Mẹ quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mẹ luôn tắt ngay công tắc điện sau khi sử dụng. Cả nhà ai cũng thuộc quy tắc tiết kiệm điện của mẹ. Bước ra nhà sau phải tắt ngay bóng đèn nhà trước. Khi đi vệ sinh xong vào phải tắt ngay. Tắm xong bước chân chưa kịp hết nước, vô nhà lau chân, chân vừa chà chà trên tấm khăn, tay vừa thò vào gạt cần máy nước nóng xuống. Bóng đèn nhỏ lẫn bóng đèn lớn, bóng đèn màu, cái nào bật khi nào, tắt khi nào… Tôi bị nhiễm như vô thức. Đi ra và đi vào, thao tác nhanh gọn, nhiều khi không để ý.
Xả nước phải tiết kiệm. Nước dùng phải có mục đích. Mẹ lau đủ các thứ trong nhà, từng đường kẽ trên miếng gạch bông, nhăn nhó khi nhà bên cạnh cắt xẻ gạch khiến bụi bay đầy nhà, khó chịu khép cửa khi hàng xóm đốt vàng mã thả bay sang cổng nhà, bực dọc khi cha con tôi dắt xe vào nhà làm hằn lên nền gạch một vết đất cát. Tôi thấy bức bối. Khi quá chăm sóc lau dọn đồ dùng, tức là bản thân mình đã bị lãng quên?
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mẹ là một siêu nội trợ. Tất cả chén bát, đĩa tách gia đình thường xuyên sử dụng chỉ được để trong một kệ duy nhất. Tôi phải xếp từng cái chén theo từng loại, chén to chén nhỏ, bát sứ, bát nhựa, bát thủy tinh. Đồ dùng đựng nước mắm để ở kệ cuối cùng, tất cả các loại nắp đậy đều chồng lên nhau vừa khít.
Mẹ luôn cằn nhằn tôi. Tôi chưa thấy ai cằn nhằn tôi nhiều hơn mẹ. Khi ngồi nhổ tóc sâu, mẹ luôn nhắc tôi rút bớt những phích cắm nếu không cần thiết. Mẹ sợ những vụ cháy nổ như báo đài đưa tin. Mẹ sợ không an toàn. Ở trong nhà, lúc nào mẹ cũng chốt cửa ngoài. Mẹ nhớ nhiều đến nỗi tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ bị quên thứ gì. Nhổ tóc sâu xong, mẹ sẽ nhắc lại tôi một lần nữa.
Thế mà…
Một hôm tôi thấy quạt chạy dù gần đó chẳng có ai. Đèn bật vô cớ. Cũng không có lời nhắc nhở nào. Vài lần tôi nghe mẹ nói, mẹ quên cắm điện nồi cơm rồi nhé, nhưng không sao đâu, mẹ cắm lại rồi, đợi tí là sẽ ăn được thôi. Tôi phải tập làm quen với điều đó, sau hai mươi mấy năm nhuần nhuyễn đợi mẹ nhắc làm cái này cái kia. Có lần mẹ nhớ. Có lần mẹ quên. Mẹ đi ngang qua và bỏ quên những câu hỏi lửng của tôi. Mẹ không còn nhanh nhạy để phân tích mọi lẽ mà không chừa một khoảng trống nào. Tôi không thể bắt mẹ nhớ quá nhiều thứ khi tuổi tác ngày một nhiều thêm.
Mẹ ốm. Viêm xoang. Tôi đã đi qua tuổi thơ với bệnh viêm xoang của mẹ cùng đủ loại thuốc. Thêm vào đó, căn bệnh rối loạn tiền đình cũng khiến mẹ thường bị ngã bầm chân. Làn da nhạy cảm rất khó lành, như tâm hồn của mẹ. Lúc này, khi rửa giúp mẹ vài cái chén, xếp vào kệ, tôi bối rối một hồi cũng không thể xếp theo quy tắc của mẹ ngày xưa. Tôi đã ra ở riêng và từng càu nhàu với không gian sống chật chội của mình trong thành phố. Lúc đó, mẹ không khuyên tôi cố gắng mà chỉ nói, có người còn ở chật hơn mà vẫn sống được. Mọi việc là do mình tự sắp xếp. Tôi đau lòng với những lời khuyên cứng rắn và có phần trách cứ của mẹ.
Mẹ hay quên, nhưng có những điều mẹ vẫn nhớ. Hàng đêm mẹ xem một trang báo nào đó và sáng hôm sau kể lại; bàn về một bộ phim và kết thúc phim; nhắc đến kênh truyền hình buổi sáng với những cô gái mặc áo dài ngồi ngay ngắn điểm tin và bình luận… Buổi chiều mẹ vẫn lau nhà và tối vẫn đổ rác sớm. Tôi đã từng khó chịu vì các nguyên tắc của mẹ, nhưng giờ đây lòng lại mang mang một nỗi buồn. Khi một ngày tôi nhận ra, mẹ đã không nhớ chạm ngón tay tắt công tắc điện nữa rồi…
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.