Sáng kiến nâng công suất chế biến mủ cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa qua, anh Đoàn Cao Khải-Tổ trưởng Tổ kỹ thuật (Xí nghiệp Chế biến-Vận tải, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) đã nghiên cứu, áp dụng sáng kiến “Giảm nồng độ NH3 trong bồn tiếp nhận” và “Làm máng dẫn nước vệ sinh bồn tiếp nhận” vào quá trình sản xuất giúp tiết giảm thời gian và nâng cao công suất, tăng thu nhập cho người lao động.
Anh Khải cho biết: Mủ skim được tách ra trong quá trình quay ly tâm mủ latex nên có hàm lượng amoniac (NH3) khá cao, nếu không được xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình đánh đông mủ, tốn nhiều thời gian. Việc xử lý đánh đông mủ skim trong nhiều ngày cũng làm ảnh hưởng đến quá trình chế biến mủ latex, khâu sản xuất bị ngưng trệ, năng suất mủ thấp. 
“Đối với các nhà máy, xí nghiệp có dây chuyền sản xuất mủ ly tâm, khâu chế biến và tận thu mủ latex, mủ skim đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ rất quan trọng. Để tăng cường sản xuất mủ latex, giảm thời gian đông tụ mủ skim cho Công ty mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, tôi đã tìm tòi và đưa ra 2 giải pháp: giảm nồng độ NH3 trong bồn tiếp nhận và làm máng dẫn nước”-anh Khải chia sẻ về mục đích nghiên cứu.
Theo anh Khải, quy trình sản xuất mủ skim trước đây ở nhà máy được đánh đông tự động bằng hàm lượng NH3 trong mương nước 4-5 ngày. Khi dây chuyền sản xuất mủ ly tâm đưa vào hoạt động thì nồng độ NH3 trong bồn tiếp nhận là 0,42%. Trong quá trình sản xuất thì hàm lượng NH3 trong mủ skim còn cao (0,2-0,25%) làm cho quá trình đông mủ skim diễn ra lâu. Để hạn chế nhược điểm này, năm 2021, anh Khải đã nghiên cứu, thử giảm nồng độ NH3 xuống còn 0,35-0,38% nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật trong thời gian để lắng tại bồn tiếp nhận, quá trình sản xuất hàm lượng NH3 trong mủ skim giảm hơn (khoảng 0,18%) làm cho quá trình đánh đông mủ skim diễn ra nhanh hơn. Môi trường làm việc của công nhân vệ sinh bồn tổng hợp cũng bớt độc hại hơn. Sau nhiều lần thử nghiệm, phân tích, đánh giá, kết quả, chất lượng mủ skim đạt tiêu chuẩn tốt. 
Anh Đoàn Cao Khải (bìa phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra quá trình đánh đông mủ skim. Ảnh: Minh Nhật
Anh Đoàn Cao Khải (bìa phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra quá trình đánh đông mủ skim. Ảnh: Minh Nhật
Trong khâu vận hành dây chuyền sản xuất mủ, anh Khải nhận thấy quá trình vệ sinh bồn, công nhân xả trực tiếp một lượng nước lớn xuống bể lắng skim. Quá trình này làm giảm hàm lượng mủ và ảnh hưởng tới việc đánh đông mủ skim. Sau khi anh Khải làm máng dẫn nước, công đoạn công nhân vệ sinh, xịt hết bùn lắng trong bồn tiếp nhận không cho lượng nước chảy vào bể lắng skim thì việc đánh đông mủ skim thuận lợi hơn.
Trước khi áp dụng 2 giải pháp trên, 1 ngày lấy 50 tấn mủ nguyên liệu sẽ phải dùng 12 mương để đánh đông và mất khoảng 4-5 ngày để đông mủ skim. Từ khi áp dụng các giải pháp mới, chỉ cần sử dụng 7-8 mương để đánh đông và thời gian đông tụ rút ngắn xuống còn khoảng 2,5 ngày. Việc duy trì sản xuất mủ thường xuyên làm tăng sản lượng mủ latex và tiền lương của công nhân cũng được tăng lên. Sau nhiều lần thử nghiệm, 2 sáng kiến này của anh Khải đã được đưa vào ứng dụng trong quá trình sản xuất mủ của Công ty. Áp dụng từ năm 2021 đến nay, sáng kiến đã giúp Công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Sáng kiến của anh Khải đã được Tỉnh Đoàn tặng bằng khen gương tiêu biểu trong phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2022.
10 năm gắn bó với công việc, với sự cần cù, chịu khó cùng những sáng kiến trong sản xuất, anh Khải được Công ty tín nhiệm giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ kỹ thuật. “Sự ghi nhận của Công ty và của Tỉnh Đoàn khiến tôi rất hạnh phúc. Tôi sẽ tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty”-anh Khải tâm sự.
Trao đổi với P.V, ông Lương Quang Hiến-Trưởng phòng Hành chính-Thi đua tuyên truyền văn thể, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-khẳng định: Công ty luôn khuyến khích cán bộ, công nhân tham gia nghiên cứu, sáng tạo kỹ thuật. Nhiều sáng kiến, giải pháp được áp dụng vào sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Riêng sáng kiến “Giảm nồng độ NH3 trong bồn tiếp nhận” và “Làm máng hứng nước vệ sinh bồn tiếp nhận” của anh Khải đã góp phần giúp xí nghiệp tăng công suất chế biến, giảm thời gian vận hành, giảm phát sinh mùi hôi phát ra trong quá trình sản xuất mủ skim và tăng thu nhập cho người lao động.
MINH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

Phối hợp quản lý và sử dụng các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai”

(GLO)- Để việc quản lý các nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý mang địa danh “Gia Lai” đạt hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp quản lý và phát triển các nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.