'Không chỉ là người, hacker còn là hệ thống máy có trí tuệ nhân tạo'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một mối đe dọa mới đang diễn ra xuất phát từ nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Trước đây, tin tặc là người cụ thể thì ngay nay có thể là những hệ thống máy dựa trên AI, thực hiện các cuộc tấn công tự động vào các hệ thống khác.
Ông Nguyễn Huy Dũng cho hay, hacker có thể là những hệ thống máy có trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: CTV)
Ông Nguyễn Huy Dũng cho hay, hacker có thể là những hệ thống máy có trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: CTV)
Thông tin trên được ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông Việt Nam 2018 vừa mới diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Dũng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng với Bắc Mỹ là các điểm nóng nhất về an toàn thông tin mạng. Do đó, các cơ quan, tổ chức tại các khu vực này ngày càng phải đầu tư nhiều hơn để bảo vệ các hệ thống. Trên thực tế, tổn thất do tấn công mạng lên tới hàng ngàn tỷ USD.
Nếu như trước đây, hacker chỉ là những người muốn… thử khả năng của bản thân thì bây giờ, tin tặc là những tội phạm có tổ chức rất chuyên nghiệp, thậm chí là có cuộc tấn công mạng giữa những quốc gia thù địch. 
Ông Dũng đưa ra ví dụ tin tặc có động cơ về kinh tế sẽ tấn công vào các hệ thống để đánh cắp những thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng. Tuy nhiên, với các vụ khủng bố hoặc là các phong trào tấn công giữa các quốc gia thù địch thì hacker có động cơ, quan điểm về mặt chính trị đằng sau các cuộc tấn công đó. 
“Những nhóm tội phạm mạng được trang bị tốt nhất thường được các quốc gia tài trợ để tấn công vào các hạ tầng trọng yếu của các quốc gia khác để đánh cắp bí mật quốc gia hoặc phá hủy các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Đó chính là lý do tại sao các mối đe dọa an ninh mạng bao gồm từ những dạng rất đơn giản trở thành những dạng tấn công rất phức tạp và tin tặc sử dụng các công cụ rất phức tạp, tinh vi để tấn công”-ông Dũng nói.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: nakedsecurity.sophos.com)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: nakedsecurity.sophos.com)
Các mối đe dọa an ninh mạng tập trung vào các kỹ thuật như tấn công lừa đảo, tấn công từ chối dịch vụ hoặc phát tán các mã độc thông qua các mạng máy tính ma. Trong năm 2018, các mối đe dọa an toàn thông tin mạng tập trung chủ yếu vào 2 nhóm chính: đánh cắp dữ liệu để lấy thông tin nhạy cảm; mã độc tống tiền.
Để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tinh vi, ông Dũng cho rằng các quốc gia ASEAN cần tuân thủ cách tiếp cận dựa trên 5 trụ cột theo chương trình an toàn thông tin mạng của Liên minh viễn thông quốc tế. Đó là việc phải xây dựng một môi trường pháp lý phù hợp; xây dựng, phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật để bảo vệ các tài sản số, bảo vệ các hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu; xây dựng được cấu trúc về mặt tổ chức (thành lập cơ quan ở tầm cơ quốc gia chịu trách nhiệm về an ninh mạng); xây dựng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước…
Trung Hiền (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.