Chuyện một cái cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi là một cái cây ở trung tâm thành phố. Chưa hẳn là cổ thụ nhưng thân tôi rất to và cao. Tôi vươn cao đến nỗi một phần thành phố đều nằm dưới tầm nhìn những nhánh cây của mình.

Lá thì sum suê. Tôi có nhiều nhánh, mỗi nhánh có đến cả ngàn chiếc lá. Mỗi chiếc lá là một linh hồn nhỏ lửng lơ, lung lay trong cuộc đời này. Tôi yêu những chiếc lá của mình, tôi thầm dâng cho chúng những ngọn nguồn sống, để chúng xanh và để thân tôi già cỗi. Tôi đã được dạy từ nhỏ, rằng như thế là biểu hiện của tình thương. Khi thân tôi già cỗi tức là tôi đã yêu thương thật lòng, thật hết mình. Nhìn những nứt nẻ, trầy tróc trên thân mình, tôi càng yêu thêm nơi này. Không có gì có thể ngăn cản tôi thêm yêu nó.

Khi những chiếc nhánh bắt đầu lớn và xòe rộng, tôi biết mình sẽ đón chào những màu xanh non từ một chấm nhỏ nhú lên rồi bung ra. Tôi biết mình chỉ có thể chỉ đứng im một chỗ, dù mọi chuyện có diễn ra thế nào. Xét cho cùng, một cái cây với bản tính không thích di chuyển, mang trên mình quá nhiều cành lá rườm rà thật khó để nghĩ tới chuyện làm khác đi. Tôi nhìn xuống thân tôi xù xì để biết mình đang trong quá trình yêu thương. Khi gió lớn thổi qua, tôi cảm thấy có một sự rúng động. Những chiếc lá trên thân như muốn bứt rời bỏ theo gió. Cũng không hẳn là lìa cành. Mà là một sự khao khát. Một sự rướn mình. Lắt lay uốn mình càng nhiều, càng thể hiện khao khát đó. Mỗi lần như vậy, tôi cảm nhận được sự đau đớn nhói lên nhè nhẹ, dìu dịu. Nỗi đau đớn cho khát vọng rời xa. Và nỗi đau đớn cho những chiếc lá con của tôi. Chúng sẽ bay đi mà không biết bến bờ nào dừng lại.

 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG



Ban đêm, có một cô gái thường đứng chờ chàng trai của mình dưới gốc của tôi. Lúc ấy, những đám lá lại ùa lên vui nhộn. Gió từ biển thổi vào ngút ngàn. Chúng nó hùa theo đó mà vang lên. Xào xạc xào xạc. Thế rồi bao lần họ hôn nhau, quên đi sự có mặt của tôi và bãi cỏ xanh dưới chân họ ngồi. Tôi ước gì mình cũng được hôn một cái cây nào đó…
 

*

*      *



Chọn một ngày trước cơn bão, tôi thông báo với những chiếc lá xanh: Ngày mai là cơ hội tốt để các con ra đi. Hãy cuốn theo từng luồng gió và nước và cuộn xoáy để mang mình đi xa. Nếu một lúc nào đó có cơ hội, gửi gắm ai đó một vài dòng tình cảm để gửi về ta, nếu ta còn ở đây. Tôi vừa nói vừa kiểm tra xem phần rễ của mình. Khi xem lại những vết thương trên người, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình cũng có nhiều vết thương và sẹo biết nhường nào. Tôi nhận ra, người ta dành quá nhiều thời gian để sống với những cơn đau bệnh và lẩn tránh thời tiết khắc nghiệt.

Khi cơn mưa đến, khi bão tố quật trời, tôi đâu có thời gian để chìm vào những lời nói nào khác nữa. Chiếc lá con nào bay thì cứ bay. Chiếc lá cứng cỏi nào ở lại thì cứ ở. Riêng tôi, tôi chưa biết rằng mình cũng sẽ bay đi. Bay là một khái niệm thật xa vời đối với tôi. Vậy mà tôi đã bật gốc. Khi chưa biết yêu và hôn là gì.

Tôi bị bật gốc trong cơn bão khiến những chiếc lá cũng bất ngờ bay theo. Trong tia chớp sáng nhoáng, tôi thấy dường như cả thành phố đã bị cuốn trôi ra đại dương. Còn tôi vẫn đang bay. Có lẽ là choáng. Rồi xung quanh mọi thứ chỉ còn một màu. Những chiếc lá con đã thông minh hơn khi chúng rời tôi mà đi.

Ngay cả tôi cũng không tin rằng mình sẽ bị bật gốc. Thôi từ nay hết yêu đương, hết say mê. Cả người con gái hay đứng tựa vào tôi lúc đợi người yêu, tôi cũng sẽ không còn được gặp em nữa. Và cả cái thành phố ấy, những ánh đèn về đêm trầm lắng suy tư ấy cũng sẽ chẳng còn thấy tôi.

