Làn sóng mới đầu tư vào dữ liệu sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi sự buông lỏng quản lý dữ liệu dẫn đến cuộc khủng hoảng quyền riêng tư kéo dài tại Facebook thì thị trường dữ liệu lại đón nhận một làn sóng mới đầu tư vào dữ liệu sinh học.

Vào tháng 12-2017, công ty CVS đề nghị sáp nhập công ty bảo hiểm Aetna với giá 69 tỉ đô la. Sang tháng 1 năm nay công ty công nghệ Amazon, ngân hàng JPMorgan Chase và công ty chăm sóc sức khỏe Berkshire Hathaway cho biết đang thành lập công ty liên doanh nhằm giảm nhẹ chi phí chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu nhân viên. Và trong tháng 3 vừa qua, Cigna dự tính mua lại dịch vụ quản lý dược Express Scripts với giá 50 tỉ đô la. Nhiều người đã rất ngạc nhiên vì động thái bất thường này. Nhưng các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế biết rằng những khoản đầu tư khổng lồ đó không thấm vào đâu so với lợi ích của dữ liệu lớn từ các dự án đó mang lại cho họ, cho bệnh nhân, cũng như cho sức khỏe cộng đồng.

 

Trong những năm gần đây người ta bắt đầu nói nhiều đến những thành quả y khoa, từ việc thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu sinh học.
Trong những năm gần đây người ta bắt đầu nói nhiều đến những thành quả y khoa, từ việc thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu sinh học.

Dữ liệu sinh học đáng giá 15 lần Facebook

David Friend, Giám đốc điều hành BDO, là nhà tư vấn nổi tiếng cho các trung tâm y khoa, các bệnh viện và các tổ chức chăm sóc sức khỏe. Ông nói rằng những công ty giàu dữ liệu như Facebook hay Google thu về khoảng 200 tỉ đô la tiền quảng cáo mỗi năm. Ông nói tiếp: “(Dữ liệu) chăm sóc sức khỏe đáng giá gấp 15 lần, và nếu chúng ta đầu tư đúng, chúng ta sẽ có 15 Google và 15 Facebook”. Đây chính là đích nhắm mà các công ty công nghệ cùng các đối tác của họ đang ráo riết đầu tư, mà bên cạnh lợi ích của bệnh nhân còn là sự chia phần chiếm lĩnh thị trường béo bở của các doanh nghiệp. Cuộc chạy đua đầu tư vào dữ liệu sinh học mỗi ngày một mở rộng đến cả các công ty bảo hiểm, các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, các công ty dược và các nhà sản xuất thiết bị. Làn sóng đầu tư mới này nhắm đến thu thập và phân tích dữ liệu, khả dĩ định hình lại kỹ nghệ chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế.

Các nguồn dữ liệu lớn mỗi ngày một đắp thêm vào đống hồ sơ khổng lồ, và các công ty công nghệ đang cố chuyển hóa những dữ liệu mới nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng. Verily, công ty về khoa học đời sống thuộc tập đoàn công nghệ Alphabet, đang thiết kế “nền tảng” cho tất cả những dữ liệu sinh trắc học liên quan đến sức khỏe con người, với sự tham gia của 10.000 người tự nguyện. Công ty Apple cũng vừa thêm vào iPhone tính năng tiếp cận tức thời hồ sơ y tế của người sử dụng điện thoại từ nhiều tổ chức y tế lớn, và hợp tác với Stanford để thử nghiệm các thiết bị đeo giúp phát hiện các trường hợp bệnh tim nghiêm trọng. Mục đích cuối cùng của những dự án tiếp cận nguồn dữ liệu khổng lồ này là để cải thiện khả năng chăm sóc bệnh nhân, và nhất là để giảm thiểu các chi phí y tế mà theo trung tâm dịch vụ y khoa Centers for Medicare & Medicaid Services tại Mỹ đang mấp mé tăng thêm 5,3% trong năm 2018 này. Việc chi phí y tế tăng lên hằng năm làm cho nhiều người lo ngại, ngân sách không đủ bù còn người bệnh không còn khả năng chữa trị. Thu thập, khai thác dữ liệu lớn được coi là lộ trình giảm nhẹ chi phí chăm sóc sức khỏe. Đây là một làn sóng chuyển động lớn đa ngành, từ công ty bảo hiểm đến công ty công nghệ, ngân hàng, công ty chăm sóc sức khỏe và các công ty dược

