Bếp xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi yêu tha thiết những sớm mùa đông nằm trong chăn ấm nghe mùi bánh rán dậy lên thơm nức. Lập cập tung chăn bước ra bếp thấy mẹ đang quấy bột chiên, ba chẻ nhỏ thanh củi. Lửa hồng cháy lách tách. Tiếng trò chuyện rù rì. Chợt nhiên, cái rét cắt da cắt thịt ngày đông có chút gì đó ngọt lành.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Căn bếp nhà tôi mở ra một thế giới nhỏ chật chội nhưng ấm áp: một chiếc chạn gỗ úp chén bát, cất thức ăn và lủ khủ chai lọ gia vị bên trong. Sợ chuột bọ leo lên, ba tôi cẩn thận kê chân chạn bằng bốn cái chén sành đổ nước bên trong. Một chiếc kiềng được làm từ những thanh sắt chắc chắn hàn lại. Mỗi lần nấu nướng, chiếc kiềng có thể đặt được hai cái nồi to. Khi tro dưới bếp vun đầy, mẹ tôi lấy xẻng xúc bớt để bón cây.
Một đống củi khô xếp gọn bên chiếc kiềng, cạnh đó là cuốn vở cũ và chiếc hộp quẹt dùng để nhóm lửa. Cuốn vở trước khi “cống nộp” nên kiểm tra kỹ xem có ghi gì bậy bạ không, vì nếu bị đọc thì sẽ rất quê. Trên vách treo đôi quang gánh và chiếc roi mây bám đầy bồ hóng. Khi mùa màng đến, ba tôi rút roi mây xuống đập trâu đi cày. Xong xuôi lại giắt lên cất.
Trong bếp còn có mấy chiếc đòn gỗ để ngồi ăn cơm. Một cái mâm gỗ dựng sát vào tường, đến bữa trải xuống. Thỉnh thoảng, vài “vị khách” quen thuộc xuất hiện. Đó là chú gà con lạc mẹ kêu chiêm chiếp ngác ngơ. Con chó mực nằm chầu chực đợi thảy cho cục xương. Chú mèo mướp cuộn tròn trong đống tro vào những ngày trời đông rét mướt.
Tôi không thích lắm công việc nhóm lửa, nhưng dù thích hay không cũng bắt buộc phải làm. Thật kiên trì và từ tốn. Xếp củi nhỏ bên dưới, củi vừa lên trên, đẩy mẩu giấy đã châm lửa vào cho củi bén. Khi thổi phải từ từ, nhả hơi vừa phải. Nếu thổi mạnh lửa không những không lên mà còn bị dập tắt. Cực nhất là mùa đông, củi ướt, tro bếp ướt. Tôi lụi cụi xúc bớt tro, chẻ nhỏ củi, hì hục cả buổi mới nhóm được bếp lửa riu riu, áo quần tóc tai bám đầy mùi khói.
Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Cá thịt rau củ vào tay mẹ đều trở thành những món ăn tuyệt nhất trần đời. Ngay cả khi nhà nghèo rớt mồng tơi, bữa tối chỉ có nước mắm kho với lá hành tăm, rưới đều lên bát cơm trắng dẻo thơm nóng hổi, vậy mà cha con tôi cũng ăn ngấu ăn nghiến, khen lấy khen để. Tôi nhận ra khi bếp đỏ lửa thì căn nhà mới ấm cúng hạnh phúc. Bếp nguội lạnh là dấu hiệu của sự tan vỡ, âm ỉ nhưng dữ dội, không cách gì níu kéo.
Gia đình tôi có quy định ngầm bữa cơm luôn phải đầy đủ thành viên. Nếu tôi đi học thêm về muộn, ba mẹ sẽ đợi về cùng ăn. Nếu ba mẹ bận việc, chị em tôi kiên nhẫn ngồi chờ. Bữa cơm chỉ thực sự ngon khi cả nhà quây quần cùng nhau trong căn bếp ấm.
Nhà tôi giờ đây xây lại khang trang hơn. Bếp gas thay thế bếp đun rơm, củi. Nồi cơm điện thay thế chiếc xoong nhôm bám đầy lọ nghẹ. Nấu bữa cơm nhanh chóng tiện lợi chứ không cần lúi húi chụm lửa canh nồi như ngày trước. Đôi khi, tôi thèm mùi khói quá chừng. Mùi khói thơm rơm, thơm củi. Lửa bếp lách tách, rực hồng. Và cơm nấu bằng bếp lửa khi nào cũng có một lớp cháy thật ngon! Thỉnh thoảng mắt tôi cay xè, không phải vì khói bếp. Mà cũng có thể là vì khói bếp, biết đâu…
Nhiên Phượng

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.