Những nốt đỏ đáng sợ trên người bé

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh tay chân miệng đang vào mùa. Một số nơi như TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên có nhiều nơi số ca bệnh tăng rất nhanh, tăng đột biến như tỉnh Đồng Nai và các tỉnh miền Tây.

 Một bệnh nhi bị tay chân miệng nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai
Một bệnh nhi bị tay chân miệng nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai
“Số ca bệnh tay chân miệng có thể sẽ tăng trong thời gian tới. Đây là những tháng trẻ đi học nên sự lây lan sẽ nhiều hơn, do đó số lượng trẻ mắc bệnh cũng nhiều hơn. Trong năm thường có 2 thời điểm bệnh tay chân miệng bùng phát là từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 12"-bác sĩ Đỗ Châu Việt


Chiều 25-8, bác sĩ Đỗ Châu Việt-Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết tại bệnh viện đang điều trị nội trú cho 35 bé bị tay chân miệng. Trong khi đó, tuần trước là 30 bé. Rất nhiều bé nhỏ phải nhập viện vì bệnh tay chân miệng.

Chú ý những nốt đỏ

Bé T.L., 11 tháng tuổi, bị tay chân miệng được theo dõi điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã hai ngày nay. Chị T.A. (mẹ bé, ngụ Q.9, TP.HCM) cho biết ba ngày trước, từ sáng sớm bé bắt đầu nổi một vài nốt đỏ như nốt muỗi đốt ở cánh tay.

Đến chiều, bé bắt đầu bị sốt 38,5 độ, đến tối thì bị co giật, trong lúc ngủ hay giật mình.

Gia đình đưa bé vào cấp cứu ở bệnh viện quận rồi ngay sáng hôm sau thì chuyển bé vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. Đến nay bé đã đỡ sốt nhưng các nốt đỏ vẫn còn nhiều ở tay và chân.

Trong khi đó, chị Sen (ngụ ở Bình Dương), mẹ của một bé gái 12 tháng tuổi bị bệnh tay chân miệng, kể ban đầu con chị cũng bị một số nốt ban đỏ nhưng chị không để ý và không nghĩ là bé bị tay chân miệng vì bé chỉ ở nhà.

Sau đó bé bị sốt cao, gia đình đưa vào bệnh viện ở Bình Dương, sau xét nghiệm được biết là bé bị tay chân miệng. Một ngày sau thì chị đưa bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị.

Bác sĩ Việt lưu ý những trường hợp sốt trên 39 độ liên tục khi uống thuốc mà vẫn không hạ sốt, hoặc trong mùa dịch này, trẻ sốt trên hai ngày mà không hết cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn và theo dõi tại nhà.

Những dấu hiệu như giật mình, run tay, run chân, ói mửa… thường là dấu hiệu trễ sau khi sốt.

Trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. Những trẻ mắc bệnh ở độ 2a (triệu chứng sốt, có thấy giật mình) nếu người nhà có kinh nghiệm, biết cách điều trị chăm sóc thì có thể điều trị tại nhà, nhưng từ độ 2b trở lên với các triệu chứng sốt không hạ, giật mình, run tay chân, nôn ói… là bắt buộc phải nằm viện.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga - trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca mắc bệnh tăng nhẹ.

Tuần gần nhất trong TP có 125 ca mắc/tuần. Tính từ đầu năm đến nay TP có 3.258 ca, chưa có trường hợp nào tử vong. Trong dịp chuẩn bị năm học mới này, tất cả các trường mầm non trong TP đều tổng vệ sinh khử khuẩn.

Đồng Nai: bệnh tay chân miệng tăng 50%

Ông Bạch Thái Bình, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, cho biết tính đến ngày 10-8, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 4.700 trường hợp bị bệnh tay chân miệng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai, 7 tháng đầu năm 2017 bệnh viện tiếp nhận 1.227 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 108% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chỉ tháng 7 đến ngày 10-8, bệnh viện tiếp số ca tay chân miệng tăng 240% so với cùng kỳ năm trước.

Bác sĩ Lê Văn Giai - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - cho biết thời điểm này mọi năm không phải đỉnh dịch nhưng năm nay lại tăng đột biến. Ông Bạch Thái Bình nhận định nguyên nhân bệnh tay chân miệng tăng đột biến có thể do thời tiết.

