Bức tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi bị cầm chân ở cái thị trấn miền núi này đã ba hôm vì trận lũ rừng. Thị trấn bị cô lập, không điện, không sóng di động, lối lên các homestay bị sạt lở. Chủ nhà đãi tôi mỗi ngày hai bữa cơm lạc rang và canh bầu. Tôi hết ăn thì lại nằm.
Đêm thứ ba, mưa vẫn chưa dứt và nước vẫn chưa rút, tôi bị thức giấc bởi tiếng sấm. Nhờ ánh chớp lóe qua cửa sổ tôi mới nhìn thấy có một bức tranh cũ treo trên tường phòng mình. Có lẽ bức tranh vẽ một khu phố cũ. Trong chớp lóe sáng lên ấy, tôi vẫn kịp nhận ra có một nét vẽ rất quen. Nhưng tôi không sành hội họa. Tôi lại thiếp đi trong đêm mưa sâu thẳm miền rừng.
Có lẽ người ta không nên ngủ trong cơn chuyển mình đầy thịnh nộ của đất trời. Trong mê man, tôi thấy mình mê mẩn lạc vào bức vẽ. Tôi cứ loanh quanh không thể thoát được ra khỏi nét vẽ ấy, đó là một con đường nhỏ. Cây xà cừ cứ nhoài ra phía đường. Bao lần bị bão vặn vẹo, bị người ta đốn cành, cây vẫn không chịu quay vào che bóng mát cho quán bia mới mở. Nó cứ nhoài ra con đường rõ chật hẹp và lồi lõm. Lớp bụi từ đất cứ hễ nắng lên lại nhao theo mỗi cái xe như đám ma trơi rồi quay lại bu đầy trên cái ghế của người thợ cắt tóc…
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: Huyền Trang
Đợi trời sáng mờ, gỡ bức tranh xuống, tôi nhìn kỹ thì thấy mọi thứ thật giống với quang cảnh ngày xưa ở khu tập thể nhà mình. Tôi không nhớ từ khi nào mình đã không ngang qua con đường ấy nữa. Cái xí nghiệp vận tải cũ của cha tôi như chiếc bánh đa gặp lửa giờ vỡ ra thành nhiều mảnh. Những đường ngang dọc, đèn xanh, đèn đỏ làm người ta quên mất con đường cũ kỹ kia. Chẳng có hàng nước nào mở ở đấy, mấy gã đàn ông phố tôi cứ chiều đến lại ngồi nhìn ra đó, như ngắm một bức họa cũ trên tường.
Tôi đem thắc mắc ấy xuống kể với cô chủ nhà nghỉ. Cô không xinh nhưng mặt nhẹ nhõm, dưới cằm có một vệt sẹo đã mờ.
- Bức tranh này thật giống khu phố nhà tôi ngày trước-tôi nói.
- Ở cách đây đến cả trăm cây số? -cô ngạc nhiên hỏi lại.
Rồi như vừa nhớ ra điều gì, cô nhắc tôi:
- Khi nào anh trả phòng nhớ báo trước nhé? Bọn em đang tính phải sửa sang lại những chỗ bị mưa ẩm mốc, phải hẹn trước đám thợ sơn.
*
Sau một tuần tôi trở về nhà, những hậu quả của trận lụt đã được những người trong gia đình tôi dọn dẹp. Họ không quên trách móc người đàn ông của gia đình này đã biến mất không đúng lúc như thế. Một hôm, trời cũng sụt sùi mưa, tôi nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ:
- Chào anh… Anh thuê phòng nghỉ nhà em tháng trước đúng không, đúng đợt lũ lụt ấy. À! Vợ chồng em đang chuyển đồ để nhượng lại nhà cho chủ khác. Bức tranh ấy, anh có nhã hứng không?
Tôi vét sạch tiền trong ví để trả cho anh nhân viên bưu điện. Bức tranh được gói khá cẩn thận như một họa phẩm nổi tiếng. Cũng phải mấy tháng sau tôi mới có dịp mở ra. Cái khung gỗ bắt đầu mọt, kính nứt vỡ. Bức tranh được vẽ trên giấy dó giống một chiếc bản đồ cổ, có những đường chỉ kẻ ô tỷ lệ, vài con số được viết rất bé. Người vẽ là một tay không chuyên, có vẻ giống dân đo đạc hơn.
