Thuyền giấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa mưa mang đến bao phiền toái và rắc rối! Lần nào tôi cũng nhủ thầm như vậy khi che ngoài bộ đồ thời trang bằng chiếc áo mưa kín từ đầu đến chân, thậm chí có hôm hứng chí mặc váy thật đẹp, xoay ra thấy mưa, lại phải thay bằng bộ quần jean áo phông. Đã thế, đầu tóc, giày dép cũng phải chuẩn bị sao cho phù hợp với thời tiết này: chân mang sẵn đôi dép lê, đôi giày cao gót luôn phải nằm trong cốp, khi nào tới công ty mới lấy giày ra mang. Nhưng lắm hôm đi muộn, cởi được chiếc áo mưa là lo chen chân chạy vào công ty cho kịp giờ nên chân tôi vẫn đeo theo đôi dép kẹp, ngượng chín cả mặt.
Tranh minh họa
Tranh minh họa
Tan sở, lại mưa. Chiếc áo mưa vắt tạm ngoài xe bị ai đó lấy mất, tôi bần thần nép tạm góc phố. Có cậu bé nhỏ vẫn đang hí húi nơi vỉa hè, mặc cho nước mưa hắt vào ướt áo. Tôi tò mò ghé mắt nhìn. Thì ra cậu bé chơi trò gấp thuyền giấy. Cậu cẩn thận nâng con thuyền lên, cân chỉnh lại đáy thuyền cho thuyền thêm vững chãi rồi thật nhẹ nhàng nâng nó lên ngang mặt, nhìn ngắm lần cuối, vẻ như rất hài lòng với tác phẩm của mình. Cậu bé quả quyết nhìn ra dòng nước mưa đang cuộn chảy nơi vỉa hè như một con sông, và như nín thở, cậu chọn nơi gần miệng cống, chỗ mặt nước duềnh lên để đặt con thuyền xuống. Mặc cho những giọt mưa đang quất mạnh vào người, chiếc áo thun màu xanh ngấm nước loang lổ, ôm sát vào thân hình gầy gò, cậu vẫn chần chừ giữ con thuyền trong tay thêm một chốc lát. Chờ khi cái xoáy nước cuộn lên, như ra lệnh, cậu bé nói: “Bơi đi nào!”. Con thuyền giấy thoáng chao đảo khi không còn được bàn tay ấm áp níu giữ, nhưng rồi chiếc thuyền giấy nhanh chóng lấy lại được thăng bằng, và theo đà cứ lao tới băng băng, những giọt mưa nặng hạt, dòng nước cuộn xối vẫn chưa thể đánh bại con thuyền. Và cậu nhỏ với đôi mắt bướng bỉnh vẫn dõi theo.
Chỉ trong thoáng chốc đó, tôi bỗng biến thành cậu nhóc này. Những ngày xưa bé dại, cũng lén mẹ lấy những tờ giấy kiểm tra, giấy nháp cũ, cẩn thận xếp thuyền giấy, rồi cũng đội mưa, đi tìm những rãnh nước xiết cùng chúng bạn thả thuyền giấy. Ngày xưa ấy, những con thuyền giấy là trò chơi xa xỉ vì giấy rất hiếm, chỉ dành để làm tập, rồi để dành nháp, sau cùng là để nhóm lửa chứ không được dùng để thả thuyền. Nên đứa nào tham gia trò này cũng phải lén lút, thả được con thuyền là đám trẻ nhỏ chúng tôi vừa la hét cổ vũ, vừa ráng chạy theo để xem thuyền của mình bơi được bao xa. Những con thuyền tuổi thơ ngày đó đã đi theo những cơn mưa, còn chúng tôi thì luôn kết thúc bằng những trận tắm mưa.
Ngày ấy, mưa là niềm vui, vậy mà tôi quên lãng.
Cảm ơn cậu bé, cảm ơn chiếc thuyền giấy bé nhỏ, cảm ơn buổi chiều mưa đã cho tôi được gặp lại tuổi thơ của chính mình…
Kim Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.