Cụ thể mưa năm nay kéo dài hơn mọi năm, nhiệt độ cũng tăng từ 1-2 độ so với năm ngoái. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng thuộc nhóm bệnh đường tiêu hóa, thích hợp với mưa, nóng.

Thời tiết năm nay rất thuận lợi cho các bệnh lây qua đường tiêu hóa, trong đó có bệnh tay chân miệng.

Để tránh bệnh lây lan rộng, ông Bình khuyến cáo người dân cần tăng cường vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, ăn uống đảm bảo vệ sinh, nhất là trẻ em…

Sở Y tế Đồng Nai đã có công văn gửi Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các nhà trẻ, mẫu giáo tăng cường tổng vệ sinh, sát khuẩn để ngăn ngừa bệnh phát sinh.

Đối với hệ thống y tế, ngoài việc tuyên truyền, cần xử lý sớm ổ dịch, hướng dẫn vệ sinh, phun Cloramin B sát khuẩn toàn trường tiêu dịch mầm bệnh.

ĐBSCL: tay chân miệng tăng gấp đôi

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi từ nhiều tỉnh ĐBSCL), lượng bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tăng nhanh trong mấy tháng gần đây.

Ông Nguyễn Đức Trí - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho biết tính từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện là 1.617 trường hợp, số bệnh nhi đến khám điều trị ngoại trú bệnh tay chân miệng lên đến trên 14.400 ca.

Lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng cao từ tháng 7 đến nay, tăng gấp đôi so với những tháng trước đó.

Tại hầu hết các tỉnh thành khu vực ĐBSCL, bệnh tay chân miệng đang tăng song hành cùng sốt xuất huyết.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến giữa tháng 8-2017, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 1.569 ca bệnh tay chân miệng, tăng hơn 72%.

Tại Đồng Tháp, theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến giữa tháng 8 đã ghi nhận 2.400 ca tay chân miệng, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt năm nay số ca bệnh đã vượt ngưỡng trung bình 5 năm. Số ca bệnh tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi và đa số bệnh ở thể nhẹ.

Tại Trà Vinh đã phát hiện 7 ổ dịch tay chân miệng, với số ca mắc ghi nhận là 915 ca (tăng 782 ca so với cùng kỳ năm 2016). Các tỉnh như Cà Mau, An Giang… cũng có số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2016.

Người lớn cần vệ sinh sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ


 

Khi phát hiện trẻ có vài nốt đỏ trên người, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khám
Khi phát hiện trẻ có vài nốt đỏ trên người, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khám



Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, thống kê cho thấy có 50% số trẻ ở nhà vẫn mắc bệnh, chứ không chỉ đi học mới mắc bệnh.

Không chỉ vệ sinh cho trẻ, người lớn tuy không phát bệnh nhưng vẫn có khả năng lây lan bệnh cho trẻ, vì thế khi chăm sóc trẻ, chơi với trẻ là phải vệ sinh tay chân sạch sẽ.

Chẳng hạn như đi làm về phải rửa tay trước khi bồng bế trẻ. Bên cạnh đó, cần vệ sinh môi trường sinh sống, lau rửa nhà sạch sẽ.

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh thì để trẻ ở nhà, không đi học để tránh lây lan cho cộng đồng, phải báo cho nhà trường để vệ sinh phòng học và theo dõi những trẻ khác.

Miền Nam 
tử vong do 
sốt xuất huyết nhiều nhất nước

Số mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm đã vượt trên 100.400 ca, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có đến 26 người tử vong - theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế ngày 25-8 tại cuộc họp về phòng chống dịch sốt xuất huyết.

8 tháng đầu năm có 26 người tử vong do sốt xuất huyết, số người mắc sốt xuất huyết gia tăng mạnh ở miền Bắc, tăng đến 45 lần so với cùng kỳ 2016, nhưng miền Nam lại là nơi có nhiều ca tử vong, chiếm gần 70% số tử vong trên cả nước.

Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.
Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Lợi ích sức khỏe bất ngờ của ăn cơm và gạo lứt

Để dễ chìm vào giấc ngủ, các chuyên gia thường khuyến nghị mọi người nên thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền hay nhâm nhi trà hoa cúc gần giờ đi ngủ. Thế nhưng, một số nghiên cứu cho thấy ăn cơm hay gạo lứt trong các bữa ăn hằng ngày cũng góp phần giúp dễ ngủ.