Bí mật của bố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông về mà lo nhà cửa vườn tược, tôi đi đây!
Sau khi nói với bố tôi bằng giọng lạnh te, không kịp nghe xem ông trả lời thế nào, mẹ khóa máy, tháo sim điện thoại vứt qua cửa sổ. Ngoài cửa sổ là ao rau muống đang mùa khô cạn, dâng lên mùi sình lầy. 
Tiếng thở dài vuột ra từ lồng ngực mẹ, trôi tuột vào không trung yên ắng. Tôi hỏi dò: “Bố không về thì sao?”. “Thì tao vẫn đi”. “Con thì sao?”-tôi hoang mang. Miếng mía đang nhai trệu trạo trong miệng như bã ra, lẫn cả vị đắng chát. “Mày qua chùa với dì Ba. Mà mày cứ đợi đi, nhất định ông ấy sẽ về”. Dì Ba là em ruột mẹ tôi, làm công quả, sống dựa vào nhà chùa gần chục năm nay.      
Từ lúc bắt đầu có ý thức, tôi đã biết tủi thân khi mẹ không giống mẹ của đám bạn. Bà luôn xưng hô “mày, tao” với con. Nếu không có lần bà vô tình nhắc chuyện đẻ rơi tôi khi đang đi xem ca nhạc ngoài bãi biển, có khi tôi còn nghi ngờ mình là con riêng của bố, bà chỉ là mẹ kế. Tình cảm mẹ dành cho tôi quá mong manh, khác với sự thương yêu bố dành cho tôi. Do đó, chuyện bỏ tôi lại mà ra đi theo ông Phú “bệu” tôi tin mẹ rất dám làm. 
Mẹ sinh tôi năm mười sáu. Hai năm sau đó, đủ tuổi kết hôn, mẹ mới cưới bố tôi. Nhiều người ác miệng đồn rằng bố tôi là người đổ vỏ. Ông chỉ im lặng, không buồn bực, không thanh minh người đời. Ông thường nói với tôi: “Con là con gái bố”. Tôi tin vậy, bởi nếu có một cán cân đong đếm tình cảm sẽ thấy bố dành tình thương cho tôi gấp bội so với mẹ. 
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
*
*    *
Rời xưởng đá mỹ nghệ, bố tôi trở về với một thân hình gầy guộc, đôi mắt sâu trũng. Để có tiền gửi về mỗi tháng cho mẹ con tôi, bố tôi xa nhà hàng tháng, sút vèo hơn chục ký lô sau 1 năm suốt ngày cúi mặt đục đẽo đá mỹ nghệ. Hai tay ông chai sần, gồ ghề. Hy sinh vậy nhưng mẹ vẫn ra đi. Mẹ không cam chịu cảnh nghèo. Ông Phú “bệu” có đủ vốn liếng vào Sài Gòn sinh sống và mở cửa hàng cầm đồ cho mẹ đứng ra cai quản. Mơ ước sang giàu của mẹ chưa bao giờ lớn hơn thế.
Bố ốm gần ba ngày. Tôi biết ông thất vọng cùng cực khi trở về không kịp níu chân mẹ. Khi gượng dậy, ông trao tôi chiếc nhẫn vàng nhỏ xíu: “Cho con đấy, bố định tặng mẹ con nhưng chẳng biết còn gặp lại được không. Con giữ lấy sau này làm của hồi môn”. Lặng đi một lúc, ông nói: “Chắc bố quay lại xưởng đá. Ngày mai bố gửi con vào làm công quả với dì Ba bên chùa nhé. Tạm thời con cứ ở bên đó với dì, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng”.
Tôi thấy cơ mặt mình xô xệch lại, giọng khàn đặc, hụt hơi: “Bố ơi, con trả vàng cho bố đấy, con không nhận đâu. Bố ở lại với con hoặc đi đâu cho con theo, đừng gửi con đi đâu hết”. Sau khi khóc chán chê vì không thuyết phục được bố, tôi ngủ thiếp đi và tỉnh dậy với đôi mắt sưng bụp. Bố nhìn tôi đắng đót: “Trời ơi, sao tôi lại làm con gái tôi khổ thế này”.
Ông không gửi tôi vào chùa mà bán chỉ vàng dự định làm của hồi môn, lấy lộ phí hai cha con cùng đi. Bố đùa: “Coi như bố mượn con vậy”. Khi dọn đồ, bố tỏ ra rất cẩn thận với một chiếc hộp bọc kỹ giấy báo. Ông tảng lờ như cố ý che giấu một bí mật mỗi khi tôi hỏi có gì trong đó. Khép lại cánh cửa gỗ ẩm mục, bố cười nhẹ: “Nơi này có quá nhiều đau buồn. Nhưng bố con mình không nên bán, để giữ đó còn có khi muốn quay về. Hoặc có khi mẹ con còn quay về”. 
*
*    *
Ở xưởng đá mỹ nghệ, bố tôi là người rất được lòng ông chủ và con gái ông. Công bằng mà nói, sống hay làm ở đâu bố đều được lòng hầu hết mọi người nhờ tính hiền lành, chăm chỉ và giỏi tay nghề. Ngoại trừ mẹ tôi, bao năm ăn ở với nhau, dù cố gắng cỡ nào cũng chưa bao giờ tôi thấy bố làm gì vừa lòng mẹ.    
