Nắng thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sinh ra giữa núi rừng. Ở rừng, làm no bụng chẳng khó nhưng cả ngày cứ tất bật, chẳng mấy khi ngẩng mặt nhìn bầu trời và thảo nguyên xanh. Những ngày bận rộn nối nhau, tôi thành gã đàn ông trung niên lúc nào không hay. Một sớm mai, bước ra đường thấy se lạnh heo may, mới hay đời cũng như mùa đã nếm trải phong sương...
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh nguồn internet
Nhưng khi đi trên những con đường mùa thu nắng rót mật ong thì không thể cầm lòng được. Lúa ôm lấy con đường như muốn nuốt trọn cả màu xanh bao la đang ngả vàng. Lúa chín cuối thu không vàng rực như cuối vụ chiêm, trời thu không chói lòa, nắng như vừa rớt xuống từ chiếc bình khổng lồ, cứ thế lênh láng cả một vùng trong gió mơn man.
Thú thật, tôi đã đi giữa mùa thu của phố. Những chiếc lá rơi trên nền đá xanh mòn vẹt vết chân thế nhân cả trăm năm của đô thị cổ Á Đông. Những thùy lá màu đỏ, màu vàng gieo mình trên mái ngói xanh rêu, sương thu tan trong tiếng vĩ cầm, nắng thu lấp lánh ô cửa ngôi trường Đại học Đông Dương cổ kính... Nhưng, thu phải là của quê mùa, nơi mùa được đặt tên. Phải là cuốc bộ, bước chân trở về quê hương sau quãng đời mải miết bon chen mới thấy nắng thu lấp lánh trên đường. Đi mãi, đi mãi thấy sắc vàng vẫn gần lắm mà chưa tới được, thoáng chốc nắng đã dẫn ta tới sân nhà.
Tôi nhớ những mùa thu thức dậy, mặt trời mọc từ lúc nào không hay bởi nắng dịu dàng lặng lẽ. Nắng xiên ngang, soi những tia sáng như mũi tên xuyên thủng vào căn nhà vắng, nhuộm vàng những hạt bụi đang bay. Ký ức ùa về nghẹn ngào. Bao năm rồi, mọi đồ đạc trong nhà, những bộ quần áo của cha mẹ vẫn đơn sơ vậy, như ngoài kia, rau ngót, rau lang, ngọn ớt... vẫn thảo thơm bát canh ngày đôi bữa. Vậy còn mồ hôi, nước mắt của cha mẹ tan chảy đi đâu? Đã gửi cả vào sách bút của mình. Bỗng dưng thấy nắng thu như câu thơ, gợi chứ đâu cần lên tiếng.
Dưới bóng tre già là mùa thu thơm khô. Nắng đọng lên thân tre đằng ngà vàng óng, trên chiếc lá vàng kêu xào xạc. Thế mà trong ký ức của tôi nơi làng quê, nắng có một thanh âm rất lạ. Nắng rọi qua tán lá, chú trâu nghiêng đầu, tiếng mõ vang lên, nghe như thanh âm của những mảnh nắng chạm vào nhau.
Nắng thu ùa về bên nong phơi măng khô của mẹ, ướp vào từng sợi măng thoang thoảng hăng hăng, ánh màu hổ phách. Mùi của nắng nhắc tôi chả mấy mà hết năm. Tôi nhìn lên mái nhà, cả một vùng quê đang nhuộm nắng hoàng hôn của chiều thanh vắng. Trên khuôn mặt mình là nắng, cây rơm vàng nắng, cúi xuống cái sân gạch tưởng như có thể vốc từng vốc nắng ánh lên từ hạt thóc vàng. Cũng như nắng, tôi sẽ không dừng lại, tôi bước tiếp đến những miền đất lạ để một sớm mai lại được trở về quê hương trong một ngày đẹp trời. Như hiểu thấu lòng tôi, nắng đang vẫy gọi lấp lánh ở cuối con đường mòn.
Bùi Việt Phương

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.