Tiểu thuyết "Bảo kiếm và Giai nhân": Một góc nhìn mới về lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bùi Anh Tấn mang đến một câu chuyện dựa trên những nhân vật có thật trong lịch sử như: Thái hậu Dương Vân Nga, Tướng quân Lê Hoàn...
Tiểu thuyết “Bảo kiếm & Giai nhân”
Tiểu thuyết “Bảo kiếm & Giai nhân”
Trong chính sử chỉ có vài dòng ngắn ngủi nói về sự kiện “Dương thị…” trao áo bào cho Lê Hoàn, chuyển từ triều Đinh sang triều Tiền Lê, và đó cũng là  một khoảng trống trong lịch sử mà hàng ngàn năm nay vẫn chưa có nhà sử học nào “khai quật” giải mã bí ẩn đó. Nhưng với nhà văn thì khoảng trống lại là thách thức sáng tạo một câu chuyện dã sử “neo” trên chính sử để tưởng tượng theo cách của mình.
Năm 2018 kỷ niệm 1050 năm Nhà nước đầu tiên của ta mang quốc hiệu Đại Cồ Việt được “định phận tại thiên thư” một cách danh chính ngôn thuận, cùng với việc xưng “Đại Thắng Minh Hoàng Đế” Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh, như một dấu ấn chủ quyền và độc lập của quốc gia ngang với quốc gia phương Bắc, một triều Đinh huy hoàng, cường thịnh, thống nhất.
Như một biến cố đầy bất ngờ bi thảm, vua Đinh Tiên Hoàng cùng Hoàng Thái tử bị ám sát, trong lúc nhà Tống phương Bắc lăm le mang quân xâm lược nhằm thôn tính, buộc quốc gia Đại Cồ Việt là chư hầu. Triều đình nhà Đinh rối ren trong những âm mưu tranh quyền đoạt vị bất chấp vong tồn quốc gia… Rồi sự lên ngôi của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Thái hậu triều Đinh Dương Vân Nga trở thành Hoàng hậu triều Tiền Lê…
Một bí ẩn lịch sử ngàn năm vẫn bị chìm khuất trong chính sử, vẫn còn gây tranh cãi rất nhiều trong giới nghiên cứu chính sử Việt hôm nay, mà chưa có bất cứ tư liệu nào xưa nay để có thể giải mã.
Tiểu thuyết “Bảo kiếm & Giai nhân”- NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh của nhà văn Bùi Anh Tấn, như một giải mật bằng ngôn ngữ văn chương câu chuyện có phần bí ẩn, có phần kỳ lạ này, để có thể hiều một góc sử Việt đầy biến động, xáo trộn, thay vua, đổi họ, lập triều mới…, đặc biệt có thể lý giải vì sao Thái hậu Dương Vân Nga, mà trong chính sử chỉ ghi một cách vắn tắt, có ý lạnh nhạt là “Dương thị….”, trao áo bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn và trở thành Hoàng hậu triều Tiền Lê.
"Bảo kiếm và giai nhân" đưa người đọc xuyên không về thế kỷ thứ 10, ngoài những gì của chính sử về thời kỳ đầy biến động này với những sự kiện, tên nhân vật có thật như cuộc khởi nghĩa của cha con Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, xưng vua, lập quốc. Rồi loạn 12 sứ quân nhiễu nhương làm cho dân chúng lầm than khổ cực, quốc gia lại dầu sôi lửa bỏng..
Cho đến khi người anh hùng “cờ lau” Đinh Bộ Lĩnh nổi lên dẹp loạn, thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, xưng Hoàng Đế, xây dựng các định chế quốc gia triều nghi, phẩm phục, quân đội, lập Thái tử… Những cái tên như Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập, Ngô Chân Lưu, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Ngô Nhật Khánh, Phạm Cự Lượng, Lê Hoàn, Dương Vân Nga… đều có tên trong chính sử.
