Canh tập tàng của nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nội sinh bố tôi trên đường đi sơ tán. Người phụ nữ ấy từ năm 1963 đã rời quê hương Thái Bình, gồng gánh đàn con thơ, nương dấu chân chồng xuôi ngược giữa thời vận nước còn đau. Ấy là chuyện của ngày tôi còn “nằm trong củ khoai, củ sắn”. Ngày nội mất, tôi mới vừa lên mười nhưng đủ hiểu nỗi mất mát của bố là không gì sánh được. Thấm thoát đã tròn 15 năm kể từ ngày giỗ đầu của nội, thi thoảng tôi vẫn ra mộ, đơm một ít quả ngọt dâng lên hương linh của người mà bố tôi yêu thương nhất.

Nửa cuộc đời còn lại gắn bó với mảnh đất suốt 2 mùa mưa nắng, nội tuy nghèo khó, nhưng nhờ được học hành mà biết tính toan. Lại liệu việc thuận tình nên bà con làng trên xóm dưới ai cũng thương quý, nhờ cậy những lúc tối lửa tắt đèn. Nội của tôi khéo lắm, người phụ nữ của xứ Bắc thường có nhiều tài.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuối năm nào nội cũng tự tay hái lá dong, ngâm đậu để gói bánh chưng cho con cháu, chẳng thế mà đêm ba mươi nào tôi cũng được xúm xít chụm củi, chêm cho ánh lửa thêm hồng. Lo cho gia đình là thế, phần mình, nội chỉ thích độc một món canh rau tập tàng (thỉnh thoảng có thêm ít đậu khuôn chiên cho lạ vị). Tôi hay theo nội ra vườn, còn nội vừa lom khom ngắt từng đọt ớt cho vào mẹt vừa bảo: chịu khó một chút là cả nhà mình sẽ có nồi canh ngon. Đến tận bây giờ, tôi vẫn thèm vị mát của ngọn sam, đọt ớt… hòa chút mặn mòi của muối trong nồi canh tập tàng nội nấu năm xưa. Bấy nhiêu thôi mà vin vào đó bố tôi nung chí hướng, còn tôi lớn khôn.

Nội tôi vốn trọng lễ nghĩa, nhất là trong lời ăn tiếng nói. Trước hiên căn nhà ván, những chiều “sách đèn” bên nội, tôi vẫn thường nghe lời người răn: “Con gái lớn trong nhà phải giữ cho được cái thùy mị, nết na”. Tôi giờ đi đứng, nói năng nhẹ nhàng cũng vì lẽ ấy. Nội là tấm gương sáng về nhân cách sống của bố con tôi trong cả cuộc đời. Những lần ngang qua ngôi nhà cũ, tôi như thấy bóng nội ngồi lặng lẽ bên thềm, chải mái đầu bạc trắng vào mênh mông của dương gian và trùng trùng của nỗi niềm thương nhớ. Tôi dụi mắt giữa hư không và biết mình đang mộng.

Sự thay đổi nào cũng là tất yếu. Nội đã xa mà ký ức về nội, về nồi canh tập tàng của nội vẫn thật gần. Cả cuộc đời, nội tôi vẹn tròn đạo nghĩa. Để đến bây giờ, kể về nội chỉ đôi dòng mà thấy mênh mang…

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.