Ông chủ xưởng đá mỹ nghệ của bố có cô con gái tên Mai ngoại tứ tuần chưa chồng. Cô Mai phải lòng bố tôi từ lâu nên tỏ ra quan tâm bố con tôi nhiều khi biết mẹ tôi đã bỏ đi. Cô thường xuyên nấu cà ri gà, bò kho thơm lừng, bỏ riêng một cà mèn đầy ắp dúi vào tay bố ép bố mang về sau mỗi buổi làm. Lâu lâu cô còn gửi bố tôi những bịch quà nho nhỏ cho tôi. Mở ra là những bộ đồ lót xinh xắn. Trước đây, mẹ chưa bao giờ mua cho tôi loại đồ ấy nên khi nhận của cô tôi luôn rưng rưng một cảm xúc rất đặc biệt.
Có lần tôi nói bố: “Cô Mai để ý bố đó”. Bố im lặng. “Mẹ bỏ bố con mình đi lâu rồi, bố quên mẹ đi”. Lúc này, bố lắc đầu nhìn tôi: “Dù bố có quên hay không thì con cũng không bao giờ được phép nói như vậy. Con chỉ có một người mẹ trên đời thôi”. “Con biết bố chưa bao giờ quên mẹ. Nhưng con thà không có mẹ còn hơn...”. Đáp lời tôi là cú bạt tai mạnh như trời giáng. Lần đầu tiên bố đánh tôi. Lần đầu tiên tôi cãi bố. Không chỉ đau vì cú đánh, tôi nghe rõ tiếng đổ vỡ trong lòng mình. 
*
*    *
Dì Ba gọi từ quê ra kể, mẹ tôi sau khi chạy theo ông Phú “bệu”, thoát khỏi cảnh nghèo khó thì ông này lại nhanh chóng “lên đời” cặp ngay cô gái trẻ trung khác. Đó là vài năm về trước. Bây giờ, mẹ ngày càng tiều tụy khi vừa trải qua một đợt nằm viện dài vì tai biến. Mẹ chỉ còn có thể ngồi một nơi khóc cười, có vài cử chỉ ra dấu đơn giản như trẻ con... Dì Ba đã đón mẹ vào nương nhờ ở chùa. Bố bật khóc hầng hậc khi nghe tin. Tôi thấy lòng mình có chút hả hê, có chút cám cảnh, ái ngại đan chen nhau.  
Bố quyết định quay về mái nhà xưa. 
Trở về, bố tháo cánh cửa ẩm mọt cũ, đóng một cánh cửa mới vào. Tự tay bố thoăn thoắt tô lại áo vôi mới cho căn nhà cũ và mở toang những cánh cửa đón gió, đón nắng ùa vào. Bố nheo mắt nhìn tôi: “Hai bố con mình qua chùa xin phép dì Ba đón mẹ con về được rồi”. Tôi thủng thẳng: “Coi bố kìa, sung sướng như thể đón cô dâu mới”. Niềm hạnh phúc, bồi hồi đong đầy trong mắt ông, ông chẳng đếm xỉa tới lời giễu của tôi.  
Bố rưng rưng nắm lấy tay mẹ. Ông nói: “Mình quay về, tôi mừng…”. Giọng ông đứt quãng vì xúc động. Mẹ không còn nói được nữa. Bà khóc nấc nghẹn không thành tiếng, nước mắt chảy dài trên gò má xanh xao. Gục đầu trong lòng bố tôi một chốc, bà đưa mắt kiếm tìm. Mắt bà vẫn còn sũng nước, ánh lên nét vui tươi khi nhìn thấy tôi. Nhìn ánh mắt ấy tôi thấy lòng mình dịu lại. Bà khó khăn nhấc tay vẫy vẫy. Khi tôi ngồi bên, bà dùng ngón trỏ khó nhọc nguệch ngoạc ba chữ: “Mẹ xin lỗi”.
Tôi nói với dì Ba rằng, thấy mẹ quá tội nghiệp nên tôi gật đầu khi bà xin lỗi nhưng thực lòng tôi không muốn vậy. Và cái ngày mưa gió bão bùng mẹ bỏ tôi một mình ở lại để chạy theo ông Phú “bệu” thì mới như vừa hôm qua. Dì Ba trầm tĩnh: “Con đủ lớn để có quyền biết điều này. Con không phải là con ruột của bố. Ông ấy và mẹ con học chung trường cấp III với nhau. Ông yêu đơn phương mẹ con và đã cưu mang mẹ con ngay từ những ngày bụng mang dạ chửa, bị người yêu lường gạt. Ông ấy tha thứ cho mẹ con bao nhiêu lần tưởng chừng ghê gớm không thể vượt qua. Vậy sao con không thể tha thứ cho người từng chung núm ruột với mình, có công sinh thành mình?”.
Tôi quặn thắt trong lòng. Nhiều lần bất ngờ về bố, nhưng đây có lẽ mới là lần bất ngờ nhất khi tôi biết bí mật của mình mà ông chôn giấu bao nhiêu năm. Lạ thay, tôi chẳng hờn trách mà càng thấy thương ông hơn. 
Sau khi bón xong bữa cơm chiều cho mẹ, tôi thấy bố kéo chiếc hộp bọc giấy báo đã úa vàng ra. Đó là chiếc hộp ông luôn mang theo mà tôi luôn coi đó là một bí mật. “Món quà tôi định tặng mình đấy. Nhưng khi tôi về thì mình đã ra đi”. Nói rồi, bố thận trọng bóc từng lớp báo, mở nắp hộp. Ông đỡ ra và đặt lên vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà-đó là bức tượng mẹ tôi. 
 Khôi Nguyên Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.