Nhưng không phải là minh họa, mà trên cái “phông” chính sử đó, nhà văn Bùi Anh Tấn đã tạo nên một câu chuyện dã sử đầy lôi cuốn và nhiều màu sắc, vừa hư ào huyền hoặc, vừa sinh động như thật với những sự kiện và nhân vật nửa có nửa không trong chính sử.
Có thể thấy trong “Bảo kiếm & Giai nhân” như một câu chuyện trinh thám ly kỳ về những âm mưu gián điệp độc ác, gian xảo, kế nằm vùng với chiêu “mỹ nhân tâm kế” của phương Bắc, hòng lôi kéo, dụ dỗ các quan nhân hoàng thân quốc thích triều Đinh, hòng lấy thông tin mật của triều đình, cũng như chiêu kích động hận thù của những người có lòng tham sân hận triều Đinh để gây rối ren, hay đào tạo thành  những tên thích khách máu lạnh.
Không chỉ có những trang văn như một câu chuyện nhuốm màu kiếm hiệp võ lâm thư hùng, những cuộc đào tẩu trốn chạy thảm sát tận diệt đến ngọn cỏ, hay những màn múa võ luyện binh, cung kiếm khiên đao đầy hấp dẫn, “Bảo kiếm & Giai nhân” còn là một câu chuyện lãng mạn về tình yêu, một tình yêu trái ngang giữa Dương Vân Nga và Tướng quân Lê Hoàn như những người tình trong mộng từ thuở ngọc nữ và trang tuấn kiệt.
Những trang viết về mối tình “câm” của hai người đã bị sự toan tính chính trị dòng họ chia cắt, họ phải vì trách nhiệm quốc gia mà hy sinh mối tình khắc cốt ghi tâm đó… Cho đến một ngày, khi vận mệnh quốc gia đè trên vai Thái hậu Dương Vân Nga, vừa thù trong giặc ngoài, vừa trách nhiệm bổn phận người đàn bà hoàng cung…, nhưng có lẽ sự mách bảo của trái tim, mà giữa quốc gia và tình yêu đều có thể dung hòa…
Và việc trao áo bào, trao quyền lực, trao vương triều cho vị Tướng quân Lê Hoàn có lẽ là hành động đẹp nhất trong lịch sử  Việt, “Bảo kiếm & Giai nhân” đã có thể nói là giải mật hành động này của Thái hậu Dương Vân Nga, một cách lý giải tại sao rất thuyết phục, mà chính sử không thể có được.
“Bảo kiếm & Giai nhân” của Bùi Anh Tấn còn là một câu chuyện về tình người rất nhân văn, có cái kết đẹp giữa một “điệp viên nằm vùng” của triều nhà Đinh, một viên tướng dưới trướng của Lê Hoàn với cô gái “mỹ nhân tâm kế” của phương Bắc trong thanh lâu. Họ đã đến với nhau bằng tình người, bằng sự cảm thông nỗi đau số phận… Và những trang viết về cặp đôi”gián điệp” này cho thấy một đức tính đẹp của người Việt mình, luôn nhân hậu, luôn lấy “chí nhân thay cường bạo”, sẵn sàng tha thứ cho người biết “quay đầu”.
Nhưng với kẻ phản bội quốc gia, kẻ ác từ phương Bắc với âm mưu thâm độc chống đối triều đình thì “Bảo kiếm & Giai nhân” cũng không nương tay, mà dành cho chúng sự trừng phạt nghiêm minh nhất, như bài học với những kẻ nào có ý xấu với quốc gia Đại Cồ Việt.
Không phải là viết lại lịch sử hay làm sai lệch lịch sử, “Bảo kiếm & Giai nhân” chỉ lấy chính sử để “neo” trên đó, nhằm lý giải nội tâm của nhân vật, hay những khoảng trống của lịch sử bằng con mắt của một nhà văn, như một chiều khác để soi rọi lịch sử thú vị hơn.
CTV Hoài Hương/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.