Hành tinh màu tím là nơi có sự sống!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trái đất thuở sơ khai có màu tím và các hành tinh đang bắt đầu sự sống khác cũng vậy, theo nghiên cứu mới của Mỹ.

Nghiên cứu của nhà vi sinh học Shiladitya DasSarma (Trường Y Dược Maryland, Mỹ) và tiến sĩ Edward Schwieterman (Đại học California – cơ sở Riverside, Mỹ) cung cấp gợi ý cho công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài trái đất: chỉ cần nhắm vào những hành tinh màu tím.

Theo các tác giả, màu tím oải hương lãng mạn là dấu hiệu cho thấy hành tinh đó bắt đầu khởi phát sự sống. Trái đất vài tỉ năm trước, khi bắt đầu sự sống, cũng có màu tương tự. Nhiều nhà thiên văn học cố gắng tìm sự sống xanh trong không gian nhưng đó có thể là một hướng đi sai lầm.


 

Những hành tinh màu tím là hành tinh đang sở hữu sự sống sơ khai? - ảnh minh họa từ Inernet
Những hành tinh màu tím là hành tinh đang sở hữu sự sống sơ khai? - ảnh minh họa từ Inernet


Màu tím bao phủ trái đất và các hành tinh có sự sống sơ khai trước khi thực vật trên hành tinh đó đủ tiến hóa để khai thác năng lượng từ mặt trời nhờ diệp lục. Trước đó, màu tím là màu được các sinh vật nguyên thủy lựa chọn để thu hoạch năng lượng mặt trời.

Cho đến ngày nay, khả năng khai thác ánh sáng qua sắc tố màu tím vẫn phổ biến trong nhiều loại vi khuẩn và sinh vật đơn bào thuộc nhóm Archea. Những vi sinh vật màu tím này được phát hiện ở khắp mọi nơi, từ đại dương đến những thung lũng khô cằn và lạnh giá nhất Nam cực. Các sắc tố tím cũng được tìm thấy trong hệ thống thị giác của nhiều loại động vật và có bằng chứng cho thấy nó đã xuất hiện từ rất sớm trên cây sự sống.

Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy các vi sinh vật màu tím ưa mặn tên halophiles có liên quan đến những sự sống sớm nhất trên trái đất. Các sinh vật này phát triển quanh các lỗ thông hơi của mạch khí mê-tan dưới lòng đại dương.

Hai tác giả Schwieterman và DasSarma khẳng định: "Bất kể sự sống đầu tiên trên trái đất có màu tím hay không, rõ ràng sự sống màu tím phù hợp với một số vi sinh vật phát triển tốt và sự sống ngoài hành tinh có thể đang sử dụng cùng một chiến lược".

Theo 2 nhà nghiên cứu này, công nghệ quan sát thiên văn ngày này cho phép con người nghiên cứu khá rõ bề mặt của các hành tinh ngoài hệ mặt trời. Do đó, điều họ cần làm là tìm kiếm màu tím của sự sống trên các hành tinh ngoại lai đó, chứ không phải màu xanh như trái đất hiện đại.

Vào năm ngoái, một nhóm nghiên cứu khác từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) cho rằng trái đất sơ khai có… màu hồng tươi ngọt ngào, sau khi họ phân tích "diệp lục" cổ đại trên các hóa thạch 1,1 triệu năm tuổi.

A. Thư (Theo Live Science, nld)

Có thể bạn quan tâm