Khỏe đẹp cùng... hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều loại hoa không chỉ đẹp mà còn là vị thuốc hay. Dưới đây là một số loài hoa như thế.

1.  Hoa mào gà đỏ

Mào gà đỏ có tên khác là kê quan hoa, kê công hoa, kê cốt tử hoa, mồng gà, lão lai thiểu… Theo y học cổ truyền, hoa mào gà đỏ vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lương huyết, chỉ huyết, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như xích bạch lỵ (bệnh lỵ trực khuẩn hoặc amip), trĩ lậu hạ huyết (trĩ xuất huyết), thổ huyết (nôn ra máu), khạc huyết (ho ra máu), tỵ nục (chảy máu mũi), huyết lâm (đái buốt và ra máu), băng lậu (rong huyết, rong kinh, băng huyết), đới hạ (khí hư), di tinh…

Cách dùng cụ thể như sau:

- Đối với bệnh tăng huyết áp: Kê quan hoa 3-4 cái, hồng táo 10 quả, sắc uống hàng ngày.
- Thổ huyết: Kê quan hoa (dùng cả cây) lượng vừa đủ, sắc uống. Hoặc dùng bài hoa mào gà trắng tươi 15-24 g (loại khô dùng 6-15 g) hầm với phổi heo lượng vừa đủ trong 1 giờ rồi chia ăn vài 3 lần trong ngày.
- Ho ra máu: Hoa mào gà trắng 30 g, trắc bá diệp 30 g, cỏ nhọ nồi 30 g, sắc uống. Hoặc dùng bài hoa mào gà tươi 24 g, rễ cỏ tranh tươi 30 g, sắc uống.
- Lỵ trực khuẩn hoặc amip: Dùng hoa mào gà sắc với rượu uống; nếu là xích lỵ (phân có máu) dùng hoa màu đỏ; bạch lỵ (phân chỉ có nhầy) dùng hoa màu trắng.
- Nhọt độc vùng gáy: Hoa mào gà tươi, nhất điểm hồng tươi và liên tử thảo tươi lượng bằng nhau, rửa sạch giã nát, chế thêm một chút đường đỏ rồi đắp vào tổn thương.
- Kinh nguyệt không đều: Hoa mào gà đỏ và trắng mỗi loại 9 g sắc uống. Hoặc dùng bài hoa mào gà trắng 15 g, long nhãn hoa 12 g, ích mẫu thảo 9 g, thịt heo nạc lượng vừa đủ, hầm ăn, nếu có kèm khí hư thì gia thêm vỏ trắng rễ tần bì 9 g.

2. Hoa hồng

 

Hoa hồng là một vị thuốc hay. Ảnh: internet
Hoa hồng là một vị thuốc hay. Ảnh: internet

Hoa hồng có vị ngọt, mùi thơm mát, tính bình, nên hái hoa vào sáng sớm. Hoa hồng có nhiều loại: trắng, vàng, đỏ, hồng... và tinh dầu là thành phần chữa bệnh chủ yếu của hoa hồng. Nó kích thích và điều hòa hệ thần kinh của con người, đồng thời gia tăng hoạt động của các tuyến nội tiết, xóa bỏ những rối loạn phức tạp trong các cơ quan của cơ thể và tái tạo tế bào.

Ngoài ra, cánh hoa hồng có chứa canxi-tác động đến quá trình trao đổi chất và tiêu hóa thức ăn; kali-thành phần vô cùng quan trọng đối với hoạt động của tim; đồng (Cu)-cải thiện tình hình hoạt động của các tuyến nội tiết, chữa trị mụn nhọt, dị ứng... Hoa hồng còn là bài thuốc chữa ho rất tốt cho trẻ em và lại dễ kiếm: cánh hoa hồng trắng chưng với đường phèn và quất chín, nghiền nát gạn lấy nước cho trẻ uống từng ít một, uống đều trong ngày. Hồng đỏ có tác dụng cầm máu, phối hợp với mật ong chữa rộp lưỡi, loét lở miệng...

3.  Đỗ quyên

Theo y học cổ truyền, hoa đỗ quyên có tác dụng điều kinh, trừ đàm, khử phong thấp, làm hết ngứa; vì vậy được dùng chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, băng lậu, tổn thương do ngã, phong thấp, thổ huyết... Lá đỗ quyên có tác dụng cầm máu, trừ phong thấp, giảm đau nên được dùng chữa trị các chứng xuất huyết, kinh nguyệt không đều, băng lậu, trĩ xuất huyết, kiết lỵ, viêm khớp, tổn thương do ngã... Có thể dùng đỗ quyên kết hợp với một loại thuốc khác để chữa bệnh: kết hợp với lá nhót, rau diếp cá chữa viêm phế quản; lá và rễ đỗ quyên kết hợp với rượu vang chữa rong kinh, sau đẻ chảy máu; kết hợp với trắc bá diệp tươi, mật ong chữa mụn nhọt, lở loét.

4. Hoa đào

Được trồng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, đào được trồng nhiều ở Lào Cai, Lạng Sơn, đào cảnh được trồng ở Hà Nội, Lâm Đồng. Lá đào có amygdalin, acid tanic, curmarin, hoa có chất kamferol. Khi bị mụn nhọt, ghẻ ngứa, dân gian dùng lá đào tươi, khô nấu nước tắm. Hoa đào dùng làm thuốc thông tiểu tiện, kem dưỡng da.

5. Hoa tầm xuân

Người ta dùng hoa và quả tầm xuân làm thuốc. Hoa tầm xuân có chứa nhiều vitamin B1, B2, K. Quả tầm xuân có chứa rất nhiều vitamin C, theo nghiên cứu thì lượng vitamin C có trong quả tầm xuân nhiều hơn cả trong chanh, nho tím. Nước ép và siro làm từ quả tầm xuân có thể phòng ngừa cơ thể thiếu hụt vitamin, phòng bệnh tê phù. Khi thu hái, sơ chế và bảo quản, nên sấy quả tầm xuân ở nhiệt độ dưới 100 độ C, phơi tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.

6. Kim cúc

Kim cúc còn gọi là cúc hoa vàng hay hoàng cúc. Đông y cho rằng kim cúc vị đắng-cay, tính hơi ôn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau mắt đỏ có sưng, đau đầu chóng mặt, chữa cảm lạnh, cúm, viêm não nhẹ, viêm mũi, viêm da mủ, viêm vú, hoa mắt, huyết áp cao, viêm gan, kiết lỵ, chảy nước mắt nhiều...

Bs Huỳnh Tấn Vũ

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.