Mùa thay lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối năm, trời xam xám khói, trĩu nặng như bị ai trì xuống. Gió vẫn từng đợt thổi như trút cho hết mùa đông. Tôi tự nghĩ, không biết năm nay có ai về sớm phụ ba lặt lá mai?
Đến tối, nằm coi ti vi, thấy nhà đài đưa tin năm nay các vườn mai nở sớm, thiệt hại quá chừng. Lại bất giác nhớ nhà, giờ này chắc mấy cây mai già cũng đang dần thay lá. Hôm trước nghe ba kể, đám mai mới trồng trong vườn có lẽ ham vui quá, mới thấy có vài tia nắng le lói ban trưa cứ tưởng mùa xuân đến sớm nên te tái bung nụ trở lộc luôn rồi. Nhưng với ba, mấy cây mai mới trồng đó không cần phải quan tâm bởi ba đã có cây mai lão để chơi rồi. Ba cười khà khà: “Cứ để tụi nó tự ra bông vậy, đồ... ngựa non háu đá, cứ như tuổi trẻ ấy, phải có sai lầm mới ngộ ra được”.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Quả vậy, chỉ có cây mai già mốc cời, có từ lúc nào chẳng biết mới được ba chú ý, chờ đợi. Tùy mùa gió, tùy nắng để canh ngày lặt lá, chứ cây mai già này nhớ mùa, nhớ gió lắm, nó không vội vã trút lá đi mà lẩn thẩn giữ lại đầy cành. Đến cả vài đợt gió bấc mà nó cũng chỉ chịu cho đi dăm chiếc lá vàng gọi là chứ kiên quyết không hơn. Thế nên năm nào cũng vậy, việc oải nhất không phải là dọn nhà dọn cửa mà là theo ba lặt lá mai.
Cây mai to bằng cả khoảng sân rộng nhà người ta, án ngữ gần hết góc vườn quang quẻ, cả năm nó cứ um tùm lá xanh tốt, chả ai thèm để ý đến. Xuân về, khi ba chọn ngày lặt lá là cả nhà rộn rịp hẳn, phải đi mượn thang, bắc giàn như giàn giáo rồi huy động lấy bốn, năm người xúm vào lặt. Xung quanh cây mai toàn những chuyện là chuyện, ai có gì góp nấy, từ làng trên xóm dưới, từ trong nhà ra thế giới, chuyện này nối tiếp chuyện kia quên cả mệt. Với lại cũng đã gần Tết nên ai nấy đều vui vẻ phấn khởi chia việc, chia người để phụ ba.
Nhưng đó đã là chuyện của những ngày xưa lắm, ngày chúng tôi còn nhỏ, chưa đi học, đi làm xa. Bây giờ, đến cận Tết chúng tôi mới về, chỉ lo sắm sửa, dọn nhà được chút nào thì dọn, không thì giao phó luôn cho ba mẹ để đi tụ họp bạn bè. Việc lặt lá mai cùng ba lùi sâu vào ký ức, chả đứa nào thèm biết tại sao cây mai nhà mình vẫn cứ canh đúng Tết mà bung hoa bừng sáng cả góc vườn. Vậy mà đứa nào cũng sung sướng tự hào khoe với đám bạn rằng cây mai nhà mình to nhất xóm này, đẹp nhất xóm này, rồi chụp hình tự sướng khoe Tết, để tự thấy Tết đủ đầy…
Tôi bấm máy gọi về, nghe tiếng ba hồ hởi: “Ba lặt lá mai xong rồi, mấy đứa đặt vé xe hết chưa? Khi nào về? Năm nay cây mai nhà mình chắc bung đẹp nhất xóm đó con…”.
Kim Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.