Làm thế nào để không bị say xe khi đi đường trường?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tết là thời điểm bạn phải di chuyển khá nhiều cho những chuyến đi du xuân hay trở về sum vầy bên gia đình dù đi xa đến mấy. Tuy nhiên, với những người say xe thì những chuyến đi có lẽ lại là ác mộng. Hãy thử tham khảo những tuyệt chiêu sau đây:
Không nên nhịn đói khi đi xe
Khi bị đói bụng rất dễ bị say xe, vì vậy bạn nên ăn một chút gì đó trước khi lên xe. Tuy nhiên không nên ăn quá no. Bởi khi có quá nhiều thức ăn trong dạ dày, cơ quan này phải làm việc vất vả, tiêu hóa thức ăn liên tục sẽ khiến bạn dễ bị say xe hơn.
Uống thuốc chống say
Mỗi lần có kế hoạch đi xe đường dài, bạn có thể uống thuốc chống say xe trước khi lên xe khoảng 40 phút. Uống thuốc với nước ấm hoặc bổ sung thêm Vitamin B1 để giảm thiểu khả năng bị say xe.
 
Nhìn ra xa
Khi lên xe, nếu bị say thì nên hạn chế nhìn vào những vật gần, màn hình điện thoại hay đọc sách. Hãy cố gắng nhìn ra các điểm càng xa càng tốt, tập trung tầm mắt vào những nơi xa bên ngoài cửa sổ xe có thể giúp não xác định các tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển.
Nên ngồi thẳng, nhìn về phía trước và nhìn ra xa. Không nên ngồi ngược hướng xe chạy, ngồi nghiêng lệch sang hai bên hoặc liên tục "ngọ nguậy" quá nhiều trên xe, di chuyển qua lại cũng sẽ gây chóng mặt.
Bấm huyệt mát xa
Có 2 huyệt vị giúp bạn hạn chế say xe đó là huyệt nội quan và huyệt hợp cốc. Chịu khó bấm 2 huyệt này trong khi di chuyển trên xe sẽ giúp giảm tình trạng say đáng kể.
Gừng tươi
Có thể dùng một miếng gừng tươi hoặc một miếng khoai tây tươi dán vào vùng rốn, sau đó dùng băng dính dán dính chặt vào trong quá trình di chuyển. Đồng thời có thể dán ở huyệt nội quan hoặc ngậm một miếng gừng tươi trong miệng cũng mang lại hiệu quả tương tự.
Vỏ cam quýt
Dùng một ít vỏ cam quýt tươi cuộn tròn lại nhét vào mũi, tinh dầu ở vỏ cam sẽ giải phóng trong mũi, làm cho bạn giảm cảm giác buồn nôn và ói mửa. Nếu không có vỏ cam thì có thể dùng vỏ chanh hoặc các trái cây họ cam quýt đều được.
 
Chuyển hướng sự chú ý
Khi không có thuốc hoặc không thể uống thuốc chống say, bạn có thể thắt thắt lưng chặt hơn hoặc dùng vật gì chèn quấn quanh bụng với mục đích làm cho bụng được chặt lại, các cơ quan nội tạng không bị lỏng, di chuyển tự do trong khoang bụng. Điều này dễ khiến cho bạn bị nôn sau mỗi lần xe chạy gặp phải "ổ gà".
Hãy chú ý đến việc gì đó khác thay vì suy nghĩ rằng bạn đang đi xe, bạn sợ say và bạn có cảm giác buồn nôn. Càng nghĩ nhiều, càng dễ bị say.
Chú ý thông gió
Những chiếc xe nhỏ kín mít hoặc những xe nặng mùi xăng dầu thì đều là nguyên nhân khiến việc say xe trở nên trầm trọng hơn. Nếu không mởđược cửa kính xe, bạn nên ngồi ở nơi có nhiều gió nhất trên xe, ví dụ như phía trước xe, nơi có họng điều hòa.
Ngoài ra, nếu không có giải pháp tốt hơn, bạn nên cố gắng ngủ trong thời gian di chuyển. Ngủ là cách tốt nhất để dỗ dành cơ thể vượt qua được cảm giác say xe một cách nhẹ nhàng.
Không nên ăn ngay khi đã bị nôn
Sau khi lên xe, bạn đã không chịu nổi việc say xe nữa và bắt đầu bị nôn. Lúc này thì đành phải để nôn cho hết và không tiếp tục ăn uống trong giai đoạn này. Phản ứng nôn của cơ thể đang tồn tại thì sẽ điều khiển não chỉ huy việc nôn cho bằng sạch thức ăn có trong dạ dày.
Ngủ đủ giấc trước ngày khởi hành
Đây là điều rất quan trọng với bạn. Với một sức khỏe không tốt vì thiếu ngủ và lo lắng, bạn rất dễ bị say xe hoặc nôn nao.
Không đọc sách báo
Không nên đọc bất cứ thứ gì khi ngồi trên xe, kể cả bản đồ. Bạn hãy để người nào đó tỉnh táo trợ giúp. Chỉ cần bạn liếc qua vài dòng trong sách cũng đủ đưa bạn vào trạng thái say xe ngay lập tức.
Tránh ngồi cạnh người cũng say xe
Ngồi bên cạnh người bị say xe và sẽ khiến bạn say xe ngay lập tức. Do đó, nên tránh ngồi cạnh những người cũng bị say xe như bạn.
Cố gắng không bị phụ thuộc vào cảm giác
Đây là một trong những chú ý quan trọng vì rất nhiều người mắc phải. Sự tập trung khiến bạn thoát khỏi cảm giác say và hãy cố gắng nhìn vào một hình ảnh phía trước trên đường.
Tránh xa các mùi khó chịu
Tránh xa mùi thuốc lá, mùi nước hoa hay các chất tạo mùi khó chịu trên xe. Vì khói thuốc lá sẽ khiến cho tình trạng say xe của bạn trở nên say xe hơn vì thế bạn nên đề nghị những người đi chung xe với bạn không nên hút thuốc lá. Ban có thể thì bạn hãy mở cửa sổ ô tô để có thể tận hưởng không khí trong lành từ thiên nhiên cũng sẽ giúp bạn đỡ say hơn.
Tránh uống thức uống có ga
Tuyệt đối không sử dụng đồ uống có ga và một số chất kích thích đầy hơi như: đồ nếp, đậu tương, lạc… những thực phẩm giàu chất béo, những thực phẩm nặng mùi vì chúng sẽ khiến cho bạn dễ bị ghê cổ và buồn nôn.
Quỳnh Anh (Thế Giới Trẻ/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm