Trái tim người mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1. Mới đó mà con trai đã học lớp 5.
Hôm sắp xếp lại góc học tập, tình cờ thấy tờ giấy vo tròn ghi: “Những cọng tóc loăn xoăn làm quả đầu mình giống một trái chôm chôm. Nhìn cũng ra dáng ca sĩ nhưng mấy đứa trong lớp cứ bảo nhất môi chì nhì tóc quắn. Nếu có ba thì đố đứa nào dám bôi bác mình. Ba sẽ nhéo tai hết thảy, mình sẽ nói ba nhéo thật đau vào cho chúng biết lễ độ. Nói tới ba thì nhớ. Sáng nay, cô giáo bảo sẽ đưa mình vào danh sách học sinh mồ côi vượt khó để nhận trợ cấp. Mình thưa: Em có mẹ, có ba. Thằng Hải bảo không có ba mà bày đặt nói có. Tức cành hông luôn, giá có ba thì tụi nó biết tay…”.
Tôi không còn sức để đọc tiếp. Những dòng chữ ngây thơ, ám ảnh.
Đúng là sau ly hôn, tôi buồn nhiều, tủi nhiều mỗi khi nhìn gia đình ai đó cha mẹ con cái đoàn tụ. Đặc biệt nát lòng khi trời mưa tầm tã đến cổng trường đón con mà thấy những ông bố khác cầm áo mưa đứng đợi con. Càng tê tái hơn khi lắc lư 40 km trên xe buýt đưa con xuống khu vui chơi nhưng không dám ngồi tàu lượn siêu tốc với con. Luôn thấy con thiệt thòi nên chăm gấp đôi, gấp ba để bù đắp mà không hay vật chất và tình thương của mẹ không thể nào bù đắp được mặc cảm không cha.
2. Anh lãng tử như con ngựa bất kham. Ngay từ đầu chúng tôi đã không hợp nhau. Anh không đặt nặng chuyện con cái trong khi tôi ý niệm kết hôn không con là điều bất hạnh. Vậy là dù anh chưa muốn nhưng tôi một hai phải sinh con.
Tôi thuộc diện phụ nữ khó sinh. Năm lần sẩy thai đã khiến tôi hoang mang nhưng không từ bỏ. Tới lúc lên bàn mổ thì người nhà phải ký vào bản cam kết chọn mẹ hoặc con nếu có sự cố. Cam go là vậy nên khi được nhìn hài nhi đỏ hỏn trên tay, tôi ứa nước mắt.
Dùng con cái để níu giữ bố nó, đó là sai lầm lớn nhất trong hàng tá sai lầm của phụ nữ.
Còn nữa, thương con khiến mờ mắt. “Vợ mà cứ suốt ngày ôm con, “quên” chồng thì nó phải tìm chỗ “gửi” thôi!”-chị chồng phán khi chuyện vỡ ra.
“Quên” chồng, tội ấy quả tôi có mắc. Sinh con đâu dễ như gà vịt đẻ trứng huống chi tôi còn mang thai khó, giữ thai khó hơn nên với tôi con là cả thế giới. Chỉ cần trông con ăn, nhìn con ngủ, ngắm con cười là tôi hạnh phúc ngất ngây. Bố nào chẳng thương con, tôi tụng câu đó để tìm bình an trong ý niệm khi anh nóng nảy, cộc cằn với con. Tôi tin “còn cha gót đỏ như son” nên bỏ qua những cơn cả giận mất khôn đó. Trò chuyện với chồng, tôi thường bắt đầu bằng cụm từ “vì con…”. Nhưng khủng hoảng thực sự thường đẩy người ta đến lựa chọn một còn một mất. Đó là khi tôi tận mắt thấy anh chở người thứ ba đi mua sắm. Như giọt nước tràn ly. Tôi chủ động giành quyền nuôi con.
                                 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
3. Đặt mình vào tâm tư của con, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thề sẽ lật tung cả thế giới để tìm cho con một ông bố.
Chuyện đời quả không đơn giản. Khởi đầu cũng có những tín hiệu tốt. Mỗi khi thấy ô tô của anh-một người tôi mới quen-đậu trước nhà thì Bo mừng rỡ, càng vui hơn khi được ngồi ô tô đi “kéo ghế” nhà hàng. Tôi đồng ý hẹn hò vì thấy con vui, nhưng nhiều lần như vậy mọi thứ vẫn không thể đi xa hơn. Có cái gì đó nhàn nhạt. Anh chưa một lần mỉm cười với Bo ngoài động thái rút những tờ tiền mới cáu lạnh lùng đưa cho. Lần nữa nước lại tràn ly khi anh đề nghị gửi con về nội.
Đúng lúc đó thì Điền xuất hiện.
Điền là bạn học thời phổ thông, hiện đang là ông chủ ở phố. Hồi trước, tôi mê chàng trai giỏi Toán dáng người dong dỏng, hợp cùng đôi giày Adidas, vừa đặt một khuôn với chiếc xe đạp thể thao. Mê vụng thôi. Tôi mặc cảm khuôn mặt bánh bèo, lại thêm chiều cao cây nấm nên đau khổ từ chối lời tỏ tình của Điền.
