Thương mùi khói quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi thích mùi khói, nhất là khói từ cái bếp bằng đất nung phía sau nhà. Đều đặn mỗi ngày, khi mẹ tôi nhóm lửa, khói ngào ngạt, mù mịt bốc lên, bám đầy gian bếp nhỏ, làm mớ tơ nhện trên mái nhà phủ một màu đen kịt. Tôi nhớ cái mùi khói thơm thơm của cây ngo mồi lửa, mùi hăng hắc của ngọn đèn dầu. Những thứ giản dị như vậy thường khiến người ta mường tượng về hai chữ “quê hương”.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Hồi còn nhỏ, mỗi dịp hè, chị em tôi đều được mẹ cho về quê thăm ông bà ngoại. Nhà của ông bà là một ngôi nhà hai gian nằm trên vuông đất rộng. Trước nhà có khoảng sân, ông bà trồng đủ loại cây bóng mát. Chiều lại, gió về xao xác khiến cho đám lá rụng đầy góc sân. Ngoại cầm cây chổi gom từng mớ lá khô thành một đống tròn rồi đốt. Cái mùi khói phát ra từ đám lá khô không lẫn vào đâu được, rất thơm và dễ chịu, tựa như mùi của ký ức đã phai màu. Mỗi ngày, khi mặt trời vừa khuất nửa bóng, ngoại đều đốt lá, quét dọn sân vườn và tôi đã quen thuộc với mùi khói quê hương là từ dạo ấy. Bên bờ ao, mấy bẹ dừa khô đã rụng cành, ngoại đem vào đốt chung với đám lá. Lá dừa khô cháy un khói thơm nồng, khẽ khàng ấp vào kẽ áo của người đi ngang. Cạnh đó, mấy đứa con nít xúm lại chạy vòng vòng bên đám khói, chơi trò “ông Bụt” thoắt ẩn thoắt hiện trong sương. Tiếng chổi ràn rạt và tiếng nô đùa giòn giã của trẻ thơ làm nên một khung cảnh làng quê yên bình, khiến bất cứ ai cũng phải hơn một lần xao xuyến.
Đã bao giờ bạn ao ước được sống lại tuổi thơ? Với tôi, giấc mơ tuổi thơ luôn đi kèm hình ảnh làn khói mơ màng, nhẹ nhàng bay trong gió, cũng có khi là một sợi khói nho nhỏ trong chính gian nhà của mình. Tôi nhớ mãi hình ảnh hàng ngày mẹ khom người thổi lửa nấu cơm trong căn bếp nhỏ. Ngày ấy, khói làm mắt mẹ đỏ hoe, nhiều lần khiến tôi tưởng mẹ khóc vì chuyện buồn nào đó. Nhiều năm trôi qua, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, thế nhưng mẹ tôi vẫn giữ thói quen nhóm lửa vào mỗi chiều, gian bếp cũ vì thế mà ngày nào cũng đỏ lửa ấm áp. Có lần tôi thắc mắc, mẹ giải thích rằng nước sôi nấu từ bếp lửa đem pha trà sẽ thơm hơn. Tôi không biết lý do thực sự là gì, cũng không biết có đúng là trà sẽ thơm hơn hay không, nhưng tôi từng trộm nghĩ, có lẽ chính mùi khói bếp đã tăng thêm hương vị nồng nàn cho ấm trà của mẹ.
Những chiều gió se lạnh, tôi lại thèm hơi ấm từ đống lá khô cháy trước sân nhà, thèm được sống trong cái mùi vấn vương, dù có cay cay nơi sống mũi. Lại nhớ những hôm dạo chơi ngoài đồng, gió đưa hương khói ngào ngạt xộc vào mũi thơm lừng. Khói bốc lên từ những gốc rạ trên cánh đồng nứt nẻ, từ những mái nhà nho nhỏ nằm khuất trong vườn cây xanh lá, hòa vào gió bay đi khắp một vùng quê. Đôi lúc đang chạy đua với gió, chợt thấy lơ lửng những làn khói mỏng manh, uyển chuyển như vạt sương, vừa mới hợp đã vội tan, cứ vậy mà thoảng đầy trong tâm trí.
Ngọc Lý

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.