Buôn làng thân thiết rừng cây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không gian sinh tồn đầy rừng cây sắc lá xanh tươi bên mặt nước hồ lồng lộng của cộng đồng làng dân tộc M'Nông đã biến dạng, thay màu. Những căn nhà sàn gỗ mái tranh vách nứa đơn sơ mà trang nhã êm đềm bên bến nước nên thơ nay đã thay bằng mái tôn tường gạch xi măng, thiếu vắng cành pơ lang đầu làng nở rộ màu hoa đỏ. Tháng ngày qua, rừng bên hồ tàn lụi, những chiếc thuyền ngày ngày đưa người đi giăng lưới thả câu trở về làng không còn thấy màu cây xanh tươi tắn ven bờ...
  Hoàng hôn trên hồ Lak. Ảnh: internet
Hoàng hôn trên hồ Lak. Ảnh: internet
Đó đây ven bờ hồ vơi cạn nước, thương sao những chiếc thuyền độc mộc nứt nẻ thủng đáy nằm ngả nghiêng tự năm nào... Không gian sinh tồn quen thuộc của người M'Nông là sống ven hồ kề cạnh cây ngàn bóng cả. Nhưng mấy mươi năm qua rừng bị tàn phá nhanh chóng nên giờ đây người M'Nông bản địa ở buôn Jun, buôn Lê và buôn M'Liêng sống ven hồ Lak (huyện Lak, tỉnh Đak Lak) không còn tìm thấy cây sao có thân gỗ quý, chắc mà nhẹ để làm thuyền độc mộc mới, thay thế cho những chiếc thuyền cũ đã hư hỏng từ lâu.
Buổi chiều, chúng tôi đi thăm vùng rừng rộng bên chân núi lớn Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và rừng thuần chủng tre nứa của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Kar gần chân đèo Đak Nuê. Đó đây màu sắc rừng tàn rừng cạn kiệt phơi bày với ngổn ngang cành lá ngã đổ bởi bàn tay tàn phá của con người. Lòng không khỏi tiếc nuối trước sự mất mát môi trường sống tốt tươi đầy đặn của người dân bản địa từng gần gũi thiết thân, quý trọng không gian sinh tồn với rừng cây chim thú. Kéo theo đó là sự mai một cả đời sống văn hóa tinh thần vốn cũng nương tựa vào thiên nhiên hữu tâm, hữu tình bên bến nước buôn làng. Lại càng buồn thêm khi dừng chân trước một vạt rừng tre nứa bên sông Krông Ana cháy đen trần trụi.
Trở về khu du lịch văn hóa sinh thái gần buôn làng người M'Nông bên bờ hồ Lak, trong một đêm sáng bừng ngọn lửa củi, những nghệ nhân cồng chiêng gõ nhịp hòa cùng giai điệu bài “Mừng khách đến” với niềm vui hân hoan đón chào du khách; tiếp theo là bài “Mừng lúa mới” tỏ lộ niềm vui mùa màng thu hái được với tình cảm biết ơn đất trời. Bản nhạc nào cũng nói lên tình ý chân thật của người với người, người với thiên nhiên... Người thưởng thức có thể cảm nhận được ít nhiều ý tình khi hòa lòng mình vào tiếng cồng chiêng, nhưng đâu thể bù đắp tâm tư, tình cảm của những nghệ nhân già người M'Nông đã thiếu mất niềm rung cảm của một thời đã qua. Bởi trong thanh âm ngân vang không còn sự cộng hưởng từ rừng cây bến nước với tiếng gió trên ngọn cây bóng núi, không có suối thác reo, người người trong cộng đồng làng không còn hòa điệu với cảnh quan xanh gần gũi thiết thân mỗi khi tiếng cồng chiêng ngân lên...
Âm nhạc cồng chiêng của người M'Nông, Ê Đê, Jrai, Bahnar, Xê Đăng... chỉ thực sự mang hồn chiêng khi được vang lên giữa cảnh quan làng-rừng, làng một bên rừng một bên, tâm tình người nghệ nhân hòa chung với thâm trầm bóng cả cây ngàn, âm vang da diết gợi mở đến vô cùng. Tiếng cồng chiêng sẽ lạc hồn lạc điệu chơi vơi khi vang lên gắng gượng trên sân khấu ngập ánh đèn hoặc biểu diễn trên đường phố rộn ràng người xe. 
 Đã quá nửa đêm. Chúng tôi vẫn còn thao thức nghĩ về rừng cây bến nước đó đây với những buôn làng dân tộc thiểu số mình đã từng đến qua những tháng năm vui buồn ở các tỉnh Tây Nguyên. Một thời rừng bạt ngàn, rừng tầng thấp rừng tầng cao với sông sâu suối đầy chảy qua đôi bờ cây xanh... Có những buôn làng người bản địa sống thanh thản giữa thiên nhiên hào phóng, không tính toán lo toan, luôn có món ăn đủ đầy từ rừng cây và sông nước ban cho. Ở đó, làng với rừng là một, hồn người hồn rừng là một, thành cung bậc tình nghĩa không thể chia lìa. Rừng cây sông nước là cái kho chung của cộng đồng làng, dù là người Xê Đăng, Jrai, Bahnar, Ê Đê hay M'Nông... thì đều chung lòng gìn giữ kho báu trời cho, từ dòng nước đầu nguồn cho đến cành cây bìa rừng. 
Tất cả đâu chỉ là giá trị đời sống vật chất mà chất chứa cả sắc màu hơi thở văn hóa tâm linh. Con người sống hạnh phúc biết ơn nắng, biết ơn mưa, biết ơn bến nước, biết ơn rừng và tạ lỗi với rừng khi chặt ngã cây già bóng cả để lấy gỗ làm nhà ở, nhà mồ... Con người sống hạnh phúc biết ơn rừng cho thịt con thú, dù ai săn bắt được cũng chia đều cho cả làng, không quên phần dành cho người già ốm đau và đứa bé còn nằm trong bụng mẹ. Con người sống hạnh phúc vì nhau, cùng biết ơn làng, tự hào về làng, không di dời làng trừ khi có dịch bệnh lan rộng hoặc bến nước đổi dòng từ thượng nguồn. Buôn làng người Tây Nguyên định cư từ bao đời bên bến nước rừng cây giữa không gian sinh tồn, có nương rẫy luân canh luân khoảnh quanh năm một vụ lúa ăn nước mưa trời. Lễ cúng lúa mới với tiếng cồng chiêng ngân vang luôn là nghi thức thiêng liêng với tình cảm biết ơn Yàng, biết ơn rừng đã nhường phần cho người mở đất gieo trồng quả ngọt lúa thơm. Con người sống hạnh phúc biết ơn nương rẫy, mỗi nhà chỉ dừng lại năm ba khoảnh đất luân canh đủ sống. Qua nhiều vụ thu hái, khi đất bạc màu thì chuyển sang khoảnh khác dọn dẹp cây bụi để gieo trồng vụ mới, rồi trở lại khoảnh đất ban đầu đã hồi phục chất màu chọc lỗ thả hạt lúa rẫy chờ đợi nước trời cho mùa thu hoạch mới... Trước sau họ không phá thêm rừng. Vậy mà giờ đây rừng đã lùi xa tít tắp... 
Nguyễn Hoàng Thu

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.