Chơi ô tô Hàn nội địa: Về VN tăng giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ô tô Hàn Quốc ngày nay đã thành công khi biến mình từ thương hiệu bị coi là kém chất lượng trở thành có chất lượng. Người Hàn đã quyết liệt thay đổi mẫu mã và chất lượng, cùng nhiều tính năng thời thượng, để khỏa lấp điểm yếu về thương hiệu.


Bất ngờ xe Hàn

Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu J.D Power vừa công bố bảng xếp hạng chất lượng xe xuất xưởng tại Mỹ năm 2018. Theo đó, thương hiệu Genesis (nhãn xe sang của tập đoàn Hyundai) đứng vị trí đầu bảng, vị trí thứ hai thuộc về xe mang thương hiệu Kia và vị trí thứ 3 thuộc về xe mang thương hiệu Hyundai. Như vậy, các thương hiệu xe Hàn Quốc đã chiếm 3 vị trí đầu về chất lượng ô tô tại Mỹ năm 2018.

Từ 2016 đến nay, đã 3 năm liên tiếp, các thương hiệu ô tô Hàn Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng của J.D. Power.

Trong năm 2017, Genesis còn trở thành thương hiệu xe sang, tốt nhất thị trường trọng điểm Bắc Mỹ, do các nhà báo bình chọn, không phải Lexus, BMW hay Mercedes,...


 

Chiếc xe đạt điểm chất lượng cao của Hàn Quốc, theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ
Chiếc xe đạt điểm chất lượng cao của Hàn Quốc, theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ



Ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc ra đời vào năm 1962. Chính quyền tổng thống Park Chung Hee khi ấy đặt ra mục tiêu: tạo ra những mẫu xe mang thương hiệu quốc gia và theo kịp với các nhà sản xuất Nhật Bản. Những chính sách khi đó dành ưu tiên số một cho các tập đoàn lớn, tiếp đến là các nhà cung ứng, rồi sau đó mới là thị trường tiêu thụ.

Tuy nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, ngành ô tô Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, yếu kém về mặt công nghệ, hạn chế về nhân lực, thiếu vốn, thiếu thị trường và ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.

Năm 1975, sự ra đời của chiếc Hyundai Pony đánh dấu một trang sử mới cho nền công nghiệp ô tô của nước này. Pony cũng chính là mẫu xe đầu tiên được xuất khẩu ra thế giới, tới thị trường các nước Nam Mỹ trong thời gian 1976-1982. Năm 1986, Hyundai thâm nhập vào thị trường Mỹ với mẫu xe Excel và ngay lập tức đạt doanh số 126.000 xe. Tuy nhiên, kỷ lục này không bảo đảm cho sự thành công của Hyundai khi mẫu xe Excel có chất lượng thấp, thường xuyên hỏng hóc và ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà sản xuất này.

Cạnh tranh kịch tính

Thực tế đó đòi hỏi Hyundai nói riêng và cả ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc nói chung phải tiếp tục thay đổi công nghệ, thay đổi thiết kế, cũng như công năng của xe để đáp ứng đòi hỏi ngày của người tiêu dùng.

Song song với việc tiếp nhận công nghệ cao, các DN Hàn Quốc đã thay đổi sản xuất theo quy trình: “Just-in-time” (sản xuất tức thời) và “Lean production” (sản xuất tinh gọn). Hệ thống mới này giúp việc kiểm soát chất lượng linh kiện tốt hơn, thông qua khuyến khích các nhà cung cấp, xây dựng cơ sở gần nhà máy lắp ráp xe. Cách làm này giúp giảm chi phí, cải thiện chất lượng linh kiện và rút ngắn thời gian giao hàng,...


 

Người Hàn đã quyết liệt thay đổi mẫu mã và chất lượng động cơ, hộp số, cùng nhiều tính năng thời thượng, để thu hút khách hàng, khỏa lấp điểm yếu về thương hiệu.
Người Hàn đã quyết liệt thay đổi mẫu mã và chất lượng động cơ, hộp số, cùng nhiều tính năng thời thượng, để thu hút khách hàng, khỏa lấp điểm yếu về thương hiệu.


