Chỉ cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai trong một số trường hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước thông tin Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai, nhiều sản phụ cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng rất hoang mang, lo lắng.

  Phương pháp gây tê tủy sống trước khi mổ.
Phương pháp gây tê tủy sống trước khi mổ.

Chị Nguyễn Thương (tổ 13, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Em gái mình sắp đến ngày sinh, do cháu bé bị nhau quấn cổ nên bác sĩ chỉ định sinh mổ. Tuy nhiên, thông tin cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai được dân tình chia sẻ mấy ngày vừa qua khiến cả nhà tôi rất hoang mang. Gia đình tôi đã vào công thông tin của Bộ Y tế tìm công văn này đọc để xác thực thông tin nhưng càng đọc lại càng rối không biết rốt cuộc là như thế nào; là cấm hoàn toàn trên tất cả sản phụ hay chỉ cấm đối với một số trường hợp. Theo tìm hiểu gây tê tủy sống còn gọi là gây tê dưới màng cứng. Vậy phương pháp này có giống phương pháp gây tê ngoài màng cứng (phương pháp đẻ không đau) đang áp dụng tại các bệnh viện hiện nay hay không?”.

Trước đó, ngày 26-6-2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3614/BYT-BM-TE về việc sử dụng phương pháp vô cảm trong mổ lấy thai gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị. Theo Bộ Y tế, qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tỷ lệ tử vong mẹ tại các địa phương, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy, trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tủy sống trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật... thì có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như: tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Qua công văn, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị có triển khai phẫu thuật lấy thai (kể cả các bệnh viện ngoài công lập) cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với các sản phụ có các tình trạng nêu trên, không thực hiện phương pháp gây tê tủy sống nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ.

“Như vậy, đối với các sản phụ có sức khỏe bình thường, thể trạng tốt thì vẫn có thể thực hiện phương pháp gây tê tủy sống chứ không cấm”-ông Võ Minh Nhật-Cử nhân gây mê-hồi sức, Khoa Ngoại (Trung tâm Y tế TP. Pleiku), cho biết.

Theo cử nhân Nhật, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, phương pháp gây tê tủy sống mổ lấy thai được sử dụng với tỷ lệ vào khoảng trên 95%, được ưa chuộng vì ít ảnh hưởng đến thai so với phương pháp gây mê. Phương pháp gây tê tủy sống và phương pháp gây tê ngoài màng cứng (phương pháp đẻ không đau) mà Trung tâm Y tế TP. Pleiku đang triển khai khác nhau hoàn toàn.

“Trước khi mổ đẻ, các bác sĩ đều có trao đổi, giải thích rõ ràng cho sản phụ và gia đình sản phụ trong việc lựa chọn các phương pháp. Vì vậy sản phụ có thể an tâm trong quá trình sinh nở”-Cử nhân Võ Minh Nhật cho biết thêm.

 Như Ý

Có thể bạn quan tâm

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Ăn hạt kỷ tử có tốt?

Kỷ tử được sử dụng từ rất lâu, tác dụng như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý, tốt cho người tiểu đường.