Ký ức dong riềng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lần lên Chư Đang Ya để chụp hình cưới cho đứa bạn thân vào mùa dong riềng, tôi ngỡ ngàng thốt lên: “Trời ơi! Đẹp như một bức tranh vậy!”. Thế rồi, trước thung lũng mướt xanh lá và đỏ rực hoa dong riềng, tôi cứ ngơ ngẩn ngắm nhìn.
Từng sợi nắng xiên xuống vắt lên những cánh hoa, chiếc lá còn đọng sương sớm tạo nên đường nét lấp lánh phủ lên núi đồi trong hình hài của chiếc bát úp. Những đứa trẻ theo mẹ lên rẫy tung tẩy chạy đuổi theo chú cào cào bay ẩn nấp đâu đó trên những chiếc lá. Có đứa bẽn lẽn ngắt búp hoa dong riềng cho vào miệng nếm vị ngọt của mật hoa. Tiếng cười đùa trong trẻo góp vào không gian ban mai nơi miền sơn cước thêm màu sắc rộn rã, bình yên.
Cả bầu trời tuổi thơ hiện về trong tôi.
Có lẽ những ai có tuổi thơ gắn liền với đồng quê, ruộng vườn thì khi nhắc đến cây dong riềng sẽ chẳng thấy lạ. Với tôi, loài cây ấy không những đẹp bởi chúng có những bông hoa đỏ thẫm dàn trải cả khu vườn làm cho khoảng không gian nhà tôi trở nên thơ mộng hơn mà còn đẹp bởi cảm giác no nê, ấm bụng.
Tôi sinh ra ở mảnh đất miền Trung, nơi nắng lắm, mưa cũng nhiều. Bố mẹ tôi làm nông. Năm nào, khoảng đất rộng phía sau nhà cũng được mẹ dành để trồng dong riềng. Mà không chỉ có nhà tôi, thuở ấy, hầu như quê tôi hộ nào đến mùa cũng có một vạt dong riềng phía sau nhà. Ba mẹ trồng dong riềng để có thêm lương thực cho mùa giáp hạt, trong khi lũ chúng tôi thì thích thú khi được đổi khẩu vị bằng những món ăn từ củ dong riềng ngọt bùi sau những ngày đã ngán với mì, khoai độn cơm.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Khi nhẩm tính dong riềng đã đủ ngày đủ tháng, mẹ ướm thử đôi bụi, bẻ củ rửa sạch cho vào nồi luộc. Giữa chiều chơi nghịch chạy vào nhà uống nước, nhìn thấy rổ dong riềng mẹ vừa mới luộc xong, hơi bốc nghi ngút… mỗi đứa nhanh tay bốc lấy một củ, vén gấu áo đùm vào cho khỏi nóng tay, chạy ù ra gốc cây vừa thổi vừa ăn. Dong riềng luộc có vị ngọt, bùi khiến cho cái bụng lưng lửng réo rắt sau trận chơi đùa chạy nhảy của tụi trẻ chúng tôi êm hơn.
Đến mùa thu hoạch, mẹ cân bớt cho bác bán buôn rau củ ở chợ để đổi lấy chút tiền thêm vào cho việc học hành của chúng tôi. Phần còn lại, mẹ xay lọc lấy bột. Củ dong riềng khi được xay nhuyễn thì để qua đêm, thỉnh thoảng bóp, quấy cho tinh bột rời ra khỏi xác. Sau đó, dùng vải màn để vắt tách tinh bột ra khỏi phần xác. Đổ tất cả nước tinh bột vắt được cho vào chậu tráng men sạch để qua đêm, chắt bỏ nước trong. Cứ làm như thế đến bao giờ nước trong veo, lớp bột đọng dưới đáy chậu trắng tinh thì đem ra, bẻ từng miếng nhỏ, phơi cho ráo nước, rồi phơi lại cho thật khô nơi thoáng gió, không có nắng gắt. Phần bột ấy mẹ cho vào hũ đậy kỹ, thi thoảng lại mang ra thết đãi cả nhà món chè hay chế biến thành món miến dong. Đó cũng là phần quà quý đầy thương yêu mẹ thường gửi biếu các bác trên thành phố vào dịp Tết.
Có những buổi trưa, chị em tôi mất ngủ vì thấp thỏm chờ nội đi giỗ chạp nhà hàng xóm. Mắt nhắm ngủ nhưng thi thoảng lén nhìn qua cửa sổ, chỉ cần thấy bóng bà về từ xa là chúng tôi chạy ùa ra đón. Bao giờ bà cũng lấy từ túi ra túm quà gói trong chiếc lá dong riềng. Túm quà ấy có khi là quả quýt, cái bánh ít, cái trứng cút… Chỉ thế thôi nhưng đong đầy tình thương của bà và cả sự háo hức, thích thú của chị em tôi.
Tôi đã đi qua tuổi thơ với nhiều mùa dong riềng như thế. Dong riềng đỏ vườn nhà, xua đi cái khô cằn, nắng nóng khí hậu miền Trung. Dong riềng thơm thảo ấm bụng trong tô miến dong ngày Tết của mẹ… Để bây giờ gặp lại màu hoa ấy trên thung lũng của mảnh đất Tây Nguyên, những ký ức cứ thế hiện về vừa nhớ thương, vừa vương vấn.
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.