Tuy vậy, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc chỉ thực sự chuyển mình sau biến cố khủng hoàng tài chính năm 1997. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã châm ngòi cho làn sóng tái cơ cấu: Hyundai, Kia, Ssangyong,... Nhờ sự cải tổ về công nghệ, thiết kế cũng như cách thức vận hành, ngành công nghiệp ô tô đã tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng, trở lại và đạt được thành công ở thị trường toàn cầu, đặc biệt là tại Bắc Mỹ.

Những năm gần đây, các hãng xe Hàn Quốc đã có những bước cải tiến vượt bậc về chất lượng, kiểu dáng, công nghệ. Kia và Hyundai đã thành công khi lôi kéo được các nhà thiết kế nổi tiếng người Đức từ Audi, BMW về làm việc. Những “nhân tố Đức” này, đã giúp cho kiểu dáng xe Hàn lột xác, đẹp hơn, tinh tế và hiện đại hơn. Công nghệ ô tô Hàn cũng đã có sự tiến bộ vượt bậc. Động cơ diesel CRDi, GDi, Fuel Cell,... đến nay khó có đối thủ nào vượt qua. Cùng với đó, xe Hàn nổi tiếng có nhiều option và giá bán rất cạnh tranh. "Trả ít hơn, dùng nhiều hơn" chính là điều người tiêu dùng đã tìm thấy ở xe Hàn.

Thực tế thăng tiến về chất lượng của ô tô Hàn là điều nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia. Các hãng xe xứ sở Kim chi dường như đang tái hiện con đường mà những tên tuổi Nhật đã đi qua. Với tư cách của người đi sau, luôn học hỏi và cầu tiến để không lạc hậu trong cuộc đua, người Hàn đã quyết liệt thay đổi mẫu mã và chất lượng động cơ, hộp số, cùng nhiều tính năng thời thượng, để thu hút khách hàng, khỏa lấp điểm yếu về thương hiệu.

Khi Kia đánh bại những hãng xe khác để đứng đầu bảng xếp hạng của J.D. Power  vào năm 2016, nhiều người còn phân vân, liệu thứ hạng này có thể duy trì bao lâu? Nhưng Kia dẫn đầu liên tiếp 3 năm liên tiếp là câu trả lời rõ ràng cho những ai còn hoài nghi. Điều này khiến “cuộc chiến” với xe Nhật, sẽ ngày càng kịch tính hơn.

Nhắc đến xe Hàn, trước đây người Việt hay truyền miệng nhau rằng chất lượng kém và không bền, đi không quá 3 năm. Nhưng có lẽ, điều này đang thay đổi. Tại Việt Nam, nhiều khách hàng vẫn đang mê mẩn chiếc Hyundai Santa Fe hay Kia Sorento nội địa Hàn Quốc, đời 2012-2013, bởi có quá nhiều tính năng hiện đại và bền bỉ.

Còn hiện tại, một chiếc Hyundai Santa Fe 2019 nội địa Hàn Quốc, giá khoảng 33.000 USD, nhập khẩu theo đường quà tặng về Việt Nam lên tới 92.000 USD, chưa kể chi phí đăng ký, tương đương một chiếc xe sang của Đức nhưng vẫn làm nhiều người hào hứng. Bởi, nó có quá nhiều tính năng hiện cùng động cơ thế hệ mới mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu.

Sự thăng tiến của các hãng xe Hàn Quốc có thể chưa đe dọa đến vị thế của nhiều “ông lớn” trong làng xe thế giới, nhưng cũng khiến đối thủ phải tôn trọng và làm thay đổi tư duy của khách hàng. Đây có thể chính là điều mà các nhà đầu tư khởi sự làm ô tô Việt Nam phải học hỏi.

Trần Thủy (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Giá thuê ô tô tự lái tăng gấp đôi vẫn 'cháy' hàng

Giá thuê ô tô tự lái tăng gấp đôi vẫn 'cháy' hàng

Để chủ động đi lại và không bị mưa gió, rét, đặc biệt là với gia đình có con nhỏ, nhiều người dân sống tại Hà Nội đã chọn hình thức thuê ô tô tự lái để đi lại dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, hiện giá xe thuê đang được đẩy cao chót vót và kèm theo nhiều điều kiện.