Gặp lại sau mười năm, Điền bắt đền chuyện tôi trả lại thư tình. Đùa giỡn xong thì trầm ngâm.
- Chắc sẽ về quê định cư.
- Bà xã cũng đồng ý?
- Cô ấy sợ người đàn bà khác nhào vô ôm nửa cơ nghiệp nên cứ lùng nhùng. Hôn nhân “tiền cát hậu hung” luôn khiến người ta mệt mỏi. Định sẽ đặt một dấu chấm hết. Nếu gặp ai đó đủ duyên, sẽ bắt đầu lại.
Bâng quơ mà hàm ý thật rõ ràng. Nghe đâu Điền vô sinh. Hay mình chủ động nhận “bắt đền” để con có bố, còn thoát được nỗi lo “con anh con em”? Ý nghĩ thoáng qua để rồi sau đó tự rủa xả mình hồ đồ quá mức, thương con đến mức quên luôn chút tự trọng đàn bà.
Hôm sau đi làm về, tôi bị chặn xe. Xe dừng, lập tức có một bàn tay trượt mạnh xuống ngực và những móng tay nhọn hoắt cày trên da mặt.
- Tưởng bà ở xa không biết, tính rù rín chồng bà hả? Lẳng lơ này, đĩ thõa này!
Vừa chửi vừa cào tới tấp, tôi đau rát toàn thân.
Hôm sau, Điền nhắn tin xin lỗi nhưng tôi im lặng không hồi âm.
4. Thâm nhập chốn văn chương, tôi bắt đầu chú ý đến một cái tên. Cứ nghĩ khó có cơ hội gặp nhau, nhưng rồi cũng tình cờ chạm vai trong ngày họp báo.
Anh vừa cởi mở vừa kín đáo. Sôi nổi, nhiệt tình nhưng khó nắm bắt. Sau này, tôi mới biết anh thực ra là gã trai nghèo kiết, cái tiền đồ rực rỡ nhà văn và những đồng nhuận bút còm không bảo hiểm được hạnh phúc gia đình. Bi kịch nằm ở chỗ một thằng “cầm bút tự do” thật chẳng khác bao nhiêu so với tên thất nghiệp không nuôi nổi thân mình. Đời cay đắng nhưng anh không oán thán. Bất đắc dĩ thì chỉ dùng từ “hết duyên” để giải thích lý do tan vỡ. Tôi thích đàn ông trượng phu như vậy: giữ được sự tôn trọng, cảm thông ngay cả với người phụ nữ đã chủ động rời bỏ mình.
Trở thành người bạn lớn. Từ chuyện con ho, đi học bị bạn đánh đến chuyện tôi bị đàn ông trêu ghẹo tục tằn, bị đồng nghiệp ganh ghét… tôi đều tìm anh. Anh là chỗ tôi “nương nhờ lúc thở than”. Rồi tôi bắt đầu một nỗi lo, nỗi lo rơi vào tình yêu mới với một người không định yêu. Nghèo kiết, tương lai mờ mịt, bạn thì được chứ lấy làm chồng thì…
Điều nằm ngoài tưởng tượng là tôi không nghĩ anh thích trẻ con đến vậy. Anh sẵn sàng bỏ cả buổi chơi trốn tìm hoặc tập cho Bo đi xe đạp. Anh không đối xử với Bo theo cung cách quan tâm đến một “đứa trẻ tội nghiệp, mồ cút mồ côi” như những người lớn khác.
Khi anh bảo con trai em thật đáng yêu thì bờ vai tôi nhũn ra, đầu rơi xuống ngực anh không cách nào cưỡng nổi. Thậm chí tôi tin mình có thể yên tâm biến mất khỏi thế giới này vì con trai tôi đã có anh.
5. - Em…
 - Gì anh??
- Cô ấy đã trở về. Đang phóng tín hiệu “gương vỡ lại lành”…
Tôi như con lật đật, lắc lư:
- Vậy anh tính sao?
- Nếu “châu về hợp phố” chắc các con anh mừng lắm.
Không biết là cảm giác gì nhưng có cái gì đang từ từ vỡ ra. Tôi yếu ớt:
- Sẽ… quay về với chị ấy?
- Là nói em biết vậy thôi. Không về!
Dường như anh không mấy tự tin. Một chút hoang mang trong mắt.
Đêm nằm, nghĩ tới nghĩ lui bỗng giật mình. Đàn bà trăm ngàn tính nết nhưng trái tim người mẹ luôn chỉ một.
Tôi không giã từ anh, im lặng đưa con về ngoại.
*
*      *
Chủ nhật kế tiếp là một ngày trọng đại. Lần đầu tiên tôi dám ngồi cùng con trên tàu lượn siêu tốc. Hai mẹ con thỏa sức la hét, làm như thế giới này chỉ có tôi và cu Bo...
Bích Nhàn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.