Nhưng Eric Topol, Giám đốc của viện nghiên cứu Scripps Translational Science Institute, nói rằng “Đó không phải là dữ liệu mà là việc phân tích nó. Từ ba hay năm năm trước chúng ta đã có những dữ liệu nằm đâu đó và nay là lúc phân tích và giải thích chúng. Đây chính là điểm thay đổi quan trọng nhất của việc chăm sóc sức khỏe”. Những dữ liệu mà các bệnh nhân để lại trên hồ sơ của họ có thể là điều kiện sinh lý bản thân, tiền sử bệnh án và tình trạng sức khỏe thay đổi, thậm chí cả nơi nào họ đến, họ ăn những gì, họ chi tiêu thế nào, ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày. Cùng với đó là những bảng kết quả xét nghiệm, phim ảnh y khoa, các điện tâm đồ, những toa thuốc, những phác đồ điều trị… Có ai ngờ rằng những dữ liệu đó hiện nay lên đến 750 quadtrillion bytes mỗi ngày, tương đương với 30% tổng lượng dữ liệu mà con người tạo ra. Ngành y tế và chăm sóc sức khỏe nói chung hiện đang chiếm đến một phần năm giá trị trong nền kinh tế thế giới.

“Liều thuốc dữ liệu”

Trong thời gian gần đây người ta bắt đầu nói nhiều đến những thành quả y khoa, y tế từ việc thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu sinh học. Có lẽ hầu hết trong chúng ta còn thấy xa lạ với những viên thuốc mới gọi là “liều thuốc dữ liệu” (data pill) nhằm trị bệnh cho riêng từng người tùy theo bệnh lý và dữ liệu sinh học của họ, đặc biệt đối với các bệnh hiểm nghèo, nan y. Nhưng điều đó đã thành sự thật, những liều thuốc riêng cho từng người đang được sản xuất theo yêu cầu, những hàm lượng như insulin chẳng hạn cho từng bệnh nhân tiểu đường sẽ khác nhau, một loạt những vật mang được thiết kế cho từng người. Những công ty cung cấp hồ sơ cho việc sản xuất những liều thuốc sinh học như Color Genomics hay 23andMe sẽ trở nên quen thuộc. Một tiến trình cá nhân hóa chăm sóc, theo dõi sức khỏe cũng như điều trị bệnh nhân đang được hình thành. Có lẽ sẽ còn nhiều sự thay đổi khi một hệ thống dữ liệu lớn được đưa vào kỹ nghệ y khoa, đến bệnh viện, những trung tâm chăm sóc sức khỏe và mở rộng đến việc chăm lo y tế cho từng người bất kể khi họ sinh hoạt bình thường hay lúc bệnh hoạn.

Dữ liệu lớn đang làm cho chúng ta bớt lệ thuộc vào những lần thăm khám bệnh. Trong khi hàng triệu người mang chứng tiểu đường mà nhiều trong số họ ở dưới chế độ giám sát với việc kiểm tra nhiều lần trong ngày, và cả trong đêm giữa những giấc ngủ thì công ty công nghệ Dexcom lại kết nối thiết bị giám sát glucose tự động với chiếc điện thoại, nơi nó nhận thông tin người bệnh cứ mỗi 5 phút và báo động mỗi khi người bệnh ở trong điều kiện nguy hiểm. Nhưng cái lợi lớn nhất ở đây không chỉ làm cho người được theo dõi vẫn nghỉ ngơi, học hành hay làm việc, vui chơi, mà là bộ dữ liệu nó thu thập được trở thành cơ sở cho phác đồ điều trị, cho chính bệnh nhân và là tài liệu tham khảo cho các bệnh nhân khác dựa vào những thời gian và các hoạt động khác nhau như khi họ ăn một miếng bánh ngọt hay lúc tản bộ ngoài vườn, khi làm việc mệt nhọc hay khi họ nhiễm những chứng bệnh khác.

Những nền tảng phòng ngừa và điều trị tiểu đường như Virta hay Omada Health nay kết nối bệnh nhân với dữ liệu, và các công ty công nghệ như Apple cũng đưa vào đồng hồ thông minh của họ những tính năng thu thập dữ liệu sinh học.

