"Mẹ hiền" đừng hóa… ác mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mấy năm trước, khi bắt đầu đi học mẫu giáo, một trong những bài hát đầu tiên mà con gái tôi được cô giáo dạy là bài “Mẹ và cô” của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”. Bài hát này, hơn ba mươi năm trước, tôi cũng đã được cô giáo mầm non của mình dạy cho. Xen giữa quãng thời gian hơn ba mươi năm của cha con tôi là chừng ấy thế hệ trẻ thơ đã được dạy và hát bài này ngay từ những ngày đầu đặt chân tới trường.
Người ta thường bảo, trẻ em giống như những tờ giấy trắng, người lớn viết cái gì thì các em thành cái đó. (ảnh internet)
Người ta thường bảo, trẻ em giống như những tờ giấy trắng, người lớn viết cái gì thì các em thành cái đó. (ảnh internet)
Tại sao các cô giáo bậc mầm non lại chọn “Mẹ và cô” là một trong những bài hát đầu tiên để dạy cho trẻ? Tôi tự hỏi và cũng tự đi tìm câu trả lời. Theo tôi, có lẽ là bởi bài hát này ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, rất phù hợp với khả năng ghi nhớ, cảm thụ của trẻ mầm non. Nhưng quan trọng hơn, tôi nghĩ vậy, bài hát gieo vào lòng trẻ thơ sự tin cậy đối với một người xa lạ, ở đây là cô giáo. Trong những ngày đầu rời xa vòng tay cha mẹ để đến một môi trường mới hoàn toàn xa lạ là trường mầm non, nhiều em nhỏ rất bỡ ngỡ, sợ sệt, thường khóc nhè và đòi về. Cô giáo chính là người giúp các em vượt qua sự bỡ ngỡ, sợ sệt này. Và không có cách nào tốt hơn là gieo vào lòng các em sự tin cậy thông qua tình yêu thương của mình, giúp các em hiểu rằng, cô giáo cũng là một người mẹ hiền, giống như mẹ của các em ở nhà.
Mỗi năm học qua đi cùng với các thầy-cô giáo mới là một dịp để những đứa trẻ kiểm chứng sự tin cậy mà cô giáo mầm non đã gieo vào lòng từ ngày chập chững đến trường. Với những học sinh may mắn gặp được các thầy cô tài-đức, sự tin cậy ấy sẽ theo họ đến trọn đời. Còn với không ít học sinh, cái hình ảnh tin cậy, yêu thương về người “mẹ hiền” ấy có thể sẽ vỡ vụn ngay từ bậc mầm non hay tiểu học khi các em đối diện với những… “ác mẫu” trên bục giảng. Đấy là những thầy-cô giáo thay vì đem tình yêu thương, lời hay lẽ phải để chỉ bảo, uốn nắn, cảm hóa học sinh mắc lỗi, giúp các em tiến bộ đúng với thiên chức nghề nghiệp của mình thì lại dùng đến những lời lẽ miệt thị, xúc phạm, thậm chí xâm hại thân thể học sinh bằng đòn roi.
Điều đáng buồn là những “ác mẫu” trên bục giảng lại đang xuất hiện ngày càng nhiều bất chấp sự bức xúc của phụ huynh học sinh, sự lên án của dư luận xã hội và cả những chế tài khá nghiêm khắc đã được quy định trong Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Những tấm gương tày liếp trong ngành bị xử lý với đủ các hình thức, nhẹ thì đình chỉ, thuyên chuyển công tác, nặng thì sa thải, thậm chí bị khởi tố liên quan đến hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học dường như vẫn không đủ sức cảnh tỉnh, răn đe đối với nhiều thầy-cô giáo. Bằng chứng là cuối tháng 11-2018, Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Phương Thủy (giáo viên Trường THCS Duy Ninh) về hành vi hành hạ người khác. Cô giáo Thủy chính là người đã yêu cầu 23 em học sinh lớp mình chủ nhiệm phải tát một học sinh khác (mỗi em tát 10 cái) chỉ vì em này nói tục. Khi dư luận còn đang sục sôi bức xúc về vụ việc này thì cũng tại tỉnh Quảng Bình, vào cuối tháng 12-2018, một nữ giáo viên khác ở trường Tiểu học Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) đã thẳng tay tát một em học sinh lớp 2 hai cái chỉ bởi em này… làm nhầm đề kiểm tra. Cũng trong tháng 12-2018, tại thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đak Lak), một nữ giáo viên dạy lớp 4 cũng bị phụ huynh tố cáo dùng vật cứng đánh con họ bầm tím mông; một nữ giáo viên tiểu học ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) thì dùng thước đánh bầm tím người một học sinh lớp 1…
Rất nhiều lý do đã được cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc đưa ra để biện minh cho hành vi bạo lực của các giáo viên trong thời gian qua như: sức ép công việc, áp lực thành tích, học sinh hư hỏng… Đây là một thực tế mà nhiều giáo viên đang phải đối mặt nhưng cũng không thể vì thế mà họ tự cho mình cái quyền được xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể học sinh như những vụ việc thời gian qua. Đến cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong buổi tọa đàm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giữa tháng 12-2018 cũng cho rằng, nếu giáo viên vin vào áp lực để có những hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đi ngược lại chuẩn mực đạo đức là không thể chấp nhận được.
Người ta thường bảo, trẻ em giống như những tờ giấy trắng, người lớn viết cái gì thì các em thành cái đó. Bởi ý nghĩa quan trọng này mà ngay từ ngày trẻ chập chững tới trường, những cô giáo mầm non đã gieo vào lòng các em tình yêu thương, sự tin cậy về hình ảnh người “mẹ hiền” ở lớp học. Và để sự tin cậy này theo các em đến trọn đời, mong sao mỗi thầy-cô giáo đừng biến mình thành “ác mẫu”.
Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.