồn vì mọi người hay xả rác, nhất là ở khu vực thác. Người làng thường phải đến thác gom rác lại vì không muốn làm bẩn dòng nước.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.