Tiễn mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi tôi quay trở lại, quán cà phê cũ đã thay bảng hiệu mới. Không còn người chủ quen biết, mái tóc dài đậm chất nghệ sĩ, rành sở thích của vị khách thường đi một mình, luôn mang theo vài cuốn sách, ly cà phê đen thật ít đường, nhạc Trịnh thời kỳ đầu là tôi nữa.
Cô chủ trẻ đón tôi bằng cái nhìn ngạc nhiên. Dĩ nhiên là tôi cũng ngơ ngác trước không gian đã khác của những gì thuộc về một phần kỷ niệm. Tôi cảm thấy tiếc khi không tìm được một hình ảnh từng quen nào còn sót lại. Bức chân dung của nhạc sĩ tài hoa. Gờ đá xanh đầy rêu lún phún. Chiếc chuông gió leng keng treo ở bức rèm trúc. Và bàn ghế, ly tách và kiểu cách phục vụ của nhân viên cũng khác xưa. Để phù hợp thị hiếu và lứa tuổi hay đấy là minh chứng cho sự đổi thay khi thời gian như cơn lốc vô tình cuốn qua cuộc đời mỗi người.
Độ cuối năm ở thành phố này cũng bắt đầu những làn nắng lạnh. Gió se sắt phả đầy quãng phố, hút qua rèm cửa, mang theo hơi sương... Hình như có tiếng chim gọi bầy ríu ran sau tán lá non xanh mé đường. Hình như bước chân người đi về vội vã hơn. Và sự dịch chuyển của mặt trời, màn đêm cũng có gì gấp gáp. Bởi vừa tinh mơ đã tối mịt, bởi vừa nắng dịu đã đêm mưa? Tôi đã lắng nghe sự vận động của đất trời và tự kiểm đếm, vận hành trong tâm trạng về những gì đã trải nghiệm cả những dự định mai này cũng cần sắp đặt. Tôi chợt mỉm cười vì cái suy nghĩ ngớ ngẩn vừa lướt qua, để vẹn nguyên cảm xúc, tôi đón đợi âm thanh quen thuộc xung quanh, đã từ lâu như là một phần của cuộc sống.
Tôi lại nghĩ về những ngày dịch Covid-19 căng thẳng nhất, quán cà phê quen và ông chủ nghệ sĩ, mê nhạc Trịnh. Nghe đâu ông đã về quê, một trang trại rộng rãi ở Kbang. Tôi lại nghĩ về lũ chim thường bay về làm tổ trên tháp chuông nhà thờ. Bọn chúng có cảm giác bồn chồn sợ hãi như con người trước thông tin về dịch bệnh không nhỉ? Hình như trong suốt những ngày tháng đớn đau, mất mát ấy, tất cả đều lặng im, nhưng sự đổi thay vẫn luôn tiếp diễn như những nhịp chuông ngân vang vào từng giờ, khắc để báo hiệu sự thay đổi của một con người. Có thể họ sẽ an bài, sống một đời sống khác, tuyệt vời hơn, ở một thế giới khác. Và dù sự thay đổi nào, bao giờ tiếng chuông cũng mang đến một cảm giác thật khó tả: Không quá buồn nhưng cũng không thực sự dễ chịu, cứ gieo vào lòng khi hối thúc, khi nức nở.
Tôi đã vô tình bị ám ảnh bởi âm thanh ấy giữa xô bồ những tiếng còi xe cứu thương hú gọi. Thời khắc bất chợt nghe âm thanh này, lạ thay khiến lòng người dậy lên bao tha thiết với cuộc đời, ngay khi còn có thể.
Phố núi giờ này chừng như say giấc. Những con đường nằm im thiêm thiếp trong hơi lạnh, trong xao xác tiếng lá rơi đầy hè phố. Ở nơi Phố núi, đặc trưng là sương mù thường phủ choàng cây lá bên sườn dốc co ro. Nơi những con đường dẫn ra ngoại ô thênh thang, đầy cỏ, chạy dài, những nương rẫy trập trùng, xanh ngút mắt. Ở nơi đó có những con người tôi đã quen thân, cả những người vừa gặp nhau mà ngỡ biết nhau từ lâu bởi cái tình cảm chân thành và hào sảng.
Năm 2021 sắp trôi qua. Một năm ta quen với những thông tin được mặc định rằng cần phải như thế này, phải như thế kia để phòng-chống dịch. Một năm hình như chiếc khẩu trang luôn gắn liền với khuôn mặt, nụ cười chỉ lộ qua ánh mắt. Một năm ta đã biết yêu thương đến nhau nhiều hơn dẫu khoảng cách giao tiếp có thể xa hơn. Năm 2021 khiến trái tim con người đôi khi căng phồng, tự kìm lại không muốn để nó đập nhanh bởi sợ hãi khi đối diện với thông tin không tốt. Khi chúng ta đã có rất nhiều cuộc hẹn với bản thân, với những yêu thương… nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà cứ chần chừ, do dự... Cuối năm rồi, đừng hẹn lần hẹn lữa nữa, hãy thực hiện điều mong ước của mình!
Những tờ lịch cuối cùng của năm cũ sắp rơi, chặng đường phía trước rộng mở, chào đón. Ngắm những hàng cây trầm tư bên phố, tôi chợt  mỉm cười khi nghĩ đến những thay đổi tích cực vào năm sau. Những con đường dang tay đón đợi, gợi nhớ những khuôn mặt bạn bè đầy yêu thương gắn bó.
SƠN TRẦN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.