Một lần, ngồi ngắm kỹ lại con đường phía nhà tôi nhìn ra, lục lọi trong ký ức của hai mươi năm trước khi đi làm ăn xa nơi này, tôi nhớ ra con đường trên bức tranh có một cái chấm nhỏ ở chỗ cong nhất. Tôi đã được cha tôi đưa đến đó cắt tóc năm tôi lên sáu tuổi. Tôi biết, cái ghế gỗ được làm từ một cành xà cừ bị gãy trong bão. Cái tán cây cứ rủ xuống che bóng mát cho những người đến cắt tóc nay đã hóa một kiếp khác. Thớ gỗ nhẵn thín lên nước để những cái gáy tựa vào đó cho người thợ tỉa tóc… Ấy là chỗ của “anh Quán”-cái tên do những người khách hàng quen thuộc gọi. Tôi đi học, lên những lớp trên, thân hình cao lớn, tính nết khác đi nhiều, nhưng riêng mái tóc vẫn do tay người thợ cũ cắt. Vẫn cái ngôi hơi lệch. Lúc nào giọng nói của anh cũng hơi run khi bắt đầu cầm chiếc kéo đưa những đường đầu tiên và bắt đầu một câu chuyện. Anh không có nhiều khách nhưng khách hàng đa số đều dạng “chung thân” với anh.
Một ngày chủ nhật, tôi đã vĩnh viễn không quay lại quán ấy nữa. Hai mươi sáu tuổi, tôi tự chọn cho mình kiểu tóc cắt cao, những cô bạn gái bằng tuổi đã khích lệ tôi như thế. Tôi đã hết “lạc loài” với mái tóc “cán bộ”, tôi hòa theo đám thanh niên ở phố khoe cái đầu nhẵn thín mỗi lần phóng xe bụi mù con đường. “Anh Quán” lần nào cũng ngẩn ngơ đứng nhìn theo. Tôi không ghét anh nhưng khi ấy thấy thích thú với cái trò mới ấy. Vậy mà cũng đã hai mươi năm rồi…
*
Một lần, khi công việc trong tháng đã xong xuôi, tôi định đem bức tranh ấy ra bo lại và kiếm cho nó một cái khung mới. Bóc lớp vải bo phía sau, tôi phát hiện ra mặt sau bức tranh là một lá thư. Có lẽ chưa có ai đọc lá thư ấy. Chữ viết bớt nét khó đọc, người viết kể lể không rõ ràng nhưng đúng là tâm sự của một ông bố. Ông kể thật nhiều về cuộc đời, về quãng thời gian ông và người vợ sống xa nhau sau cuộc ly hôn. Đứa con gái hẳn đã rất bướng bỉnh… Có những đoạn vòng vèo, trùng lặp nhưng đúng là cuộc đời ông gắn bó với con đường này, với cái quán cắt tóc. Là “anh Quán”. Tôi bàng hoàng. Những lần cuối tôi ra cắt tóc, anh đã già, anh lại hay muốn được nghe tôi khuyên lại anh về cuộc sống. Suốt hai mươi năm, từng ấy lần nghe anh kể chuyện, tôi chưa hề biết gì về gia đình anh, nhưng luôn thấy anh muốn hỏi tôi về những câu chuyện thật khó trả lời trên những quyển tạp chí “Hạnh phúc gia đình” mà anh đã đọc đến nhàu nát.
Anh đã từng làm một người đo đạc, phải rồi. Anh về nghỉ hưu sớm. Giờ thì nơi gốc xà cừ chỉ còn cái đinh hay treo gương đã ngập lút vào lớp vỏ xù xì. Hình như tôi đã từng gặp đôi mắt của cô chủ nhà nghỉ cũng dài và nhỏ giống đôi mắt anh. Trong lá thư, nhiều lần anh nhắc đến chuyện sẽ nhờ một người khách trẻ tuổi, con của người lái chiếc xe tải trong xí nghiệp thường chạy lên thị trấn xa xôi ấy, cho anh gửi hộ một chiếc ghế. “Nhưng rồi, cậu ấy đã không còn đến cắt tóc nữa. Bố cảm thấy xấu hổ vì suốt những năm tháng ấy bố thực sự vô tâm với con. Có thể ngay cả cậu ấy cũng đã cảm nhận được điều ấy chăng. Suốt những năm con còn bé, mỗi sáng con đã ao ước được giữ chiếc ghế đó ở nhà để con chơi. Nhưng bố đã không thể chấp nhận ở nhà để nhận lương hưu và cho con chơi chiếc ghế. Bố mang nó đi để thỏa cái thú giao du của người về nghỉ hưu sớm. Có lần, con đã khóc và cố giữ lại, con bị bập cằm vào thành ghế…”.
Nhưng sao cô gái lại bán cho tôi bức tranh của cha cô, còn tôi đã phải trả cái giá của một người đã trót đi vào câu chuyện? Chẳng rõ giờ hai cha con họ ở đâu nhưng bức tranh sau này vẫn được treo ở phòng làm việc của tôi. Quả thật, sẽ chẳng biết phải bắt đầu kể như thế nào nếu có ai đó chợt hỏi tôi một câu đại loại:
- Này cậu, bức tranh ấy vẽ gì?
Bùi Việt Phương

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.