Những chiếc đồng hồ thông minh nay đã có thể báo động cho những người mang nó biết tình trạng sức khỏe và điều kiện bệnh lý của họ, và trong trường hợp kết nối có thể báo động cho trung tâm y khoa mà họ được chăm sóc. Rồi đây các thiết bị cùng với kho chứa dữ liệu khổng lồ trên Internet cũng sẽ giúp cho người mang phát hiện các tiền chứng ung thư hay hội chứng mất trí nhớ Alzheimer ngay khi nó mới hình thành. Chính vì năng lực của dữ liệu mà nhiều người nay đang chuyển qua những sản phẩm cảnh báo bệnh tình mà các công ty công nghệ chuyên về gen như Color Genomics và 23andMe cung cấp cho họ để từ đó biết cách phòng ngừa và làm giảm nhẹ các tai biến. Mark Bertolini, Giám đốc điều hành Aetna mà hiện đang sáp nhập vào CVS, tin tưởng vào phương thức chia sẻ thông tin giữa đơn vị y tế và bệnh nhân với “tất cả nguyên tắc bảo vệ dữ liệu”. Bertolini nói thêm: “Khi chúng tôi có những thông tin về bạn, chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn.”

Dữ liệu lớn làm thay đổi ngành y tế

Một hướng đầu tư dữ liệu khác nhắm đến việc hình thành các trung tâm điều hành bên trong các bệnh viện, và điều này sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc bệnh viện cũng như dưỡng đường hay các trung tâm chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Người ta thấy công nghệ trí khôn nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) sẽ được kích hoạt ngay khi chiếc xe chở bệnh nhân đang trên đường đi, và mọi việc chuẩn bị cho một ca cấp cứu đã sẵn sàng vì người ta biết tình trạng của bệnh nhân và cả thông tin bệnh lý mà họ đã sẵn sàng trong kho dữ liệu. Một trung tâm chỉ huy (command center) tại mỗi bệnh viện sẽ rút ra tất cả những thông tin cần thiết đó, cho dù nó đang nằm tại đây hay ở những nơi khác và cùng với đó là phác đồ điều trị. Nhiều bằng chứng cho thấy tính không thể sai của phương pháp điều hành dựa trên dữ liệu. Jeff Terry, người giám sát dự án GE Healthcare tại bệnh viện John Hopkins, cho biết: “Tại Hopkins, khả năng tiếp nhận bệnh nhân ung thư phức tạp đã tăng lên 60%, giảm bớt 25% số nhân viên cấp cứu, và giảm bớt đến 60% khối lượng công việc kể từ tháng 2-2016 khi một trung tâm chỉ huy được thành lập”. General Electric đang đầu tư mạnh vào các trung tâm chỉ huy dữ liệu cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe.

“Sự thất bại” luôn là vấn đề lớn với kỹ nghệ sản xuất thuốc. Mỗi loại thuốc ra đời là cả một quá trình may rủi với nhiều lần thất bại, và tính ổn định của viên thuốc để có thể đưa ra thị trường cũng là tiến trình gay go. Tất cả những tình trạng đó làm cho việc sản xuất thuốc trở nên đắt đỏ, và chi phí thuốc cho bệnh nhân không thể hạ thấp, nhất là đối với các biệt dược đặc trị. Sean Harper, Giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Amgen ở California, cho biết ngay cả những công thức thuốc triển vọng nhất cũng có đến 90% trường hợp không thể đưa ra thị trường. Cuối cùng ông quyết định đến Iceland tìm hiểu. Harper nhận ra rằng Iceland đã thiết lập một nguồn dữ liệu có liên quan đến sức khỏe mà chưa nơi nào có được. Hơn 160.000 công dân tại đây đã tham gia vào dự án lập bản đồ gen, bổ sung vào đó là những hồ sơ y tế và lý lịch phả hệ của họ. Tất cả các thông tin đó được lưu giữ và quản lý bởi deCode – nơi cung cấp dữ liệu liên quan đến các chứng bệnh, từ ung thư đến thần kinh phân liệt.

Harper đã tìm ra giải pháp và kể từ 2012 dữ liệu di truyền deCode đã giúp họ giảm tỷ lệ thất bại đến mức thấp nhất. Thành công của deCode dẫn đến sự ra đời của khoảng 60 công ty dữ liệu di truyền khác, như Regeneron Genetics Center (RGC) tại Pennsylvania (Mỹ) hay UK Biobank tại Anh.

Anh Vũ/TBKTSG

Có thể bạn quan tâm

Mạnh tay xử lý SIM rác

Mạnh tay xử lý SIM rác

Cục Viễn thông ghi nhận từ ngày 1/3 đến hết 31/3/2024, trung bình 1 người sở hữu từ 4 - 9 SIM điện thoại, tương ứng 7,9 triệu SIM thuê bao có đứng tên giấy tờ.