Tôi ráng ngẫm lại xem tại sao mình lại bị bật gốc. Những yếu tố nào. Con sâu điên cuồng nào đó, hay bão, hay thân tôi lười biếng rễ cùn mòn, bị những chiếc lá non tác động ngầm vào suy nghĩ hay tất cả những cái đó. Tôi đã chuẩn bị cho đời sống của một thân cây bền bỉ và dai dẳng, tôi đã nén mình sống ẩn dật và thong dong tự tại, tôi đã vươn mình kiêu hãnh. Vậy mà giờ đây, khi chính thân mình đã bị bật gốc, tôi không rõ đó có đúng là ước nguyện của lòng tôi thầm kín hay là một khách quan tạo cơ hội mới để tôi đổi thay nghĩ suy. Rồi đây thế giới có rộng ra hơn không?

Và giờ đây tôi không còn trông chờ những tin tức từ lá non về cuộc sống mới của chúng. Bởi chính tôi cũng đã có một cuộc sống mới ngoài sức tưởng tượng. Cơn bão thật êm ái. Nó xô tôi đi, đẩy tôi đi.

Cơn bão đã đẩy tôi đến một bờ biển. Ban đầu, tôi nằm chơ vơ trên cát. Gốc rễ cái ra đi, cái ở lại, cái đứt lìa. Những nhánh cây cũng tương tự. Một sự chia tay quá bất ngờ. Tôi chẳng kịp khuyên nhủ gì chúng. Thôi tôi cũng mặc định rằng chúng sẽ sống được với cuộc đời của riêng mình.

Nơi này, người ta không yêu nhau bằng những nụ hôn. Đa phần họ đều lớn tuổi và mất đi một phần nào đó của cơ thể do bệnh phong. Ban chiều, họ ra sưởi nắng. Họ mỉm cười với nhau, đi chậm. Nơi này có cả trẻ con. Và chúng nó tò mò về tôi. Đứa thì nhảy lên thân tôi đi chệnh choạng. Đứa thì ngồi lắc lư. Đứa thì bứt xé thân tôi tê tái. Những bàn tay và bàn chân trẻ con non thơ làm tôi thấy thân mình cũng mới mẻ. Những ngón tay cụt lủn của bọn chúng tìm tới tôi như một niềm vui, một trò chơi. Chúng rải cát lên người tôi. Đổ nước biển lên thân tôi. Chúng cười giòn tan. Tôi hít thở không khí nơi này. Và tôi nhận ra rằng, cũng có những bàn tay khác chạm vào tôi bằng một tinh thần hồn nhiên không kém phần nâng niu. Tôi thầm cảm ơn cơn bão đã mang tôi đến đây. Nếu không, làm sao tôi có thể có được những cảm giác lạ đến thế này.

 

*

*      *


Một vài ngày sau, người ta đã phát hiện ra tôi. Những người lớn trầm tĩnh đem tôi vào và bàn bạc. Có lẽ tôi sẽ trở thành một vật gì đó, vì tôi không thể trở thành cái cây như ngày trước. Họ đã quyết định biến tôi thành một chiếc ghế gỗ dài và vẫn đặt tôi nằm bên bờ biển. Lúc này, tầm nhìn của tôi bắt đầu chuyển từ tầm cao xuống tầm ngang. Nhìn thẳng ra biển, tôi thấy sóng, thấy màu cát, thấy trẻ con và cả người lớn bơi lội. Thật kỹ càng. Ngày trước, tôi chỉ chú ý tới gió, tới mây trời và biển rộng chung chung chứ có hề biết những người bạn bên biển họ sinh động và tươi mát như thế nào. Hay tinh thần của biển rộng mở hơn tôi, một cái cây với suy nghĩ của riêng mình, nên ai đến với biển cũng thấy mình như khác biệt đi và muốn dấn thân vào bao chân trời mới mẻ. Ngoài khơi, xa và xa nữa. Biển dập dềnh cố định nhưng lại không cố định. Chiều xuống đến đêm, những người yêu nhau xuất hiện. Họ đi dạo dọc bờ biển, rồi khi mỏi chân thì họ ghé vào chỗ tôi. Họ bàn chuyện đời sống, chuyện tương lai. Đôi khi, họ chỉ nghỉ chân và không nói gì mà chỉ khoác hờ tay nhau, tựa đầu vào vai nhau. Chẳng lẽ bây giờ tôi lại ước gì mình cũng được tựa đầu vào một chiếc ghế gỗ dài nào đó…

Nơi đây không có đèn đường. Đến đêm, tôi chú tâm rõ nhất vào những vì sao và ánh trăng. Ánh trăng rải khắp mặt biển, những vì sao nhảy nhót trên mặt biển. Tôi thấy mình cũng mềm ra trước sự sóng sánh ấy. Và tôi chợt nhớ những chiếc lá con. Những màu xanh khao khát ra đi. Chúng đã đến với chân trời nào rồi? Còn thành phố của tôi ngày ấy giờ ra sao, tôi không bận tâm nữa. Vì tôi nghĩ rằng, sẽ có một lúc nào đó tôi lại ra đi.

Nguyễn Đặng Thùy Trang

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.