Đầu bếp nổi tiếng tự tử: Hé lộ điều kinh khủng trong giới nhà hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đạt được sao Michelin đã khó, giữ được sao còn khó hơn. Michelin không tặng sao một lần cho mãi mãi. Nếu chất lượng của nhà hàng đi xuống, bị tước bỏ sao là chuyện hoàn toàn bình thường.

Sao Michelin là gì?

Câu chuyện bắt nguồn từ những năm 1900, khi mà ngành công nghiệp xe hơi vẫn còn ở thời sơ khai. Rất ít người có khả năng sở hữu một chiếc xe riêng. Ở nước Pháp lúc đó cũng chỉ có khoảng hơn 2000 xe lưu hành mà thôi. Ngành sản xuất lốp xe cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng nhà máy sản xuất lốp xe của gia đình có nguy cơ phá sản, 2 anh em nhà Michelin: Édouard và André đã nghĩ ra một cách nhằm tăng sức tiêu thụ của thị trường. Đó là xuất bản một cuốn cẩm nang du lịch cho những người lái xe, kích thích họ đi nhiều hơn, xa hơn, qua đó mà bán được nhiều lốp hơn. Và từ mục đích đó, ấn phẩm Michelin Guide đầu tiên được phát hành năm 1920.

 

 Ấn phẩm Michelin Guide đầu tiên
Ấn phẩm Michelin Guide đầu tiên



Trong cuốn cẩm nang của mình, Michelin giới thiệu tới người đọc những điểm vui chơi thú vị, ví trí những khách sạn, trạm dừng nghỉ ven đường và trên hết là những nhà hàng có đồ ăn ngon.

Dần dần, cuốn Michelin Guide trở nên nổi tiếng đối với những người đam mê du lịch. Hơn thế nữa, bảng xếp hạng nhà hàng của họ còn trở thành tiêu chí đánh giá tối cao trong lĩnh vực kinh doanh này.

Để được gắn một sao, yêu cầu nhà hàng đó phải tốt nổi bật so với nhà hàng cùng loại trong khu vực. Đạt hai sao đồng nghĩa với chất lượng xuất sắc hàng đầu. Và để đạt ba sao danh giá, nhà hàng nhất thiết phải tạo được phong cách ẩm thực riêng biệt. Theo Michelin Guide, những nhà hàng 3 sao xứng đáng để cho du khách bỏ công thực hiện cả một hành trình dài tới thưởng thức.


 

Nhà hàng của đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay
Nhà hàng của đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay



Đạt được sao Michelin đã khó, giữ được sao còn khó hơn. Michelin không tặng sao một lần cho mãi mãi. Nếu chất lượng của nhà hàng đi xuống, bị tước bỏ sao là chuyện hoàn toàn bình thường. Sẽ có những chuyên gia ẩn danh của Michelin tới ăn ở những nhà hàng đạt giải để đánh giá lại xếp hạng. Không ai biết danh tính thực của họ để hối lộ mua chuộc, họ có thể tới kiểm tra bất cứ lúc nào. Điều này khiến cho những chủ nhà hàng luôn trong tình trạng "căng như dây đàn".

Đối với một đầu bếp chuyên nghiệp, không chuyện gì kinh khủng hơn việc bị hạ sao Michelin. Năm 2003, vị bếp trưởng tài hoa người Pháp Bernard Loiseau đã tự tử khi có thông tin nhà hàng của ông sẽ bị hạ sao Michelin.

Một bữa ăn ở nhà hàng sao Michelin giá bao nhiêu?

Có thể nói, các chuyên gia của Michelin làm việc rất công tâm. Mặc dù Pháp là nơi cẩm nang Michelin ra đời nhưng số nhà hàng đạt chuẩn sao vàng vẫn đứng sau Nhật Bản. Chính sự cầu kỳ, cẩn thận của người Nhật đã đưa nền ẩm thực của nước này đạt tới đỉnh cao. Tokyo đang là thành phố dẫn đầu thế giới với 12 nhà hàng 3 sao Michelin, tiếp theo sau là Paris với 10 nhà hàng. Những nhà hàng còn lại hầu hết tọa lạc ở những thành phố lớn như Hong Kong, NewYork, London...


 

Quán gà quay bình dân Hawker Chan
Quán gà quay bình dân Hawker Chan



Ban đầu, sao vàng Michelin chỉ được trao cho những nhà hàng sang trọng bậc nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tiêu chí đánh giá đã thay đổi. Tính độc đáo được đưa lên hàng đầu nên các nhà hàng vừa và nhỏ cũng có cơ hội được gắn sao. Điển hình là quán gà quay Hawker Chan ở Singapore hay quán ăn đường phố Raan Jay Fai ở Thái Lan. Mặc dù chỉ là một sao nhưng cũng khiến cho vô số người ghen tị vì rất nhiều nhà hàng trong các khách sạn sang trọng cũng chẳng được sao nào.

Điều may mắn là giá những suất ăn ở những nhà hàng Michelin bình dân này không cao, chúng cũng rất gần Việt Nam. Chỉ 70 nghìn đồng cho một suất cơm gà ở Hawker Chan, Singapore hay vài trăm ngàn cho một món hải sản tại Raan Jay Fai, Thái Lan.

Còn nếu muốn thưởng thức món ăn ở những nhà hàng 3 sao hàng đầu, thực khách phải sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền kha khá, tầm 200-600 USD cho một người. Phải đặt chỗ trước hàng năm trời và nếu bạn có việc đột xuất không thể tới theo kế hoạch, khoản phí đặt chỗ cũng sẽ tan theo mây khói.

Sau đây là chi phí trung bình ở những nhà hàng Michelin đỉnh cao:


 

 Một bữa ăn ở nhà hàng Kitcho, Kyoto, Nhật Bản có giá tầm 600 USD
Một bữa ăn ở nhà hàng Kitcho, Kyoto, Nhật Bản có giá tầm 600 USD
 Tại Paris, chi phí trung bình để ăn một bữa ở Le Meurice là 500 USD
Tại Paris, chi phí trung bình để ăn một bữa ở Le Meurice là 500 USD
Bỏ ra 300 USD ở Ithaa, Maldives bạn còn được dùng bữa dưới biển.
Bỏ ra 300 USD ở Ithaa, Maldives bạn còn được dùng bữa dưới biển.
Bữa ăn ở Alain Ducasse, London có giá trung bình 280 USD
Bữa ăn ở Alain Ducasse, London có giá trung bình 280 USD
Chỉ mất 200 USD bạn sẽ có một bữa ăn ngon tại nhà hàng của đầu bếp khó tính Gordon Ramsay.
Chỉ mất 200 USD bạn sẽ có một bữa ăn ngon tại nhà hàng của đầu bếp khó tính Gordon Ramsay.



Dĩ nhiên, giá của một bữa ăn ở nhà hàng Michelin cao hơn nhiều so với những nơi khác. Thế nhưng điều đó vẫn không thể so sánh được với công sức, chi phí của thực khách bỏ ra khi di chuyển vài ngàn km để tới thưởng thức. Và theo Michelin, trải nghiệm mà họ nhận được đáng giá tới từng xu.
 

Hoàng Hiệp (VIE)

Có thể bạn quan tâm