"Đôi mắt Pleiku"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực Biển Hồ nước (gọi như thế để phân biệt với Biển Hồ Trà nằm kế bên). Cố nhiên là nhà tôi chỉ cách hồ một đôi cây số, cưỡi Honda mà đi thì mất chừng dăm phút. Biển Hồ của tôi được ca tụng nhiều lắm. Nhưng phàm cái gì gần gũi quá, thân thuộc quá thì ta cứ coi như thường. Không thấy quý giá bao giờ. Nhất là khi một ngày đi ngang qua hàng mấy lần, có thấy đẹp cũng không muốn bàn đến nữa. Thế rồi hôm nay, khi định khám phá một địa danh mới trên đất nước Việt Nam thân yêu, tôi lại chợt nghĩ về  “Đôi mắt Pleiku” ở nơi mình sinh ra.

Tạo hóa có phải đã quá ưu ái không khi trên vùng đất cách mặt biển tận 800 mét mà vẫn có một cái hồ? Hiện ra. Kiêu hãnh và lộng lẫy đến vô bờ. Hồ T’Nưng (tức biển trên núi) là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất nhì Tây Nguyên, nằm cách trung tâm TP. Pleiku chừng 10 cây số về hướng Bắc theo đường quốc lộ 14. Hồ ấy-người dân địa phương quen gọi là Biển Hồ, cho gọn-là nguồn nước sinh hoạt cho cư dân cả thành phố, cung cấp nước tưới cho cà phê, lại còn làm thủy lợi. Chỉ cần thế thôi, nếu vắng đi, Pleiku sẽ thiếu thốn và hiu quạnh biết chừng nào.

 

Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: K.N.B
Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: K.N.B

Trước cái đẹp, ai cũng từng lạc lối. Tôi từng có những chuyến đi xa, say đắm với những miền đất lạ. Đến khi mỏi gối quay về mới ngỡ ngàng vì quê hương mình, nơi gắn bó máu thịt với mình mới là xứ sở mới mẻ nhất, lý thú nhất. Biển Hồ bây giờ đang mùa mưa, khoảng cách hai bờ như trải ra mênh mông xa lạ. Ở đây, vào buổi sớm, sương pha màu khói, ấy là hơi nước của hơn 200 ha mặt hồ bốc lên. Nước mang hơi sương tràn cả vào chân núi. Nhìn từ trên cao xuống, hồ như nhụy tròn chính giữa, xung quanh xòe ra những cánh đồi thoai thoải và êm dịu vô cùng.

Con đường dẫn vào hồ vẫn là con đường xưa, tuy đã được nới rộng ra nhưng vẫn rất dốc. Hồi ấy, đã 10 năm về trước, tôi nhát đến độ chẳng dám thả phanh xe đạp xuống cũng vì lẽ ấy. Rồi sau những giờ chơi đùa thỏa thích, cả đám học trò lại hì hục dắt xe ngược lên. Hai bên đường, một được tráng bởi vách núi đá cheo leo, một được trải bởi thảm cỏ xanh và cây gai nhỏ, nổi trên đó là hàng trăm cây thông to lực lưỡng, kết thành rừng hoang sơ. Giữa hồ, người ta lại cất công xây một lầu ngũ giác, mái cao và cong đến e lệ. Cái thú là khi trên lầu, ta có thể phóng tầm mắt ra thật xa để thấy hết cái vẻ “nên thơ” của Biển Hồ khi đặt trong toàn cảnh núi rừng hùng vĩ… Đứng ở đây bất kể mùa nào gió cũng lồng lộng thổi, ta có cảm giác như đang đứng ở một cù lao nào đó thuộc miền biển xa xôi. Gió lành và thơm hương hoa đến ngạt ngào. Giữa màu xanh của đại ngàn, lúc đến mùa, bông quỳ không nở riêng tây mà kết thành từng vạt, bung khắp một vùng hút tầm mắt. Tất thảy chúng nương vào nhau tránh gió, rồi lại đua nhau mà khoe sắc, khoe hương.

Hồ rộng đến tràn cả vào chân núi, đi qua những khe đất hẹp thì tạo thành con suối nhỏ, có chiếc cầu treo gập ghềnh bắc ngang qua như cánh võng. Bên kia là buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai… Họ trồng bí ngô, khoai, bắp, măng le…, đến mùa thì gùi đi bán. Ven hồ, trên những thảm cỏ non tơ, những em bé người Jrai da đen cháy, vừa chăn bò vừa chơi trò ống thụt. Thế mà chập tối vẫn không quên gánh củi khô về làng.

Bao năm rồi, có người già khuất núi, có người trẻ lớn lên như măng nứt ra từ kẽ đá. Cuộc đời dẫu thăng trầm thì cái đẹp vẫn muôn đời hiện hữu, rất gần ta. Ấy, cứ thân thiết quá thành ra ngỡ Biển Hồ thuộc về chúng ta. Hóa ra không. Chúng ta phải thuộc về Biển Hồ. Thuộc về nơi hoang sơ nhất.

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.