Kỳ diệu những ngôn ngữ của hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách tư duy, quan niệm, thậm chí là cách sống của một dân tộc để hướng đến niềm vui, hạnh phúc có thể tìm thấy trong ngôn ngữ như thế nào?
 
100 cách để được hạnh phúc đã vừa được tiết lộ trong một cuốn sách hướng đến sự vui tươi, viên mãn trong cuộc sống, do một vị giáo sư người Anh có tên Tim Lomas thực hiện.
Cuốn sách miêu tả 100 từ ngữ dành để chỉ xúc cảm vui tươi trong các ngôn ngữ đa dạng trên khắp thế giới, với những nét nghĩa thú vị, cho thấy cách tư duy, quan niệm, thậm chí là cách sống của một dân tộc để hướng đến niềm vui, hạnh phúc. Cuốn sách vừa được ra mắt trong tháng này đã thu hút sự quan tâm chú ý của những trang bình sách.
Theo tác giả, rất khó để trả lời một người có đang hạnh phúc tuyệt đối hay không bởi hạnh phúc là một khái niệm quá đỗi rộng lớn và trừu tượng. Nhưng trong ngôn ngữ, những từ dành để chỉ xúc cảm vui tươi, tích cực lại vô cùng nhiều và có phần cụ thể hơn. Mỗi ngôn ngữ đều có vô số những từ dành để chỉ những cung bậc của niềm vui, hạnh phúc.
Giảng viên làm việc tại Đại học East London (Anh) - ông Tim Lomas - đã vừa cho ra mắt cuốn "The Happiness Dictionary" (Từ điển Hạnh phúc) để phân tích những từ ngữ miêu tả niềm vui trong các ngôn ngữ khác nhau, để thấy rằng có rất nhiều cách cảm nhận niềm vui trong cuộc sống với những nét văn hóa đa dạng.
Giáo sư Lomas đã đi đến nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm hơn 100 thuật ngữ "từ A đến Z" nói về niềm vui, hạnh phúc. Chẳng hạn "abbiocco" - một từ tiếng Ý chỉ cảm giác dễ chịu pha chút uể oải sau khi ăn một bữa thật ngon miệng; hay "zanshin" - một từ tiếng Nhật để chỉ nghệ thuật duy trì sự thư thái ngay cả khi đối diện với những nguy cơ.
Dưới đây là một vài từ thú vị khác được đề cập trong cuốn sách có thể truyền cảm hứng cho bạn, không chỉ để vui tươi hơn, mà còn để biết rằng, hóa ra những xúc cảm rất đời thường cũng được đặt tên trong một số ngôn ngữ trên thế giới...
 
Fika
Người Thụy Điển mỗi ngày có hai khung giờ dành để uống cà phê, đó là vào giữa giờ làm việc buổi sáng và giữa giờ làm việc buổi chiều. Vào những khung giờ này, sẽ là rất bình thường khi thấy người Thụy Điển nghỉ giải lao, đi pha tách cà phê và cùng nhau tận hưởng "fika".
Nhiều công ty ở đây quy định giờ dành cho "fika", thường là vào 10h sáng và 3h chiều. Các nhà quản lý có thái độ tích cực đối với "fika" vì tin rằng điều này giúp các nhân viên hiểu nhau hơn.
Kefi
Người Hy Lạp có truyền thống tận hưởng những khoái lạc trong cuộc sống đã từ hàng ngàn năm nay, họ có vị thần rượu Dionysius. Để tôn vinh vị thần này, người ta uống và nhảy múa đến một trạng thái lâng lâng như quên đi thực tại. Đó chính là tinh thần của "kefi".
 
Kintsugi
Đây là một nghệ thuật có ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa trong văn hóa Nhật, khi người ta hàn gắn những món đồ gốm sứ bị vỡ bằng một thứ chất liệu màu vàng, khi hoàn tất, món đồ liền lại như cũ nhưng các vết nứt vỡ giờ đây trở thành chi tiết trang trí trên món đồ với những đường chạy màu vàng từ chất keo kết dính.
Kintsugi là một nghệ thuật hàn gắn, vừa đẹp đẽ vừa hữu dụng, và còn ẩn chứa bài học sâu sắc về cuộc sống, đó là mọi "vết sẹo" tạo ra bởi cuộc đời đều xứng đáng để vị chủ nhân vui sướng, tự hào.
Koi no yokan
Đây là một cụm từ trong tiếng Nhật có thể hiểu là "yêu từ cái nhìn đầu tiên" nhưng nó còn có nghĩa đẹp hơn thế nữa, giống như lóe lên một tia sáng của trực giác khi lần đầu gặp một ai đó, người ta đã biết ngay - người này rồi sẽ thân thiết, gắn bó với ta.
Trong tiếng Hy Lạp cũng có một từ tương tự - "koinonia" - có nghĩa là "cảm thấy gắn bó với ai đó ngay khi mới gặp mặt".
 
Morgenfrisk
Đây là một từ trong tiếng Đan Mạch, có nghĩa là "buổi sáng tươi mới", một cảm nhận vui tươi khi thức dậy sau một giấc ngủ ngon và hứng khởi bắt đầu một ngày.
Mudita
Cách dễ nhất để lan truyền niềm vui là hãy gửi đi nụ cười. Trong ngôn ngữ cổ xưa của Ấn Độ, "mudita" hàm chứa nội dung về cách sống nhân ái của những người tin theo đạo Phật, dành để chỉ niềm vui khi nhìn thấy những người khác được vui.
Ngược lại, trong cuộc sống, khi một người tỏ ra vui mừng cho người khác, nhưng trong lòng thì hậm hực ghen ghét đố kỵ, đó là xúc cảm trái ngược - "murdita".
Turangawaewae
Từ này nằm trong ngôn ngữ của người Maori sống ở New Zealand, dịch ra có nghĩa là "chỗ đứng". Đó là xúc cảm hài lòng, mãn nguyện khi biết vị trí của mình trong đời sống.
Từ này khá gần với cụm từ "umuntu ngumuntu ngabantu" của người Zulu ở Nam Phi, có nghĩa là "một người biết mình qua những người khác xung quanh".
Utepils
Trong tiếng Na Uy, "utepils" có nghĩa là niềm vui khi uống bia ngoài trời.
 
 
Vidunder
Niềm vui có thể tìm thấy trong những điều bình thường, nhưng để thực sự tận hưởng cuộc sống đời thường, chúng ta cũng phải trải nghiệm những điều… khác thường. và người Thụy Điển gọi đó là "vidunder".
Đó có thể là chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên kỳ vĩ, là chinh phục một dãy núi, chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật... Bất kể đó là gì, "vidunder" là cảm giác về sự ngoạn mục, để thấy rằng cuộc sống thật lớn lao, nhiều hơn rất nhiều những gì ta biết.
Bích Ngọc (Dantri)
Theo Daily Mail

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.